Đồng rupiah yếu liệu có kích thích xuất khẩu của Indonesia?

06:30' - 02/06/2018
BNEWS Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài phân tích với nhận định rằng đồng rupiah của Indonesia đang chịu nhiều áp lực giảm giá, và liệu xuất khẩu của nước này có được hưởng lợi từ đồng nội tệ yếu?

Theo tác giả Hendarsyah Tarmizi, như dự đoán trước đó, ngày 17/5 Ngân hàng trung ương Indonesia (BI) đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 25 điểm cơ bản lên 4,5% trong cuộc họp của Hội đồng Thống đốc ngân hàng trung ương, lần đầu tiên kể từ tháng 11/2014.

Tuy nhiên, đồng rupiah tiếp tục dao động ở mức 14.000 rupiah đổi 1 USD trong phiên cuối tuần trước (18/5) bất chấp động thái tăng lãi suất. Đồng rupiah nhiều khả năng sẽ giữ ở mức giữa 13.900 rupiah và 14.000 rupiah đổi 1 USD khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) tăng lãi suất.

Fed đã tăng lãi suất trong tháng 3/2018 từ 1,5% lên 1,75%, và có kế hoạch nâng lãi suất ba lần nữa trong năm nay, song các nhà phân tích dự đoán lộ trình này sẽ được thúc đẩy khi lạm phát đi lên. Theo kế hoạch ban đầu, Fed dự kiến tăng lãi suất lên 2,1% vào cuối năm nay và 2,9% vào cuối năm 2019.

Đồng nội tệ của Indonesia chịu áp lực lớn sau khi lãi suất Mỹ tăng. Tỷ giá hối đoái của đồng rupiah giảm sâu hơn vào đầu tháng 5 khi vốn nước ngoài bắt đầu có dấu hiệu chảy ra khỏi các thị trường tài chính. Các nhà đầu tư toàn cầu đang di dời danh mục đầu tư của họ từ tài sản tài chính ở các nước mới nổi, trong đó có Indonesia, sang các tài sản do đồng USD chi phối để tận dụng lợi thế từ xu hướng tăng lợi suất trái phiếu Mỹ có được nhờ việc Fed nâng lãi suất.

Tuần trước, đồng rupiah phá vỡ ngưỡng 14.000 rupiah/USD – mức thấp nhất kể từ năm 2015, chịu tác động tiêu cực từ các báo cáo kém lạc quan về hoạt động ngoại thương của Indonesia trong tháng 4. Trong tháng trước, thâm hụt thương mại của nước này vào khoảng 1,6 tỷ USD so với mức thặng dư dự báo trước đó là 700 triệu USD.

Đồng rupiah đã mất khoảng 4% giá trị so với đồng USD trong năm nay. Mức giảm của tỷ giá hối đoái vẫn là tương đối thấp so với việc chỉ số Jakarta Composite Index (JCI) mất khoảng 7% kể từ cuối năm 2017.

Tuy nhiên, những tác động của việc giảm tỷ giá hối đoái đối với nền kinh tế thể hiện ở nhiều mặt, đặc biệt là trong thanh toán các khoản nợ công và nợ tư nhân ở nước ngoài cũng như chi phí phát sinh đối với việc mua sắm hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả các sản phẩm dầu mỏ. Xu hướng giảm giá trị của đồng rupiah có thể ảnh hưởng đến niềm tin của thị trường đối với nền kinh tế Indonesia, và có thể thúc đẩy dòng chảy vốn nước ngoài ra khỏi thị trường tài chính.

Tuy nhiên, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla đã hạ thấp những tác động của đồng nội tệ yếu đối với nền kinh tế. Thay vào đó, ông cho rằng việc đồng rupiah suy yếu cũng là điểm thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của nước này. Theo ông Kalla, nhờ sự mất giá của đồng rupiah, hàng hóa của Indonesia sẽ cạnh tranh hơn ở các thị trường nước ngoài, và điều đó có thể tạo cơ hội cho Indonesia đẩy mạnh xuất khẩu.

Những lập luận của ông Kalla dường như hơi vội vàng bởi hầu hết các công ty có các mặt hàng xuất khẩu của đất nước này vẫn dựa vào nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất. Đối với các mặt hàng dựa vào tài nguyên thiên nhiên như dầu cọ, cao su, ca cao và cà phê cũng như các sản phẩm khoáng sản, sự sụt giảm của tỷ giá hối đoái mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Với đồng USD mạnh hơn, thu nhập từ xuất khẩu tính bằng đồng rupiah tăng đáng kể. Ví dụ, nhiều nông dân trồng cao su và cà phê trở nên giàu có trong cuộc khủng hoảng tài chính 1997 -1998 vì giá các mặt hàng này tăng ít nhất gấp 4 lần trên thị trường nội địa. Vào thời điểm đó, tỷ giá hối đoái đã giảm xuống còn 15.000 rupiah/USD từ mức 2.500 rupiah/USD trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Tuy nhiên, lợi nhuận này xuất phát từ việc tăng giá đồng USD so với đồng rupiah, thay vì xuất phát từ việc tăng khối lượng xuất khẩu.

Việc xuất khẩu hàng công nghiệp là một câu chuyện khác. Đồng rupiah yếu sẽ khó có thể cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của hàng hóa công nghiệp của Indonesia vì phần lớn nguyên liệu thô của nước này vẫn phải nhập khẩu. Việc thay thế nguyên liệu nhập khẩu bằng các sản phẩm được sản xuất tại địa phương rất khó và cần có thời gian. Nhiều nguyên liệu thô nhập khẩu thậm chí không thể thay thế được do nguồn nội địa không thể đáp ứng.

Theo Hiệp hội Dệt may Indonesia (API), hơn 70% nguyên liệu dệt được sử dụng cho ngành công nghiệp trong nước được nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Hầu hết nguyên liệu dệt không có sẵn trên thị trường nội địa.

Chính phủ đã ban hành một số quy định để giảm nguyên liệu nhập khẩu thông qua một chương trình thay thế nhập khẩu. Tuy nhiên, các chính sách chủ yếu áp dụng cho các sản phẩm được bán ở thị trường trong nước, chẳng hạn như ô tô và điện thoại thông minh. Trong lĩnh vực ô tô, ví dụ, xe nhập khẩu phải sử dụng một phần các linh kiện địa phương để có thể giảm giá thành và chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu đồng rupiah yếu có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu của Indonesia? Tác giả bài viết cho rằng câu trả lời chắc chắn là "không". Những gì Indonesia thực sự cần là loại bỏ các rào cản quan liêu và giảm chi phí hậu cần để cho phép hàng hóa của Indonesia cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục