Đồng Tháp hướng đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2035

18:26' - 23/03/2024
BNEWS Đồng Tháp đang thực hiện các giải pháp, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời những trường hợp mắc lao, điều trị sớm nhằm giảm số người tử vong do bệnh lao, hướng đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Đẩy mạnh tầm soát, phát hiện lao

Theo bác sỹ Chuyên khoa II Đoàn Tấn Bửu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, bệnh lao có xu hướng tăng sau COVID-19. Trước đó, mỗi năm, Đồng Tháp phát hiện từ 2.800 - 3.000 ca lao mắc mới các thể, tương đương 160 - 170 ca/100 nghìn dân. Sau COVID-19, năm 2023, số ca lao mắc mới tăng lên hơn 3.690 ca (khoảng 60 - 70% so với tổng số ca mắc thực tế trong cộng đồng), tương đương 230 ca/100 nghìn dân (đứng thứ 5 toàn quốc và thứ 2/13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết, địa phương có số người mắc lao nhiều do tỉnh đẩy mạnh tầm soát để kịp thời phát hiện, điều trị, hướng tới mục tiêu sớm chấm dứt bệnh lao. Tỉnh tiếp tục tăng cường tầm soát, phấn đấu đạt mục tiêu phát hiện 80% số ca mắc mới trong cộng đồng và điều trị tích cực nhằm dần dần đẩy lùi bệnh này.

Lực lượng y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong thực hiện những giải pháp tầm soát lao trong việc phát hiện chủ động, thường quy. Mỗi trạm y tế trung bình có 9,5 biên chế; mỗi ấp, khóm có 2 nhân viên y tế. Như vậy, đội hình quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở mỗi xã, phường, thị trấn khoảng 20 người. Nếu được nâng cao năng lực chuyên môn, biết những giải pháp tầm soát, phát hiện lao, lực lượng này đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho việc tầm soát và phát hiện được nhiều bệnh nhân.

Là nhân viên y tế Ấp 5, xã Phương Trà (huyện Cao Lãnh), bà Đinh Thị Hồng Lan đã được tập huấn kiến thức phòng, chống những bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao. Bà Lan cho hay, bà thường gặp gỡ, tuyên truyền về phòng, chống lao cho đối tượng có nguy cơ mắc cao; tư vấn cho người nhà bệnh nhân lao các biện pháp phòng ngừa nhằm tránh lây lan bệnh. Bà tích cực tham gia những đợt tầm soát lao tại địa phương, nắm danh sách người mắc, đến thăm hỏi, động viên, nhắc nhở người bệnh điều trị đúng phác đồ.

Xác định được vai trò quan trọng của lực lượng y tế cơ sở trong tầm soát, hỗ trợ điều trị bệnh lao, Đồng Tháp đang tập trung củng cố lại tuyến y tế này. Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Khoa Thi, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp thông tin, lao là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh nhân lao ho, khạc ra vi trùng lao, phát tán trong không khí. Những người hít thở chung bầu không khí đó sẽ bị nhiễm bệnh. Thực tế trong cộng đồng, số ca mắc bệnh lao còn nhiều, tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh. Nhiều bệnh nhân lao cũng không biết mình bị nhiễm khi nào.

Bác sỹ Chuyên khoa I Nguyễn Khoa Thi khuyến cáo, mọi người nên đi khám lao sớm nếu cơ thể có những biểu hiện như: ho, khạc kéo dài trên 2 tuần, sốt, ớn lạnh về chiều, sụt cân, đổ mồ hôi ban đêm, đau ngực, khó thở… để được phát hiện kịp thời, điều trị mang lại hiệu quả cao.

Khoảng 98% bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh

Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp Nguyễn Khoa Thi khẳng định, nếu người bệnh sớm phát hiện, sớm điều trị nghiêm túc theo phác đồ đã được chỉ định thì hạn chế tối đa việc lây lan bệnh và sẽ khỏi bệnh hoàn toàn. Trường hợp phát hiện bệnh lao muộn cũng có thể điều trị khỏi nhưng sẽ để lại một số di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân lâu dài. Người bệnh được chẩn đoán mắc lao cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, đủ thời gian, uống thuốc đều đặn; đến cơ sở y tế tái khám định kỳ theo lịch hẹn.

Để hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Tháp cho rằng, địa phương cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe về bệnh lao; củng cố mạng lưới y tế cơ sở; áp dụng những kỹ thuật chẩn đoán bệnh lao hiện đại và phát hiện sớm người mắc lao. Tỉnh tăng cường phát hiện ca mắc lao tích cực tại các cơ sở y tế và phát hiện chủ động trong cộng đồng nhằm làm giảm nguồn lây lan; đồng thời, quản lý bệnh nhân toàn diện về việc tuân thủ điều trị, dinh dưỡng và động viên tinh thần, giảm kỳ thị giúp họ an tâm điều trị.

Gần hoàn thành phác đồ trị, ông Huỳnh Thanh Tùng (xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) đến Bệnh viên Phổi Đồng Tháp để kiểm tra sức khỏe. Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông đã không còn mắc lao. Ông Tùng chia sẻ, lúc trước, nhận thấy cơ thể có một số triệu chứng bất thường, ông đã chủ động đi khám và kịp thời phát hiện, sớm trị bệnh. Sau gần 9 tháng tuân thủ nghiêm phác đồ, uống thuốc đầy đủ, sức khỏe của ông hiện giờ bình phục tốt, không còn ho nhiều như trước, ăn và ngủ ngon, tăng cân.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu, tỉnh rất quan tâm đến công tác phòng, chống bệnh lao, đầu tư thành lập Bệnh viện Phổi Đồng Tháp. Đây là cơ sở điều trị bệnh lao có uy tín, khoảng 98% bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh. Ngay ở tuyến cơ sở, việc điều trị thành công bệnh lao đạt tỷ lệ cũng khá cao với hơn 90%. Như vậy, năng lực điều trị bệnh lao của Đồng Tháp đảm bảo. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là tầm soát, phát hiện sớm những trường hợp mắc mới.

Đồng Tháp đặt mục tiêu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời các trường hợp mắc lao, ca lao tiềm ẩn để quản lý, điều trị sớm nhằm tiếp tục giảm số người chết do bệnh lao, hướng đến chấm dứt bệnh lao vào năm 2035. Do đó, tỉnh ưu tiên bố trí kinh phí khoảng 23 tỷ đồng thực hiện chương trình ứng dụng chuyển số trong ngành Y tế, đặc biệt là xây dựng bệnh viện thông minh và bệnh án điện tử. Điều này vừa hỗ trợ cho kỹ thuật chẩn đoán để phát hiện bệnh nhanh và sớm, tích hợp dữ liệu người bệnh, vừa mang lại nhiều tiện ích trong tầm soát, phát hiện và điều trị bệnh lao.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục