Dòng tiền đổ vào trái phiếu Chính phủ Mỹ cao kỷ lục

10:09' - 20/10/2022
BNEWS Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hồi đầu tháng 8/2022 ở mức 2,605% và kết thúc tháng này với mức 3,110%, tương đương mức tăng 50 điểm cơ bản.

Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy dòng tiền nước ngoài đổ vào trái phiếu Chính phủ Mỹ đã mức cao kỷ lục trong tháng 8/2022, trong bối cảnh các nhà đầu tư đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chuyển hướng khỏi việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

 

Dữ liệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã “đổ” kỷ lục 174,2 tỷ USD vào trái phiếu Mỹ, tăng so với mức 23 tỷ USD trong tháng 7/2022. Các nhà phân tích thường xem xét báo cáo này để phát hiện xu hướng mua tài sản của nước ngoài tại Mỹ.

Vào tháng 8/2022 các số liệu lạm phát của tháng Bảy mới được công bố, trong đó cho thấy sức ép giá lên người tiêu dùng và nhà sản xuất đã giảm so với dự kiến. Giá tiêu dùng của Mỹ đã không tăng trong tháng 7/2022 do chi phí xăng dầu giảm mạnh.

Vào thời điểm đó, nhà đầu tư đồn đoán rằng Fed sẽ giảm dần tốc độ tăng lãi suất, một quan điểm đã nhanh chóng bị “đánh bay” tại cuộc họp của ngân hàng này ở Jackson Hole vào cuối tháng 8/2022. Tại cuộc họp đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định cam kết của Fed trong việc kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, dòng tiền nước ngoài không thay đổi theo giá trái phiếu. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hồi đầu tháng 8/2022 ở mức 2,605% và kết thúc tháng này với mức 3,110%, tương đương mức tăng 50 điểm cơ bản, cho thấy rằng các nhà đầu tư đang bán trái phiếu chứ không phải mua.

Báo cáo cũng cho thấy lượng trái phiếu do Nhật Bản nắm giữ đã giảm xuống 1.199 tỷ USD trong tháng 8/2022, so với mức 1.234 tỷ USD của tháng trước đó. Nhật Bản, nước đã giảm nợ chính phủ Mỹ trong tháng thứ hai liên tiếp, vẫn là nước nắm giữ lượng trái phiếu lớn nhất ngoài Mỹ.

Các ngân hàng trung ương cũng được cho là đã bán lượng trái phiếu Mỹ đang nắm giữ để bảo vệ các đồng nội tệ đang suy yếu của mình.

Đồng yen được xem là đồng tiền giao dịch yếu kém nhất so với đồng USD, vốn tăng mạnh nhờ các đợt tăng lãi suất lớn của Fed. Tính từ đầu năm đến nay, đồng yen đã giảm gần 23% so với đồng bạc xanh. Riêng tháng 8/2022, đồng yen đã giảm 4% giá trị so với đồng USD.

Mặt khác, Trung Quốc đã đẩy lượng trái phiếu nắm giữ lên 971,8 tỷ USD, từ mức 970 tỷ USD trong tháng 7/2022, tăng tháng thứ hai liên tiếp.

Nhìn chung, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu Mỹ ở nước ngoài đã tăng lên 7,509 nghìn tỷ USD trong tháng 8/2022, so với mức 7,501 nghìn tỷ USD trong tháng 7/2022.

Trong các loại tài sản khác, trong tháng 8/2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán cổ phiếu của Mỹ trong tháng thứ 8 liên tiếp, với giá trị 26,85 tỷ USD, so với mức 60,32 tỷ USD trong tháng 7/2022. Dòng tiền chảy ra trong tháng Bảy là mức lớn nhất kể từ tháng 3/2022.

Trái phiếu doanh nghiệp Mỹ đã ghi nhận dòng vốn vào là 9,45 tỷ USD trong tháng 8/2022, tăng nhẹ so với mức 8,78 tỷ USD của tháng 7/2022. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trái phiếu doanh nghiệp Mỹ trong 8 tháng liên tiếp.

Dữ liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy người dân Mỹ tiếp tục bán chứng khoán nước ngoài dài hạn mà họ đang nắm giữ, với doanh thu ròng là 22,7 tỷ USD trong tháng 8/2022, so với mức 27,2 tỷ USD trong tháng 7/2022./.

>>Fitch cảnh báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái như giai đoạn 1990

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục