Đồng USD “chật vật” tìm kiếm động lực tăng giá

13:48' - 22/02/2025
BNEWS Đồng USD mạnh lên so với nhiều loại tiền tệ khác như đồng euro, bảng Anh và đô la Australia (AUD).
Trong phiên giao dịch ngày 21/2, đồng USD mạnh lên so với nhiều loại tiền tệ khác như đồng euro, bảng Anh và đô la Australia (AUD), trong bối cảnh thị trường đang chờ đợi số liệu lạm phát được công bố vào tuần tới và theo dõi tin tức về thuế quan.

 
Ông Karl Schamotta, trưởng chiến lược gia thị trường tại công ty dịch vụ thanh toán toàn cầu Corpay ở Toronto, cho biết “đồng bạc xanh” đang trải qua một đợt phục hồi kỹ thuật sau khi bị bán tháo liên tục trong những tuần gần đây. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đang lo ngại về những rủi ro trong thương mại quốc tế, khiến họ bán ra các loại tiền tệ khác và quay trở lại nắm giữ đồng USD, vốn được coi là tài sản an toàn hơn. 

Tuy nhiên, đồng USD đã giảm bớt đà tăng sau khi dữ liệu ngày 21/2 của công ty dữ liệu tài chính S&P Global cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ trong tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng. “Đồng bạc xanh” tiếp tục giảm sau khi báo cáo về tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan và dữ liệu doanh số bán nhà hiện có của Mỹ đều cho thấy sự sụt giảm.

Theo báo cáo khảo sát của Đại học Michigan công bố ngày 21/2 cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 2/2025 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 tháng, trong khi dự đoán về lạm phát lại tăng cao do các hộ gia đình lo ngại chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump sẽ làm giảm sức mua.

Theo khảo sát, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã giảm xuống mức 64,7 trong tháng 2, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2023, từ mức 71,7 của tháng 1. Trong khi đó, các hộ gia đình dự đoán lạm phát trong năm tới sẽ tăng cao lên mức 4,3%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2023. Những người tham gia khảo sát cũng dự báo mức lạm phát trung bình trong 5 năm tiếp theo sẽ là 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 1995.

Trong khi đó, số liệu do Hiệp hội Bất động sản quốc gia (NAR) vừa công bố cho thấy doanh số bán nhà đã qua sở hữu tại Mỹ sau 3 tháng tăng liên tiếp đã bất ngờ giảm mạnh trong tháng 1/2025, do lãi suất thế chấp cao và giá nhà kìm hãm nhu cầu.

Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, doanh số bán nhà đã qua sở hữu đã giảm 4,9% trong tháng 1/2025, xuống còn 4,08 triệu căn, thấp hơn mức dự báo được các nhà kinh tế tham gia thăm dò của hãng tin Reuters đưa ra trước đó là 4,12 triệu căn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến tháng 1/2025, doanh số bán nhà đã qua sở hữu lại tăng 2,0%.

Các báo cáo này củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay, mặc dù Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong vài tháng tới. Dữ liệu của LSEG cho thấy Fed có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất một lần nữa vào cuộc họp chính sách tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay.

Nhìn chung, đồng USD đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm động lực trong vài tuần qua. Chỉ số USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã giảm 1,7% trong tháng Hai, hướng tới mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng Tám.

Thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi Chỉ số Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào tuần tới để xác nhận thêm về lộ trình lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ.

Còn theo số liệu khảo sát do S&P Global công bố ngày 21/2, hoạt động sản xuất kinh doanh của Mỹ đã gần như đình trệ trong tháng 2/2025 do những lo ngại gia tăng về thuế quan đối với hàng nhập khẩu và cắt giảm sâu chi tiêu của chính phủ liên bang.

Chỉ số PMI tổng hợp của S&P Global, theo dõi các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đã giảm xuống còn 50,4 trong tháng 2/2025, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023 và giảm so với mức 52,7 của tháng 1. Chỉ số PMI sản xuất tăng từ mức 51,2 của tháng 1 lên mức 51,6 trong tháng 2, song chỉ số PMI dịch vụ lại giảm xuống mức 49,7, mức suy giảm lần đầu tiên kể từ tháng 1/2023, từ mức 52,9 của tháng trước đó.

Trong phiên giao dịch chiều ngày 21/2 (giờ địa phương), đồng euro đã giảm giá so với đồng USD sau một loạt cuộc khảo sát cho thấy hoạt động kinh doanh sụt giảm mạnh vào đầu tháng Hai ở Pháp và chỉ cải thiện nhẹ ở Đức - hai đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone). Phiên này, đồng euro giảm 0,4% xuống còn 1,0461 USD đổi 1 euro, mức giảm theo ngày lớn nhất kể từ đầu tháng Hai.

Các nhà đầu tư cũng đang hướng tới cuộc bầu cử vào ngày 23/2 tại Đức - yếu tố then chốt trong việc định hình dự đoán của giới đầu tư về tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Trong khi đó, đồng bảng Anh giảm 0,3% xuống 1,2631 USD đổi 1 bảng Anh do chịu áp lực bởi sức mạnh tổng thể của đồng USD. Đồng USD cũng tăng giá so với các đồng AUD của Australia, NZD của New Zealand và CAD của Canada.

Tuy nhiên, so với đồng yen của Nhật Bản, đồng USD đã giảm 0,4% xuống 149,02 yen đổi 1 USD sau khi chạm mức thấp nhất trong 11 tuần là 148,93 yen đổi 1 USD. “Đồng bạc xanh” đã giảm giá trong 5 tuần trong 6 tuần qua so với đồng yen và giảm 2,2% trong tuần này.

Đồng yen tăng giá khi việc bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật Bản đẩy lợi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2009, sau khi lạm phát cốt lõi của nước này đạt đỉnh 19 tháng vào tháng Một. Điều này làm dấy lên kỳ vọng về việc tăng lãi suất hơn nữa ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda đã nhanh chóng trấn an khi nói rằng BoJ có thể kiềm chế lãi suất dài hạn bằng cách mua trái phiếu chính phủ. Đến nay, đồng yen đã tăng khoảng 3,9% so với đồng USD trong tháng Hai.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục