Đồng USD liệu có đặc quyền quá lớn?

14:11' - 15/02/2016
BNEWS Giáo sư Ben Bernanke đề cập đến vai trò vượt trội của đồng USD đối với thương mại và tài chính quốc tế khi lý giải cho tác động quốc tế từ chính sách của Fed.
Vai trò quốc tế của đồng USD: Một đặc quyền quá lớn?. Ảnh: Reuters

Viện Nghiên cứu Brookings mới đây đăng bài viết phân tích tác động của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh lãi suất đối với thị trường tài chính toàn cầu của Giáo sư Ben Bernanke, chuyên gia nghiên cứu kinh tế cao cấp thuộc cơ quan nghiên cứu này, nguyên là Chủ tịch Fed.

Trong bài viết, tác giả đề cập đến vai trò vượt trội của đồng USD đối với thương mại và tài chính quốc tế khi lý giải cho tác động quốc tế từ chính sách của Fed. Liệu đồng USD có khuếch đại những tác động từ những chính sách của Fed đối với các quốc gia khác? Và nếu vậy thì tác động như thế nào?

Tác giả cho rằng lợi ích mà đồng USD mang lại cho nước Mỹ đã giảm đi nhiều trong những thập niên gần đây và kênh duy nhất mà Fed có thể có được ảnh hưởng quốc tế là thông qua thị trường tín dụng USD hóa.

Vấn đề là tại sao đồng USD vẫn giữ được giá trị cao trước những thay đổi lớn như vậy? Lý do quan trọng nhất đương nhiên là do quán tính hay sự trì trệ. Người ta vẫn quen với việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch quốc tế và vẫn sẵn sàng nhận đồng USD khiến sự hữu dụng của nó ngày càng tăng (các nhà kinh tế gọi đây là "sự chú trọng giá trị bề ngoài một cách hệ thống").

Tuy nhiên, trong những thập niên gần đây, đồng USD cũng đã chứng minh được giá trị của nó như là một phương tiện trao đổi quốc tế.

Đồng USD mang lại một số lợi ích cho người sử dụng. Trước hết là sự ổn định về giá trị. Từ giữa những năm 1980, Fed đã thực hiện tốt việc giữ lạm phát thấp và ổn định. Tiếp đến là khả năng thanh khoản cao. Thị trường tài chính Mỹ, đặc biệt là thị trường trái phiếu chính phủ, luôn có tính thanh khoản cao nhất trên thế giới.

Một phần đây là kết quả của nhu cầu sử dụng đồng USD trong giao dịch thương mại. Bên cạnh đó, còn một số lý do khác như thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ rất lớn và đồng nhất, trong khi thị trường dành cho trái phiếu chính phủ mua bán bằng đồng euro (một đối thủ tiềm năng nhất của đồng USD) lại không đồng nhất, tùy thuộc vào quốc gia phát hành trái phiếu.

Đồng USD cũng là một đồng tiền vô cùng an toàn, có xu hướng tăng giá trong những thời kỳ khủng hoảng, yếu tố khiến việc giữ các tài sản bằng đồng USD luôn hấp dẫn trong thời điểm bình thường. Mặc dù vẫn có những gian lận về tài chính xung quanh việc Quốc hội Mỹ đưa ra trần nợ công nhưng vẫn có một nguồn cung cấp dồi dào những tài sản được định giá bằng đồng USD được coi là an toàn, trong đó có trái phiếu chính phủ.

Bên cạnh đó, Fed là người cho vay cuối cùng, đóng vai trò như một nhà cung cấp USD cuối cùng trong thời kỳ khủng hoàng tài chính bằng việc ký các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 14 ngân hàng trung ương lớn khác, trong đó có bốn ngân hàng của các thị trường đang nổi. Theo đó, các ngân hàng trung ương nước khác có thể có được đồng USD sau đó cho các ngân hàng dưới quyền vay để thực hiện giao dịch bằng USD.

Vậy thì Mỹ có lợi gì khi sở hữu một đồng tiền được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu? Một số lợi ích mang tính biểu tượng như một loại "chứng nhận bảo đảm" đối với thị trường, các thiết chế và chính sách của Mỹ. Trên thực tế, những lợi ích của việc sở hữu đồng tiền quốc tế phần lớn là mang tính biểu tượng, với một ví dụ là những nỗ lực của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng nhân dân tệ chủ yếu là do nhu cầu được quốc tế công nhận.

Lợi ích rõ ràng của Mỹ trong việc phát hành một đồng tiền dự trữ quan trọng, "một đặc quyền quá lớn", bị suy giảm đáng kể bởi sự cạnh tranh thực tế hoặc tiềm ẩn ngày càng lớn từ các đồng tiền khác như euro, yen Nhật và bởi sự đóng góp đang giảm sút của Mỹ đối với nền kinh tế thế giới. Cụ thể, lãi suất mà Mỹ trả cho những tài sản an toàn như nợ chính phủ nhìn chung không hề giảm (và hiện còn đang tăng) so với mức trả của các quốc gia công nghiệp có thực lực khác.

Một lượng lớn đồng USD được lưu giữ bên ngoài Mỹ được coi như khoản vay không lãi suất đối với Mỹ. Tuy nhiên, tiền trả lãi suất tiết kiệm được vào khoảng 20 tỷ USD một năm, bằng 1% GDP của Mỹ và cái gọi là "thuế đúc tiền" này có thể vẫn tồn tại thậm chí ngay cả khi đồng USD mất giá so với các loại tiền tệ khác trong các giao dịch quốc tế.

Các tập đoàn Mỹ có thể hưởng lợi khi tỷ giá hối đoái giảm nhẹ trong các giao dịch quốc tế, nhưng không nên phóng đại về lợi ích mà đồng USD đem lại cho Mỹ. Vai trò là tài sản trú ẩn an toàn của đồng USD thực sự là một điểm yếu của các tập đoàn Mỹ vì nó có nghĩa là các tập đoàn này giảm khả năng cạnh tranh hơn (vì đồng USD đang ngày càng mạnh hơn) tại chính thời điểm mà điều kiện kinh tế toàn cầu khó khăn nhất.

Về tổng thể, thực tế là tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến trong kinh doanh và chính trị quốc tế mang lại nhiều lợi ích cho Mỹ hơn là vị thế quốc tế của USD. Đặc quyền quá mức này không còn là quá mức nữa.

Đối với câu hỏi là vai trò đặc biệt của đồng USD ảnh hưởng thế nào đối với việc sự truyền động chính sách của Fed ra bên ngoài thì sao? Nói cách khác, chính sách tiền tệ của Fed sẽ gây ra những tác động quốc tế nào đưa đến hành động tương tự của các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu hay Nhật Bản?

Có lẽ kênh tác động khác biệt quan trọng nhất từ chính sách của Fed đến từ thực tế là nhiều người/tổ chức đi vay tại các quốc gia đang nổi, cả ngân hàng và các tập đoàn, đều vay bằng đồng USD ngay cả khi không đi vay từ các ngân hàng của Mỹ.

Vay bằng USD cho phép ngân hàng hoặc tập đoàn từ các thị trường đang nổi tiếp cận với các thị trường tín dụng lớn hơn và có tính thanh khoản cao hơn trong khi bảo vệ các đối tác cho vay trước biến động không mong muốn về tỷ giá hối đoái của đồng tiền quốc gia. Những khoản nợ USD hóa tất nhiên khiến chính sách của Fed trở nên có sức mạnh trên thị trường quốc tế.

Mặc dù nhiều khoản vay quốc tế đều được định giá bằng USD, nhưng điều đó không có nghĩa Fed là "một ngân hàng trung ương của thế giới". Với các tập đoàn của các quốc gia đang nổi, lợi nhuận và chi phí hầu hết được tính theo đồng tiền của quốc gia. Ngay cả khi các tập đoàn đó có thói quen đi vay trên thị trường tín dụng USD hóa thì lãi suất được tính đến trong quyết định đầu tư và thuê nhân công của tập đoàn là chi phí được tính bằng đồng tiền quốc gia chứ không phải lãi suất bằng USD.

Vì vậy, nếu Fed hạ lãi suất bằng USD thì lãi suất vay tương ứng có thể không giảm hoặc có giảm nhưng không nhiều như lãi suất bằng USD, tùy thuộc vào dự kiến của doanh nghiệp về tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng tiền của nước đó. Nếu đồng USD được cho là lên giá, việc đi vay bằng USD không chắc chắn là rẻ hơn đối với các tập đoàn này bởi việc thanh toán nợ bằng đồng tiền của quốc gia sẽ lớn hơn.

Nói tóm lại, chính sách tiền tệ nới lỏng của Fed (nghĩa là giảm lãi suất bằng USD) không có nghĩa chắc chắn là những bên vay trên khắp thế giới sẽ có điều kiện dễ dàng hơn. Chi phí của việc vay mượn thay vào đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, bao gồm cả dự kiến của bên vay về phản ứng của các ngân hàng trung ương nước ngoài.

Trên thực tế, chính sách của Fed tác động đến những người đi vay ở các thị trường mới nổi ít hơn thông qua dự kiến chi phí vay mượn và nhiều hơn thông qua chi phí thực sự, chi phí trả cho các khoản vay. Phần lớn các khoản vay USD dành cho các công ty nước ngoài không được bảo vệ trước những biến động tiền tệ.

Nếu Fed thắt chặt chính sách (nghĩa là USD tăng giá một cách nhanh chóng, bất ngờ thì khoản vay ban đầu được cho là rẻ có thể trở nên rất đắt đỏ bởi sẽ được thanh toán bằng đồng USD). Nợ cao hơn gây áp lực đối với bảng cân đối kế toán của những người đi vay, dẫn đến việc giảm cho vay, đầu tư và thuê mướn nhân công.

Vì lý do này, Fed thắt chặt chính sách cũng như là thắt chặt hơn đối với các nền kinh tế khác. Hiển nhiên, tác động này không mạnh nếu có ít các khoản vay nước ngoài được định giá bằng USD hoặc các khoản nợ bằng đồng USD có thể tránh khỏi các nguy cơ về tỷ giá hối đoái.

Với việc Fed đang bắt đầu nâng lãi suất, nguy cơ mà đồng USD mạnh hơn gây ra cho các công ty đi vay tiền ở các thị trường đang nổi cần được kiểm soát thận trọng hơn. Tin tốt là đồng USD tăng giá mạnh trong 18 tháng gần đây nhưng không có vấn đề tài chính nào lớn xảy ra.

Tuy nhiên, nếu các ngân hàng và tập đoàn của các thị trường đang nổi phải chịu áp lực tài chính thì có thể kìm hãm nền kinh tế của những nước này và gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Nói rộng hơn, nguy cơ đối với sự ổn định tài chính đến từ những khoản vay không được bảo đảm này khiến chính phủ các nước đang nổi lên sẽ giám sát và hạn chế tiếp cận thị trường tín dụng bằng USD trong tương lai.

Nơi hợp lý nhất để thực hiện điều này chính là hệ thống ngân hàng - nơi mà các quy định bảo đảm rằng bên cho vay không bị đặt vào tình thế không được bảo vệ trước nguy cơ USD tăng giá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục