Đồng USD mạnh hơn gây áp lực lên giá dầu

16:08' - 06/01/2025
BNEWS Trong phiên chiều 6/1, giá dầu đi xuống, do đà tăng của đồng USD.
Trong phiên chiều 6/1, giá dầu đi xuống, do đà tăng của đồng USD.

Giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 0,2% xuống 76,36 USD/thùng, sau khi đã chốt phiên cuối tuần trước ở mức cao nhất kể từ ngày 14/10. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 0,19%, xuống 73,82 USD/thùng, sau khi đóng cửa phiên trước ở mức cao nhất kể từ ngày 11/10.

Giá dầu đã tăng trong 5 phiên trước đó nhờ kỳ vọng nhu cầu tăng lên sau khi thời tiết trở lạnh ở Bắc bán cầu và Trung Quốc đưa ra thêm các biện pháp kích thích để vực dậy nền kinh tế.

 
Tuy nhiên, bà Priyanka Sachdeva, một nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính Phillip Nova, lưu ý sức mạnh của đồng USD đang được các nhà đầu tư quan tâm.

Phiên này, đồng USD vẫn ở gần mức đỉnh trong hai năm. Theo bà Sachdeva, đồng USD mạnh hơn khiến cho việc mua các hàng hóa được định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn.

Các nhà đầu tư đang chờ đợi các thông tin kinh tế để có thêm manh mối về triển vọng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Dự kiến, biên bản cuộc họp gần nhất của Fed sẽ được công bố ngày 8/1 và báo cáo việc làm tháng 12 sẽ được công bố ngày 10/1.

Bên cạnh đó, nguồn cung dầu của Iran và Nga có nguy cơ gián đoạn do các nước phương Tây tăng cường các lệnh trừng phạt. Theo một số nguồn tin, Mỹ dự kiến sẽ áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Ngân hàng Goldman Sachs dự kiến sản lượng và xuất khẩu dầu của Iran sẽ giảm trong quý II/2025 do những thay đổi chính sách dự kiến và các lệnh trừng phạt từ chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Goldman Sachs dự báo sản lượng của quốc gia thành viên  Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) này có thể giảm 300.000 thùng/ngày, xuống còn 3,25 triệu thùng/ngày vào quý II/2025.

Tuy nhiên, thị trường dầu toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ dư cung trong năm nay do các nhà phân tích dự báo rằng sự gia tăng nguồn cung từ các nước ngoài OPEC sẽ bù đắp phần lớn cho mức tăng nhu cầu toàn cầu. Ngoài ra, triển vọng sản lượng dầu tại Mỹ tăng thêm dưới thời ông Trump cũng làm tăng thêm bất ổn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục