Triển vọng ảm đạm của giá dầu trong năm 2025
Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết dẫn đánh giá của giới phân tích nhận định rằng tình trạng dư cung tiềm ẩn của thị trường cũng như nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển có thể sẽ đẩy giá dầu thô xuống thấp hơn trong năm 2025.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Hầu hết các ngân hàng và hãng phân tích đều dự báo giá dầu thô Brent sẽ giảm xuống mức trung bình 70-75 USD/thùng trong năm 2025, so với mức 80 USD/thùng năm 2024, do sản lượng toàn cầu gia tăng, các rủi ro địa chính trị dịu bớt và sự thay đổi mô hình nhu cầu của Trung Quốc.Những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2025 đang gia tăng khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là sẵn sàng áp dụng các mức thuế đáng kể đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước đồng minh khác.
Chiến lược gia Giovanni Staunovo tại ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết, ngân hàng này nhận định thị trường dầu mỏ thế giới sẽ "cân bằng một cách chặt chẽ" trong năm 2025 sau khi ghi nhận tình trạng "thiếu cung" vào năm ngoái. UBS, ngân hàng đã dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 80 USD/thùng trong năm 2025, cho rằng thị trường sẽ dư cung ở mức khiêm tốn 100.000 thùng/ngày trong năm nay.Điều này trái ngược với mức dự báo dư cung của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trong báo cáo mới nhất về thị trường dầu mỏ thế giới, IEA dự đoán thị trường dầu toàn cầu sẽ dư cung 950.000 thùng/ngày, đồng thời cảnh báo con số này có thể tăng lên 1,4 triệu thùng/ngày nếu Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, bắt đầu nới lỏng các mức cắt giảm sản lượng vào cuối tháng 3/2025.
Ngày 5/12/2024, OPEC+ đã gia hạn các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 3/2025. Các mức cắt giảm này ban đầu dự kiến sẽ được loại bỏ dần từ tháng 10/2024. Các nhà phân tích cho rằng OPEC+ có thể sẽ tiếp tục gia hạn các mức cắt giảm sản lượng đó nếu cần thiết, bất chấp những lo ngại về việc liên minh này đang mất thị phần vào tay các nhà sản xuất khác. Nhà phân tích Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của hãng cung cấp dịch vụ tài chính đa quốc gia của ING có trụ sở tại Hà Lan, nhận định: "Hành động hồi đầu tháng 12/2024 của OPEC+ cho thấy khối này dường như cam kết cố gắng giữ cho thị trường dầu mỏ cân bằng hơn". Ông Staunovo cũng lưu ý rằng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy OPEC+ có ý định đấu tranh để giành thị phần và bơm thêm dầu ra thị trường dầu mỏ quốc tế. ING dự đoán giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 71 USD/thùng trong năm 2025 do tình trạng dư cung, đồng thời cảnh báo triển vọng của thị trường dầu mỏ đang đối mặt với những rủi ro rõ ràng, bao gồm cả việc thực thi nghiêm ngặt hơn các biện pháp trừng phạt đối với Iran.Ông Trump có kế hoạch thắt chặt đáng kể các biện pháp trừng phạt đối với Iran và hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Trung Đông này như một phần của chiến dịch "gây áp lực tối đa" lên Tehran. Iran - quốc gia đã thành công vượt qua các lệnh trừng phạt dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden - đã chứng kiến sản lượng dầu tăng lên khoảng 3,32 triệu thùng/ngày trong tháng 11/2024, từ mức 2,86 triệu thùng/ngày ghi nhận vào tháng trước đó.
Giá dầu thô đã suy giảm trong nửa cuối năm 2024 do nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc, giữa lúc nước này chứng kiến đà suy giảm tăng tưởng kinh tế và nhanh chóng áp dụng xe điện và xe lai (hybrid). IEA trước đó dự báo nhu cầu dầu ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2024, trong khi hãng cung cấp thông tin năng lượng và hàng hóa S&P Global Commodity Insights dự đoán nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong năm 2025.Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã lạc quan hơn sau khi Bắc Kinh công bố các biện pháp kích thích để vực dậy nền kinh tế, vốn bị ảnh hưởng bởi chi tiêu tiêu dùng suy yếu và sự suy thoái của thị trường bất động sản. Ông Staunovo cho rằng Trung Quốc sẽ được hưởng lợi "ở mức vừa phải" từ các biện pháp kích thích, nhưng tác động đối với tăng trưởng nhu cầu dầu có thể sẽ không đáng kể.
Theo dự báo của IEA, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2025, từ mức 840.000 thùng/ngày năm 2024. Trong khi tăng trưởng nhu cầu ở Trung Quốc đã chậm lại, các nền kinh tế châu Á mới nổi dự kiến vẫn sẽ chiếm phần lớn mức tăng này. Ngân hàng Emirates NBD của UAE đánh giá nguồn cung ngày càng tăng, cùng với tăng trưởng nhu cầu không chắc chắn và các rủi ro địa chính trị dịu bớt hơn, có thể sẽ tiếp tục gây áp lực lên giá dầu. Ngân hàng này dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 73,1 USD/thùng trong năm 2025. Trong khi căng thẳng địa chính trị đã tạo ra biến động ngắn hạn cho giá dầu vào năm ngoái, việc không xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung đáng kể nào đã hạn chế tác động của những rủi ro này đối với thị trường dầu mỏ.Bất chấp những căng thẳng leo thang ở Trung Đông, bao gồm cuộc chiến ở Dải Gaza và căng thẳng giữa Iran và Israel, giá dầu thô Brent đã giảm gần 18% kể từ khi đạt 92 USD/thùng vào tháng 4/2024. Công suất dự phòng hơn 5 triệu thùng/ngày của OPEC cũng đã giúp giảm bớt tác động của các diễn biến địa chính trị cũng như trấn an giới giao dịch rằng khối này có thể cung cấp thêm dầu cho thị trường trong trường hợp gián đoạn nguồn cung.
Những dự báo về tình trạng dư cung trên thị trường dầu mỏ trong năm nay cũng được thúc đẩy bởi kỳ vọng về sự gia tăng sản lượng mạnh mẽ ở các quốc gia ngoài OPEC+. Theo nhận định của OPEC, nguồn cung dầu thô của các nhà sản xuất ngoài OPEC+ dự kiến sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2025, với Mỹ, Brazil, Canada và Na Uy dẫn đầu mức tăng này.Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) của Mỹ dự báo sản lượng dầu thô toàn cầu sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày trong năm 2025, với 90% mức tăng này (tương đương khoảng 1,44 triệu thùng/ngày) đến từ các quốc gia ngoài OPEC+. Sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Mỹ sẽ tăng lên 13,5 triệu thùng/ngày trong năm nay, so với mức ước đạt 13,2 triệu thùng/ngày năm 2024.
Trong báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn công bố mới đây, EIA dự báo thị trường dầu mỏ sẽ tương đối cân bằng trong năm 2025, với giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 74 USD/thùng, giảm đáng kể so với mức dự báo trước đó là 81 USD/thùng.
Ông Trump từng tuyên bố sẽ thúc đẩy các hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Mỹ bằng cách nới lỏng các quy định về môi trường và đẩy nhanh việc cấp phép cho các dự án mới. Các nhà phân tích cho rằng các chính sách của ông Trump sẽ không thúc đẩy đáng kể hoạt động sản xuất dầu của Mỹ trong năm 2025.Tuy nhiên, các chính sách thuế quan mạnh mẽ của Tổng thống đắc cử Mỹ có thể cản trở tăng trưởng kinh tế, qua đó làm giảm nhu cầu dầu toàn cầu. Ông Trump đã đề xuất mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ.
Hồi tháng 11/2024, ông Trump cho biết ông sẽ ký một sắc lệnh áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada vào Mỹ. Ông cũng đe dọa áp dụng các biện pháp thuế quan đối với Liên minh châu Âu (EU) nếu khối này không tăng mua dầu thô và khí đốt của Mỹ.
Tin liên quan
-
Ý kiến và Bình luận
Indonesia sẽ ngừng nhập khẩu dầu diesel vào năm 2026
08:10' - 05/01/2025
Nước này đang thực hiện lộ trình chương trình bắt buộc sử dụng 50% biodiesel hay diesel sinh học (B50) vào năm 2026 để tiến tới ngừng nhập khẩu dầu diesel.
-
Hàng hoá
Tuần giao dịch “thăng hoa” của thị trường dầu thế giới
14:15' - 04/01/2025
Thị trường dầu thế giới đã có một tuần giao dịch thăng hoa, khi thời tiết lạnh giá tại châu Âu và Mỹ và các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc được cho là có thể thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu.
-
Hàng hoá
Kỳ vọng chính sách thúc đẩy giá dầu châu Á đi lên
15:32' - 03/01/2025
Trong phiên giao dịch chiều 3/11, giá dầu tại thị trường châu Á tiếp tục tăng, giữa những kỳ vọng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ kích thích nhu cầu nhiên liệu.
Tin cùng chuyên mục
-
Ý kiến và Bình luận
Fed cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng
14:21' - 05/04/2025
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell cho rằng các mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt đang làm tăng nguy cơ thất nghiệp.
-
Ý kiến và Bình luận
Fed cảnh báo nguy cơ lạm phát tăng
14:20' - 05/04/2025
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell cho rằng các mức thuế quan do Tổng thống Donald Trump áp đặt đang làm tăng nguy cơ thất nghiệp.
-
Ý kiến và Bình luận
Các hiệp hội kinh tế Hàn Quốc kêu gọi ổn định chính trị, khôi phục kinh tế
12:34' - 05/04/2025
Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) đưa ra lời kêu gọi chấm dứt xung đột và tập trung nỗ lực vào việc ứng phó với các vấn đề kinh tế như cuộc chiến thuế quan.
-
Ý kiến và Bình luận
UNCTAD: Nguy cơ căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng do thuế quan
08:19' - 05/04/2025
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) ngày 4/4 đã ra thông báo đánh giá về nguy cơ căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang sau khi Mỹ công bố kế hoạch thuế quan mới.
-
Ý kiến và Bình luận
IMF đánh giá lại rủi ro từ thuế quan Mỹ với kinh tế thế giới
13:30' - 04/04/2025
IMF hiện đang đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế vĩ mô từ các biện pháp thuế quan mới được công bố.
-
Ý kiến và Bình luận
Tổng Giám đốc WTO: Thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm khoảng 1% vì thuế quan mới của Mỹ
09:18' - 04/04/2025
Theo Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kế hoạch thuế quan mới được Mỹ công bố có thể khiến tổng khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu giảm khoảng 1% trong năm nay.
-
Ý kiến và Bình luận
Canada tuyên bố áp thuế đối với ôtô của Mỹ
08:09' - 04/04/2025
Thủ tướng Canada Mark Carney tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế quan có mục tiêu đối với ôtô sản xuất tại Mỹ.
-
Ý kiến và Bình luận
Kinh tế tư nhân - trụ cột mới của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển
09:55' - 03/04/2025
Trong gần 40 năm Đổi mới, khu vực tư nhân đã chứng minh vai trò không thể thay thế trong việc tạo việc làm, thu hút đầu tư, đóng góp ngân sách và thúc đẩy sáng tạo.
-
Ý kiến và Bình luận
Quốc hội Brazil thông qua luật cho phép chính phủ đáp trả mức thuế quan của Mỹ
08:01' - 03/04/2025
Hạ viện Brazil đã thông qua luật cho phép Chính phủ của Tổng thống Lula da Silva được đưa ra các biện pháp trả đũa đối với quyết định thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Trump.