Đồng USD mạnh thách thức các nước phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ

17:11' - 24/10/2022
BNEWS Nhà phân tích hàng hóa tại UBS Group, Giovanni Staunovo, cho rằng đồng USD mạnh là thách thức với các nước tiêu thụ dầu có đồng nội tệ không neo vào USD. 
Giá dầu Brent đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh hồi đầu năm, nhưng người dân Pháp, Ấn Độ hay Ghana không cảm nhận được điều đó. Điều này đồng nghĩa giá nhiên liệu vẫn là nguyên nhân chính khiến chi phí sinh hoạt tại nhiều nước tăng cao.

Giá dầu Brent giảm từ mức gần 128 USD/thùng hồi tháng Ba. Trong khi đó, chỉ số USD đo giá trị của đồng tiền này với rổ các đồng tiền mạnh khác tăng 15%.

 
Ở các nước tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu, giá dầu thực tế không giảm nhiều như mức giảm của giá dầu Brent. Với những nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka, giá dầu tăng và nội tệ lao dốc đã khiến nền kinh tế gần như sụp đổ.

Nhà phân tích hàng hóa tại UBS Group, Giovanni Staunovo, cho rằng đồng USD mạnh là thách thức với các nước tiêu thụ dầu có đồng nội tệ không neo vào USD. Trong 12 tháng qua, giá dầu tính theo nội tệ các nước còn tăng mạnh hơn.

Việc này không thể giải quyết một cách dễ dàng. Nâng lãi suất để đẩy giá nội tệ lên có thể kéo tụt tăng trưởng vốn đã rất mong manh của các nền kinh tế. Trong khi đó, các nước còn phải kiểm soát dự trữ ngoại tệ.

Các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro phụ thuộc lớn vào dầu nhập khẩu. 5 nền kinh tế lớn nhất khối này là Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Hà Lan hiện phụ thuộc ít nhất 90% vào dầu nhập khẩu để vận hành các nhà máy lọc dầu.

Trong tình hình đó, giá dầu tính theo USD trở thành cơn đau đầu với các quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu trong một năm thách thức. Nguồn cung nhiên liệu từ Nga bị cắt giảm đã khiến lạm phát tại khu vực này tăng lên mức kỷ lục 9,9% trong tháng Chín.

Các nước châu Á cũng cảm nhận tác động tương tự. Cho đến tháng Tám, giá trị nhập khẩu dầu của Trung Quốc tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, dù khối lượng nhập giảm do nước này vẫn đang áp dụng chính sách "không COVID".

Tháng trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc Rhee Chang-yong nói đến việc đồng won yếu đi đang làm mất đi lợi ích của việc giá dầu giảm. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang thực hiện trợ giá để giúp người tiêu dùng giảm tác động của giá nhiên liệu cao.

Việc đồng USD mạnh lên cũng khiến Ấn Độ tìm đến các đối tác thương mại như Saudi Arabia (A-rập Xê-út), Nga và Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất để đàm phán trả bằng nội tệ. Năm nay, rupee đã mất giá 11% so với USD.

Chiến lược gia tiền tệ tại Standard Chartered, Divya Devesh, nhận định nếu giá dầu liên tục duy trì ở mức hiện tại hoặc tăng cao hơn nữa, thâm hụt thương mại sẽ vẫn lớn, làm tăng sức ép giảm giá lên đồng rupee.

Đồng USD mạnh gây sức ép lên rất nhiều quốc gia, nhưng các nền kinh tế mới nổi chịu tác động lớn nhất. Tại Ghana, nếu quy ra đồng cedi của nước này, giá dầu Brent hiện còn cao hơn tháng Ba, thậm chí đang ở mức kỷ lục.

Sri Lanka gần đây phải đóng cửa nhà máy lọc dầu duy nhất vì không đủ tiền mua dầu thô. Quốc gia này đã vỡ nợ từ mùa Hè, do phải chật vật chi trả cho lương thực, nhiên liệu nhập khẩu.

Nhà kinh tế trưởng phụ trách hàng hóa tại Capital Economics, Caroline Bain, cho rằng các nước phát triển có nhiều cách để đối phó với các biến động tỷ giá, nhưng các nước mới nổi sẽ gặp vấn đề về cán cân thanh toán khi giá dầu tăng cao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục