Đồng USD suy yếu, các thị trường hàng hóa và chứng khoán châu Á đồng loạt đi lên

17:12' - 09/01/2024
BNEWS Trong phiên chiều 9/1 tại châu Á, giá vàng tăng từ mức thấp nhất ba tuần qua, trong khi giá dầu đảo chiều đi lên, còn hầu hết các thị trường chứng tăng điểm.
*Giá vàng phục hồi từ mức thấp nhất ba tuần

Giá vàng tăng tại châu Á trong phiên chiều 9/1 từ mức thấp nhất ba tuần qua, nhờ đồng USD suy yếu trước những kỳ vọng về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.

Vào lúc 14 giờ 37 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.035,06 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/12 trong phiên trước đó. Giá vàng kỳ hạn tăng 0,4% lên 2.041,20 USD/ounce.

Một báo cáo được công bố ngày 8/1 của Fed chi nhánh New York cho biết người tiêu dùng dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống, thu nhập và hoạt động chi tiêu cũng yếu đi trong vài năm tới.

Kết quả khảo sát này có thể hỗ trợ cho giá vàng vì nó làm tăng khả năng Fed cân nhắc hạ lãi suất trong năm 2024, theo chiến lược gia thị trường Yeap Jun Rong của công ty IG.

Bên cạnh đó, chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt giảm 0,1%, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Giới đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo về lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ để tìm kiếm manh mối về triển vọng chính sách của Fed.

*Giá dầu đảo chiều đi lên

Giá dầu đảo chiều đi lên tại châu Á trong phiên giao dịch chiều 9/1 trước những lo ngại về tình hình căng thẳng tại Trung Đông.

Vào lúc 14 giờ 07 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 17 xu Mỹ, hay 0,2%, lên 76,29 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,1%, hay 5 xu Mỹ, lên 70,82 USD/thùng.

Tình hình ở Dải Gaza đã có thêm những diễn biến mới khiến thị trường lo ngại rằng xung đột hiện tại có thể leo thang thành một cuộc khủng hoảng khu vực, từ đó có thể gây gián đoạn các nguồn cung dầu ở Trung Đông.

Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ khi đồng USD suy yếu, trước những dự đoán về khả năng Fed hạ lãi suất nhiều lần trong năm nay. Đồng USD giảm giá sẽ khiến cho dầu trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Bà Michelle Bowman, một thành viên trong Hội đồng Thống đốc của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ngày 8/1 cho rằng chính sách tiền tệ của Mỹ đã đủ hiệu quả hạn chế đối với nền kinh tế, và bà ủng hộ hạ lãi suất khi lạm phát giảm xuống.

Tuy nhiên, hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên này là kết quả khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy sản lượng dầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng lên trong tháng 12/2023, vì sự gia tăng sản lượng tại Angola, Iraq và Nigeria đã lấn át các kế hoạch cắt giảm nguồn cung của Saudi Arabia và các thành viên khác thuộc nhóm OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

*Chứng khoán châu Á nối gót đà tăng trên Phố Wall

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên giao dịch chiều 9/1, sau một phiên khởi sắc do nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn dắt trên Phố Wall. Trong khi đó, giới đầu tư đang chờ đợi các số liệu lạm phát của Mỹ dự kiến được công bố trong tuần này, để tìm kiếm manh mối về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu hạ lãi suất.

Tại Tokyo, chỉ số Nikkei 225 đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ năm 1990 và khép phiên với mức tăng 1,2% lên 33.763,18 điểm. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 0,2% xuống 16.190,02 điểm, trong khi chỉ số  Shanghai Composite tăng 0,3% lên 2.897,34 điểm.

Thị trường nhận được lực đẩy từ nhận định nói trên của bà Michelle Bowman, một thành viên trong Hội đồng Thống đốc của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Theo quan chức này, nếu lạm phát tiếp tục tiến gần đến mức mục tiêu 2% của Fed, đó sẽ là lúc thích hợp để ngân hàng này bắt đầu hạ lãi suất để chính sách tiền tệ không mang tính hạn chế quá đà đối với nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - ngân hàng trung ương) cho biết đang cân nhắc thêm các biện pháp nới lỏng mới, trong đó có việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc để thúc đẩy hoạt động cho vay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục