Dòng vốn nước ngoài chảy khỏi thị trường chứng khoán châu Á tháng thứ tư liên tiếp

22:03' - 05/05/2022
BNEWS Thị trường chứng khoán châu Á đã chứng kiến dòng vốn lớn nước ngoài rút đi tháng thứ tư liên tiếp tính đến tháng 4/2022.

Thị trường chứng khoán châu Á đã chứng kiến dòng vốn lớn nước ngoài rút đi tháng thứ tư liên tiếp tính đến tháng 4/2022 do đồn đoán về chính sách lãi suất cao của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và lo ngại về tác động của các biện pháp phong tỏa tại Trung Quốc đối với tăng trưởng khu vực.

 

Công ty phân tích dữ liệu Refinitiv dẫn dữ liệu từ các sàn giao dịch chứng khoán ở Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan cho thấy khối ngoại đã bán ròng lượng cổ phiếu châu Á trị giá 14,22 tỷ USD trong tháng 4/2022 và là tháng bán ròng thứ tư liên tiếp,.

Tổng giá trị bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn từ tháng 1-4/2022 ở mức 45,76 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn bốn tháng đầu năm kể từ ít nhất là năm 2008.

Các nhà phân tích cho biết đồn đoán về việc thắt chặt chính sách tiền tệ ngày càng tăng tại Mỹ và việc phong tỏa tại Trung Quốc, đang tác động đến các doanh nghiệp trong khu vực, đã khiến các nhà đầu tư đứng ngoài cuộc trong tháng 4/2022.

Jun Rong Yeap, chiến lược gia thị trường tại IG, cho biết các cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất đang chịu áp lực lớn hơn từ việc thu nhập giảm trong tương lai, điều này có thể dẫn đến dòng tiền chảy ra lớn hơn ở Đài Loan và Hàn Quốc.

Các cổ phiếu của Đài Loan, Hàn Quốc và Ấn Độ chứng kiến dòng vốn chảy ra bên ngoài lần lượt là 8,86 tỷ USD, 4,97 tỷ USD và 2,24 tỷ USD.

Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết lạm phát gia tăng cũng vẫn là mối quan tâm của các nhà đầu tư quan trọng ở Hàn Quốc và Ấn Độ.

Lạm phát tiêu dùng của Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất trong hơn 13 năm trong tháng 4/2022.  Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã nâng lãi suất cho vay chủ chốt 40 điểm cơ bản trong tuần này, để kiềm chế giá bán lẻ đang tăng mạnh.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Indonesia, Thái Lan và Việt Nam đã chứng kiến dòng vốn nước ngoài đổ vào lần lượt là 1,57 tỷ USD, 289 triệu USD và 175 triệu USD trong tháng 4/2022.

Suresh Tantia, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại Credit Suisse, cho biết các thị trường Đông Nam Á đang đạt được sức hút khi khu vực này mang lại tiềm năng tăng trưởng tốt nhất.

Trên thực tế, khu vực này được kỳ vọng sẽ mang lại mức tăng trưởng thu nhập vượt trội so với các nước ở Bắc Á vì được hưởng lợi từ sự phục hồi sau đại dịch, giá hàng hóa cao hơn và các ngân hàng trung ương vẫn đủ dư địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục