Dòng vốn rút ngắn khoảng cách giàu nghèo

08:18' - 17/05/2019
BNEWS Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bình Định đang triển khai 19 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt 3.580 tỷ đồng, 92.249 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 38,81 triệu đồng/hộ.
Giao dịch tại Chi nhánh NHCSXH. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Chị Lê Thị Me là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hà Văn, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.

Chị một nách nuôi 2 con nhỏ do chồng mất sớm. Hai chữ "hộ nghèo" đã đeo bám mấy mẹ con suốt nhiều năm và gần đây chị đã thoát nghèo nhờ đồng vốn chính sách.

Chị Me kể, trước đây nhà có tới 3 ha đất đồi, nhưng do không có vốn nên chẳng thể làm gì để sinh lời và cái nghèo cứ đeo bám gia đình.

Qua các tổ chức, đoàn thể tại địa phương, chị được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Cùng với con bò giống được Nhà nước hỗ trợ, chị Me mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn tín dụng chính sách để trồng keo.

Thời gian rảnh, chị tranh thủ học nghề, đi làm công nhân kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học.

Nhờ sự cần cù, chịu thương chịu khó, bò giống của gia đình chị do Nhà nước cấp đã sinh sản, keo cũng bán được giá.

Cuối năm 2017, chị Me tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Không chỉ là điển hình trong sử dụng vốn vay ưu đãi để thoát nghèo, chị Lê Thị Me còn được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu ở địa phương.

Không dấu niềm vui, chị Me xúc động tâm sự: “Thời gian qua, gia đình tôi đã nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội rất nhiều. Bây giờ kinh tế gia đình khá hơn trước, mẹ con tôi đã có thể tự lực cánh sinh nên tôi tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo để những hộ nghèo hơn, khó khăn hơn được hỗ trợ”.

Câu chuyện của chị Me không phải là trường hợp duy nhất của xã Canh Thuận. Ở xã miền núi thuộc diện 30a này đã có nhiều hộ từng làm đơn như chị Me để cùng chia sẻ nguồn lợi mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ dành cho người nghèo.

Bởi họ hiểu, ở một xã miền núi như Canh Thuận với 4 dân tộc Kinh, Bana, Chăm và Thái cùng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 59,1%, hộ cận nghèo chiếm 38,5% thì vốn tín dụng chính sách là cần thiết và quan trọng ngoài sự cần cù, chịu thương chịu khó để người dân thay đổi cuộc đời mình.

Cũng từ những tấm gương như chị Me, trong những năm gần đây nhiều người dân đã tìm đến học hỏi, vay vốn tín dụng phát triển kinh tế.

Lãnh đạo xã Canh Thuận cho biết, cùng với chủ trương của Ngân hàng Chính sách Xã hội dồn vốn cho những địa bàn khó khăn, dòng chảy tín dụng về xã ngày càng mạnh và phủ rộng, hòa quyện cùng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của xã.

Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng dư nợ toàn xã lên tới gần 29 tỷ đồng với 808 hộ còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã “bao phủ” 8/8 thôn, làng trong toàn xã.

Đặc biệt với một xã còn khó khăn như Canh Thuận, sự vào cuộc đầy nhiệt huyết của chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể góp phần tạo ý thức tiết kiệm cho người dân, gia tăng nguồn vốn huy động cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Tính đến cuối tháng 4/2019, tổng số nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt hơn 1,2 tỷ đồng, tăng 318 triệu đồng so với đầu năm, đạt 110% kế hoạch.

Tiền tiết kiệm của dân cư và tiền gửi của các tổ chức, cá nhân là 782 triệu đồng, tăng 292 triệu đồng so với đầu năm, đạt 120% kế hoạch.

Nhờ các chương trình tín dụng ưu đãi đã rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, tạo điều kiện để người dân từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chỉ tính riêng năm 2018, nguồn vốn chính sách đã góp phần phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Canh Thuận trong năm 2018 từ 65% xuống còn 59% vào năm 2019.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh Bình Định, nguồn vốn tín dụng được đánh giá là một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm.

Tín dụng chính sách đặc biệt có ý nghĩa ở 3 huyện nghèo miền núi thuộc Chương trình 30a, 26 xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn III, 47 thôn đặc biệt khó khăn ở 14 xã khu vực II, 18 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và 59 xã thuộc địa bàn vùng khó khăn.

Hiện nay, Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bình Định đang triển khai 19 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đến nay đạt 3.580 tỷ đồng, 92.249 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân 38,81 triệu đồng/hộ.

Hơn 16 năm qua, tỉnh Bình Định có hơn 594 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất kinh doanh; trong đó, đã cho vay được 215.941 lượt hộ nghèo, 33.891 lượt hộ cận nghèo, 8.841 lượt hộ mới thoát nghèo để đầu tư sản xuất kinh doanh với mục đích không chỉ thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.

Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 56.258 hộ, chiếm tỷ lệ 8,82% trên tổng số hộ dân.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng nhận định, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực, cải thiện điều kiện sống, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn trong thời gian tới.

Chứng kiến dòng vốn tín dụng chính sách đang chuyển dịch làm thay đổi đời sống người dân vùng khó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Dương Quyết Thắng đề cao vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể cũng như Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trong phối hợp nhịp nhàng cùng ngân hàng triển khai có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ của Đảng và Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.

Theo đó, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh tỉnh Bình Định thường xuyên rà soát, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, sai sót để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Cùng với đó, thực hiện quyết liệt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng; chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, đặc biệt là chất lượng hoạt động của hội, đoàn thể nhận ủy thác cấp xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục