Đợt dịch lần thứ 4 tại Hà Nội * Bài 4: Vững niềm tin chiến thắng

13:21' - 16/09/2021
BNEWS Từ ngày 24/7 đến nay, Hà Nội đã trải qua 4 đợt giãn cách xã hội “ai ở đâu, ở yên đó” cho thấy đây là thời điểm cam go nhất của cuộc chiến chống COVID-19 lần thứ 4 tại Thủ đô.

Nhằm tăng cường kiểm soát, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, có những thời điểm, chính quyền thành phố đưa ra những quyết định còn “vênh” với thực tiễn đời sống. Song trên tất cả, những gì Hà Nội đang làm đều trên tinh thần nhất quán “vì tính mạng của người dân là trên hết, trước hết”. Với sự vững tin, đoàn kết một lòng, mục tiêu đó sẽ đưa Thủ đô đến chiến thắng trong đại dịch.

* Còn hiện tượng "chặt ngoài, lỏng trong"

Trong những ngày giãn cách để siết chặt cũng như tận dụng "thời gian vàng" để phòng, chống dịch, Hà Nội đã ban hành quy định giấy đi đường nhằm kiểm soát việc lưu thông của người dân. Tuy nhiên, mẫu giấy đi đường đã vài lần thay đổi khiến nhiều người dân và doanh nghiệp loay hoay, lúng túng khi thực hiện. Trong khi đó, việc kiểm soát giấy đi đường gây ùn ứ, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu chính quyền Hà Nội chấn chỉnh ngay những bất cập trong thực hiện quy định về giấy đi đường. Ngoài vấn đề trên, công tác phòng, chống dịch ở Hà Nội còn bộc lộ một số hạn chế như: không đảm bảo khoảng cách tại điểm tiêm vaccine phường Trung Văn (Nam Từ Liêm); tình trạng chặt ngoài lỏng trong tại các khu cách ly.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phải sốt ruột về hiện tượng “chặt ngoài lỏng trong” và cho biết, đây không phải câu chuyện chỉ riêng ở Thanh Xuân Trung và đã được thành phố chấn chỉnh.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch, chiều 31/8, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra tại ổ dịch Thanh Xuân Trung và đã chỉ ra hạn chế của Hà Nội vẫn để lượng người dân ra đường vẫn rất lớn, chưa đạt yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thành phố cần chấn chỉnh, khắc phục ngay các thiếu sót, hạn chế trong việc tổ chức phòng chống dịch; kiện toàn, nhân sự Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung.

Ngay sau đó, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải làm ngay việc: Di dời bớt người dân ra khỏi khu vực hiện có mật độ dân số quá đông để tránh lây nhiễm, bảo vệ các “vùng xanh” xung quanh; thiết lập ngay Trạm Y tế lưu động tại phường, điều trị phân loại ngay các ca F0 theo tinh thần mỗi xã phường là một “pháo đài”.

Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng, từ 1-3/9, quận Thanh Xuân đã di dời hơn 1.000 người dân (không phải F1) ra khỏi ổ dịch Thanh Xuân Trung đến khu Ký túc xá Đại học FPT để giảm bớt sự lây nhiễm.

Đồng thời, Hà Nội thực hiện nhanh tiêm vaccine cho toàn bộ công dân từ 18 tuổi trở lên và xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, khóa chặt “vùng đỏ”, không còn hiện tượng lây chéo tại khu cách ly là bước đi hợp lý của Hà Nội kéo giảm số ca mắc mới trong ngày. Nếu như cao điểm ngày 29/8, Hà Nội ghi nhận 133 ca mắc thì ngày 15/9, thành phố ghi nhận 14 ca, trong đó có 7 ca tại khu cách ly và 7 ca tại khu phong tỏa.

* Hà Nội đang đi đúng hướng

Phân tích sâu hơn về những bài học kinh nghiệm đưa Hà Nội tiến gần hơn trạng thái "bình thường mới", thực hiện "mục tiêu kép", ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết có 5 kết quả nổi bật, cho thấy Hà Nội đang đi đúng hướng trong, phòng chống dịch. Nếu như trong giãn cách đợt 1 (từ ngày 24/7 đến 7/8), thành phố ghi nhận trung bình 71,2 ca/ngày. Giai đoạn giãn cách lần 2 (từ ngày 8 đến 22/8), trung bình thành phố ghi nhận 56,8 ca/ngày.

Giai đoạn giãn cách lần 3 (từ ngày 23/8 đến 6/9), trung bình 71 ca/ngày. Đến giai đoạn giãn cách lần 4 (từ 7/9 đến 18 giờ ngày 15/9), số ca mắc trung bình được ghi nhận trong ngày đã giảm mạnh còn 30 ca/ngày (chủ yếu trong khu cách ly). Tính đến ngày 15/9, Hà Nội chỉ còn hơn 60 điểm cách ly y tế, thành phố đang tiến tới trạng thái "bình thường mới".

Trong giãn cách nhưng hàng hóa, thực phẩm vẫn đủ cung cấp cho mọi người dân, không có hiện tượng tăng giá, sản xuất không bị đứt gãy, nhiều nhà máy, xí nghiệp vẫn hoạt động. Người dân tin tưởng vào sự chỉ đạo chống dịch của chính quyền Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, thành phố xác định không thể giãn cách xã hội mãi nên ngày 15/9, UBND thành phố ban hành Văn bản 3084 thể hiện "sách lược" mới trong phòng, chống dịch. Mục tiêu bảo vệ vững chắc vùng xanh, xanh hóa vùng vàng, thu hẹp vùng đỏ.

Cho phép từ 12 giờ ngày 16/9, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh tại 19 quận, huyện của thành phố, với các mặt hàng, cửa hàng vật liệu xây dựng, kim khí, đồ gia dụng, sản xuất mùa vụ của người dân vẫn được diễn ra.

Nhiều địa phương cũng đã cho phép các công trình xây dựng hoạt động trở lại, bán hàng ăn mang về, sản xuất kinh doanh an toàn theo tinh thần chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

* Xây dựng kịch bản để đón “đại bàng" đến làm "tổ"

Dư luận thế giới cho rằng, trên bản đồ dịch, Việt Nam vẫn là "vùng xanh" đáng tin cậy trong phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới đã ngỏ ý chọn Hà Nội là điểm đóng chân.

Nhận thức rõ thời cơ đang đến, thành phố chỉ đạo ngành liên quan, quận, huyện thị xã nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của doanh nghiệp quốc tế ở các quốc gia khác chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 để thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Theo ông Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội, ngay thời điểm thực hiện giãn cách xã hội ngày 10/8, Chủ tịch UBND thành phố có Kế hoạch số 183/KH-UBND về việc đặt mục tiêu xây dựng 46/159 cụm công nghiệp còn lại theo quy hoạch đến năm 2025 cho thấy có sự chuẩn bị chu đáo khi Thủ đô ở trạng thái "bình thường mới".

Trong đó, Hà Nội tập trung đầu tư xây dựng Khu Công nghiệp Quang Minh II (huyện Mê Linh), Khu cưCông nghệ cao sinh học (quận Bắc Từ Liêm), Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn. Thành phố hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư Khu công viên công nghệ phần mềm tại quận Long Biên và huyện Đông Anh.

“Những khu, cụm công nghiệp trên được hình thành không chỉ là chỗ cho “đại bàng” làm tổ, góp phần cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà còn bảo đảm mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững”, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội nhìn nhận.

Ông Đỗ Anh Tuấn cho biết thêm, song song với nhiệm vụ lâu dài, ngay lúc này, thành phố quan tâm tháo gỡ khó khăn, huy động bộ máy tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Bởi thành phố xác định, thúc đẩy giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác như: sản xuất vật liệu, lương thực, xăng dầu, đặc biệt là tạo ra nhiều việc làm, giúp xã hội phát triển, vận hành theo đúng đường băng, kịch bản mà thành phố đã vạch ra từ trước đó.

Về những vấn đề cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp ổn định, phát triển sau dịch bệnh, ông Mai Sơn - Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội nhấn mạnh, cơ quan thuế đang kích hoạt hàng loạt các chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính giúp người dân, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi về thuế, từ đó có thêm nguồn lực vượt qua dịch bệnh.

Qua rà soát, bước đầu, Cục Thuế thành phố đã tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của gần 27.000 doanh nghiệp, tổ chức với số thuế đề nghị gia hạn khoảng 7.000 tỷ đồng; số tiền thuế đất đề nghị gia hạn khoảng 1.000 tỷ đồng; tiếp nhận giấy đề nghị gia hạn của gần 600 hộ kinh doanh với số thuế đề nghị gia hạn hơn 12 tỷ đồng...

Đánh giá về vấn đề trên, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiểm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố cho rằng, đây là một ví dụ điển hình cho sự sáng tạo đối với công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế trong bối cảnh dịch bệnh.

Cả thành phố như một cơ thể sống, có quan hệ tuần hoàn, chặt chẽ nên không thể chỉ quan tâm phát triển kinh tế mà sao nhãng vấn đề phát triển giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội. Vậy nên sau khi dỡ bỏ giãn cách, thành phố quan tâm đến vấn đề tạo nền tảng cho tăng trưởng.

Về nội dung trên, theo ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, thành phố sẽ tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh triển khai tinh thần "5K + vaccine", coi đây là giải pháp căn cơ khống chế dịch bệnh.

Một giải pháp nữa thành phố đang thực hiện đó là mạnh tay cắt giảm thủ tục rườm rà, theo hướng “Hà Nội không vội không xong”. Theo đó, Hà Nội đơn giản hóa, bãi bỏ thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, người dân, nhất là thủ tục hành chính có liên quan đến các chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Trong 8 tháng qua, thành phố còn nhiều khó khăn do đại dịch song trên địa bàn vẫn có 13.125 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 165.730 tỷ đồng. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại là 5.687, tăng 74% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, về thành quả bước đầu để kiểm soát tốt dịch bệnh là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương, là biểu hiện của sức mạnh đoàn kết và ý chí quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền Hà Nội cùng sự giúp đỡ của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đối với Thủ đô.

Trong lần đến kiểm tra, động viên công tác phòng, chống dịch ở Thủ đô, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nhận thấy, người dân Hà Nội đã ủng hộ, gương mẫu trong thực hiện Chỉ thị 16; mở rộng "vùng xanh", giảm "vùng đỏ" với nhiều cách làm sáng tạo như "4 tại chỗ", "5 tại chỗ", tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, từ đó giảm tử vong do dịch bệnh.

Chủ tịch nước cho rằng, Hà Nội đã có quyết định kịp thời giãn cách xã hội, tạo nên “một bức tường thành” ngăn chặn đại dịch lây lan; tránh nguy cơ khủng hoảng y tế và các vấn đề xã hội, giữ an toàn “trái tim của cả nước"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục