DQS dự kiến đạt doanh thu gần 98 tỷ đồng trong quý IV/2022

19:56' - 22/10/2022
BNEWS Với lượng công việc này, DQS đang nỗ lực đưa mức tiền lương bình quân 3 tháng cuối năm của người lao động đạt 11,72 triệu đồng/người/tháng.

Trong quý IV này, với việc đẩy nhanh tiến độ thi công một loạt dự án, Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) dự kiến đạt doanh thu 97,94 tỷ đồng.

Theo đó, trong 3 tháng cuối năm, DQS tiếp tục thi công các dự án: Nhiệt điện Thái Bình 2 cho PetroCons; tàu Galilean7 cho chủ tàu Nigeria; Imperia cho chủ tàu Fgas; tàu Ausgburg chủ tàu Đức; tàu Longa chủ tàu Nga…

Với lượng công việc này, DQS đang nỗ lực đưa mức tiền lương bình quân 3 tháng cuối năm của người lao động đạt 11,72 triệu đồng/người/tháng.

Theo DQS, trong 9 tháng của năm 2022, công ty đã thực hiện 37 đơn hàng, trong đó có 33 đơn hàng ngoài ngành, chiếm 92% tổng số đơn hàng. Tổng giá trị của 37 đơn hàng này là 471,26 tỷ đồng.

Nhờ vậy, doanh thu hợp nhất 9 tháng qua của DQS đạt 522,43 tỷ đồng, tăng 44% so với kế hoạch được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phê duyệt. Trong trường hợp không tính lãi phạt đối với các khoản nợ cũ từ thời Vinashin và không hạch toán khấu hao, lãi vay đối với Nhơn Trạch Shipyard thì DQS có lợi nhuận gần 15 tỷ đồng.

 

DQS cũng cho biết, việc phát triển thị trường nước ngoài của DQS đã có nhiều cải thiện khi DQS đã ký hợp đồng sửa chữa với nhiều tàu đến từ Hy Lạp, Anh, Đức, Brazil, Nga… DQS cũng không ngừng tăng cường đẩy mạnh công tác marketing đến các chủ tàu trong và ngoài nước. Trong 9 tháng qua, DQS đã bố trí đủ việc làm cho 700 lao động. Tiền lương bình quân trong 9 tháng đầu năm 2022 của DQS ước đạt 10,73 triệu đồng/người/tháng.

Nhà máy Đóng tàu Dung Quất (tại Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi) thuộc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) từng là 1 trong 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành công thương. Tháng 7/2010, DQS được chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang PVN.

Tại thời điểm bàn giao, DQS đã mất khả năng thanh toán, lâm vào tình trạng phá sản… Sau khi được chuyển giao, PVN đã đầu tư hơn 5.300 tỷ đồng vào DQS để hỗ trợ thanh toán các khoản nợ vay, tái cấu trúc cơ cấu tổ chức, tài chính, sản xuất… duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh thu của DQS đã tăng lên từng năm. Năm 2021, doanh nghiệp đã có lãi và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động.

Tuy nhiên, DQS vẫn đối mặt với nhiều khó khăn khi số nợ phải trả lớn, vốn chủ sở hữu âm do những tồn tại trong đầu tư các dự án cẩu trục từ thời Vinashin chuyển sang. Đặc biệt, DQS chưa quyết toán hợp đồng EPC trước đây giữa Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam và liên danh nhà thầu YMC - Transtech với số tiền khoảng 16 triệu USD, dẫn đến những khoản nợ của công ty đối với các ngân hàng cũng chưa được xử lý...

Theo Chủ tịch PVN Hoàng Quốc Vượng, những khó khăn DQS đang gặp phải là hệ quả từ lịch sử. Vì vậy, phương án tốt nhất là tái cơ cấu lại DQS, xử lý các vấn đề tài chính, tài sản; khoanh nợ, giãn nợ để duy trì hoạt động nhà máy./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục