Dự án BOT giao thông tại Tp. Hồ Chí Minh - Bài 1: Còn nhiều vấn đề ở quản lý và khai thác

11:28' - 09/07/2016
BNEWS Từ năm 2010 đến nay, thành phố có 5 dự án thực hiện theo hình thức BOT và BT thuộc lĩnh vực giao thông đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng với tổng mức đầu tư là 7.008 tỷ đồng
Nhiều vấn đề trong quản lý và khai thác dự án BOT ở Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Trong điều kiện ngân sách khó khăn, vốn ODA ngày càng hạn hep, việc huy động nguồn lực để thực hiện các dự án hạ tầng giao thông, đáp ứng tốc độ phát triển nhanh tại các đô thị lớn của Việt Nam; trong đó có Tp. Hồ Chí Minh đang là nhu cầu bức thiết.

Thời gian qua, việc thực hiện một số dự án giao thông theo hình thức BOT (đầu tư – khai thác – chuyển giao) trên địa bàn thành phố đã phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội nhưng cũng đang đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý và khai thác dự án.

*Hoàn thiện hạ tầng đô thị

UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tính từ năm 2010 đến nay, thành phố có 5 dự án thực hiện theo hình thức BOT và BT thuộc lĩnh vực giao thông đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng với tổng mức đầu tư là 7.008 tỷ đồng; trong đó 3 dự án BOT gồm xây dựng cầu Phú Mỹ, cầu đường Bình Triệu 2 - phần 1 giai đoạn 2 và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc.
Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, các dự án BOT, BT thuộc lĩnh vực giao thông đã góp phần nâng cao năng lực giao thông tại các cửa ngõ phía Đông, phía Đông Bắc, phía Bắc và phía Tây thành phố, tạo nên trục giao thông đô thị hoàn chỉnh, khắc phục tình trạng ùn tắt giao thông, giải quyết lưu thông hàng hóa ra vào các cảng và khu công nghiệp; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và đô thị hóa cũng như huy động được các nguồn vốn ngoài ngân sách trong điều kiện ngân sách thành phố còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA ngày càng hạn hẹp.

Đơn cử, dự án xây cầu dây văng Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn kết nối quận 2 với quận 7, giải quyết lưu thông cho lượng xe contatner, xe tải từ cảng Cát Lái về Khu chế xuất Tân Thuận (và ngược lại), hoàn thiện tuyến Vành đai 2, gắn kết tuyến đường vành đai phía Tây và phía Đông, kết nối nhiều tuyến đường quan trọng như cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Tp. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dâu Giây.

Nhiều dự án BOT đã khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A. Ảnh minh họa:TTXVN

Đồng thời thúc phát triển kinh tế - xã hội khu vực quận 2, quận 9 cũng như xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp dọc tuyến, giảm thiểu ùn tắc giao thông ở nội thị thành phố.
Theo ông Lê Quốc Đạt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (IDICO-IDI), dự án BOT cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc (mở rộng vỉa hè, xây cầu, hoàn chỉnh các nút giao, hệ thống thoát nước, chiếu sáng…) trải qua 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư 1.944 tỷ đồng.

Sau khi dự án hoàn thành vượt tiến độ đã tạo trục giao thông đô thị hoàn chỉnh, đảm bảo việc lưu thông từ Tp. Hồ Chí Minh về các tỉnh Miền Tây và ngược lại được liên tục, nhanh chóng, an toàn, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1A, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa.
Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ, chuyên gia giao thông Phạm Sanh phân tích: Huy động nguồn vốn xã hội hóa, đầu tư các dự án giao thông theo hình thức hợp đồng BOT là một chủ trương lớn và đúng đắn của Nhà nước, dựa theo kinh nghiệm thành công một số nước trên thế giới và phù hợp thực trạng quản lý cũng như nhu cầu đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, Tp. Hồ Chí Minh đã đầu tư một số dự án giao thông theo hình thức BOT, nổi bật là dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc, làm cầu dây văng Phú Mỹ, mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Bình Triệu 2… Các dự án BOT này đã tạo điều kiện cho người dân đi lại thông thoáng, phần nào giải quyết vấn nạn kẹt xe, đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa của thành phố.

*Khát” vốn

Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng là vậy nhưng nhu cầu vốn cho hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh bậc nhất của cả nước như Tp. Hồ Chí Minh là chưa đủ.

Theo ước tính của nhiều chuyên gia, đến năm 2030, thành phố sẽ phải cần khoảng 1 triệu tỷ đồng (tương đương 44 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng. Vì thế, kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT là một trong những giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, giảm áp lực đầu tư cho ngân sách thành phố.

Đa dạng hóa nguồn vốn, giảm áp lực đầu tư cho ngân sách thành phố. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Phạm Quốc Chương, Phó trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, hàng năm nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn được sử dụng chủ yếu từ vốn ngân sách thành phố, vốn ODA và kêu gọi đầu tư.

Giai đoạn 2005 – 2010, thành phố sử dụng 30.850 tỷ đồng để đầu tư (chiếm 71,4% ngân sách thành phố và ODA), giai đoạn 2011 – 2015 sử dụng 38.608 tỷ đồng (ngân sách thành phố và ODA chiếm 69%).

Xét riêng về dự án BOT giao thông, giai đoạn 2016 – 2020, một số dự án đang và sẽ được triển khai như xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, xây dựng đường nối từ cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương đến Đại lộ Võ Văn Kiệt, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 22 (đường Xuyên Á, nối Tp. Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh) và dự án bãi đậu xe ngầm Công viên Lê Văn Tám với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, thành phố cũng đang kêu gọi vốn cho nhiều dự án giao thông trọng điểm theo hình thức BOT hoặc PPP như tuyến đường sắt nhẹ số 2 (dự kiến vốn đầu tư 127 triệu USD), số 3 (329 triệu USD), đường Vành đai 2 (khép kín, 85 triệu USD), đường Vành đai 3 – giai đoạn 1 (185 triệu USD), giai đoạn 2 (987 triệu USD), đường Vành đai 4 – giai đoạn 1 (311 triệu USD), giai đoạn 2 (129 triệu USD), các tuyến đường sắt trên cao số 1 (720 triệu USD), số 3 (500 triệu USD), đường An Dương Vương – Phan Anh (211 triệu USD), nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 15 (269 triệu USD), đường hướng tâm phía Tây Bắc (264 triệu USD)./.

Bài 2: “Bịt vá” lỗ hổng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục