Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng qua Cần Thơ thiếu hơn 1,92 triệu m3 cát

15:38' - 25/10/2024
BNEWS Ngày 25/10, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đã đi kiểm tra tiến độ thi công Dự án thành phần 2 cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, khởi công ngày 17/6/2023. Dự án đi qua 4 tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long, tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2027.

 

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn thành phố Cần Thơ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng mức đầu tư 9.725 tỷ đồng, bao gồm 4 gói thầu xây lắp và 1 gói thầu thi công hệ thống an toàn giao thông. Điểm đầu của tuyến tại  Km57+200 thuộc địa phận xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh (nối với Dự án thành phần 1 thuộc tỉnh An Giang), điểm cuối tại xã Trường Xuân B, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ (nối Dự án thành phần 3 thuộc tỉnh Hậu Giang). Tổng chiều dài tuyến cao tốc đi qua địa bàn Cần Thơ là 37,42km.

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng có thiết kế 100km/giờ, tốc độ khai thác 80km/giờ. Giai đoạn 1 đầu tư 4 làn xe với bề rộng mặt đường 17m, trong đó phần đường xe chạy rộng 14m. Toàn tuyến có 30 cầu; trong đó, có 25 cầu trên đường cao tốc, 1 cầu tại nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vượt cao tốc và 4 cầu dẫn trên nút giao Lộ Tẻ - Rạch Sỏi cùng với 49 cống.

Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng toàn tuyến gần 258,5 ha với 1.055 hộ. Đến nay đã có 1.015 hộ bàn giao mặt bằng với diện tích khoảng 240 ha, đạt gần 93% tương đương hơn 36,5km; trong đó, các trường hợp nằm trong tuyến chính cao tốc đã bàn giao đạt 100%.

Trên tuyến có 1 trạm dừng nghỉ thuộc địa bàn huyện Cờ Đỏ với diện tích gần 17,9 ha. Trong phần xây dựng trạm dừng nghỉ có 40 hộ bị ảnh hưởng, dự kiến hoàn thành thu hồi đất trong tháng 11/2024.

Theo ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ, 4 gói thầu xây lắp chính của dự án có giá trị hơn 5.985 tỷ đồng. Giá trị thực hiện đến nay đạt hơn 13%, tương đương gần 779 tỷ đồng.

Nếu tính chung toàn bộ dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng,  dự án thành phần 2 đoạn qua Cần Thơ đang có giá trị thực hiện đứng thứ ba trong số bốn địa phương cao tốc đi qua. Trong đó, dự án thành phần 1, đoạn qua tỉnh An Giang đang có khối lượng thi công lớn nhất với hơn 31%, kế đó là dự án thành phần 3 qua Hậu Giang đạt 23,9%. Xếp cuối là dự án thành phần 4 qua tỉnh Sóc Trăng với 11,2%.

Kế hoạch vốn năm 2024 bố trí cho dự án thành phần 2 là 2.000 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến nay đạt gần 1.540 tỷ đồng, đạt 77%. Chủ đầu tư dự kiến sẽ giải ngân 460 tỷ còn lại trong năm nay để đạt tỷ lệ giải ngân 100% kế hoạch vốn.

Báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết, tổng nhu cầu cát san lấp của dự án thành phần 2 khoảng 7 triệu m3. Nguồn cát được cung cấp từ các mỏ của tỉnh An Giang và Tiền Giang; trong đó, khối lượng cát đủ điều kiện sử dụng cho cao tốc mà An Giang có thể cung ứng khoảng 2,3 – 2,4 triệu m3 còn Tiền Giang khoảng 2,62 triệu m3. Tuy nhiên, một phần cát ở An Giang đã được điều chuyển khoảng 700.000 m3 sang cho cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Tổng nguồn cát mà hai tỉnh An Giang và Tiền Giang dự kiến cung cấp cho dự án thành phần 2 còn khoảng hơn 4,3 triệu m3.

Như vậy, đến thời điểm hiện tại dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng qua địa bàn Cần Thơ vẫn còn thiếu hơn 1,92 triệu m3 cát.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Cần Thơ kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục hỗ trợ trong quá trình thực hiện các thủ tục tiếp theo để sớm khai thác vật liệu cát tại các mỏ An Nhơn, huyện Cái Bè; các mỏ Ngũ Hiệp 1 và Ngũ Hiệp 2, huyện Cai Lậy theo nội dung buổi họp ngày 8/7/2024 để phục vụ thi công, đáp ứng tiến độ thực hiện dự án theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ. Chủ đầu tư cũng kiến nghị UBND tỉnh An Giang xem xét, hỗ trợ hoàn trả phần khối lượng 700.000m3 cát điều chuyển từ mỏ Bình Phước Xuân cho thành phố Cần Thơ để đảm bảo nguồn vật liệu cho dự án đoạn qua thành phố Cần Thơ.

Kiểm tra thực tế tiến độ thi công dự án, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu đề nghị UBND thành phố chỉ đạo chủ đầu tư, các sở, ngành, Trung tâm Phát triển quỹ đất và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để đẩy nhanh tiến độ dự án. Quá trình thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cần có sự đồng thuận và ủng hộ của người dân địa phương, đảm bảo minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật trong các quyết định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường và tái định cư.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng yêu cầu huyện Cờ Đỏ hoàn thành sớm việc thu hồi phần diện tích 17,9 ha để xây trạm dừng nghỉ, đảm bảo tiến độ chung của toàn dự án; Sở Xây dựng nghiên cứu quy hoạch sử dụng đất để phát triển đô thị dọc theo trạm dừng nghỉ và các nút giao trên tuyến cao tốc.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc quy hoạch và sử dụng đất dọc tuyến cao tốc cần được thực hiện một cách hiệu quả, gắn kết với phát triển hạ tầng giao thông và các hoạt động kinh tế. Việc phát triển giao thông là then chốt nhưng phải gắn liền với phát triển kinh tế. Xung quanh các nút giao thông quan trọng cần được quy hoạch đô thị và lập kế hoạch sử dụng đất, tận dụng tối qua quỹ đất hiện có để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tránh lãng phí.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục