Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận khát vốn

17:12' - 25/06/2019
BNEWS Tái khởi động từ tháng 4/2019, đến nay, Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (trên địa bàn tỉnh Tiền Giang) đã thi công trên toàn tuyến ở 21 gói thầu và đạt tổng khối lượng khoảng 25%.

Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn do vốn của Nhà nước ghi hỗ trợ dự án (2.186 tỷ đồng) vẫn chưa được giải ngân; trong khi vốn tín dụng cho dự án (khoảng 9.000 tỷ đồng) vẫn chưa được thu xếp.

Công trường Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại gói thầu XL-06 (đoạn cầu Kênh Năng). Ảnh: TTXVN phát

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, hiện liên danh các nhà thầu đã giải ngân gần 2.500 tỷ đồng và UBND tỉnh Tiền Giang bỏ ra 173 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, giúp tiến độ thi công được cải thiện.

Các nhà thầu đã huy động các thiết bị, máy móc và nhân lực đẩy nhanh tiến độ, nên từ khi tái khởi động, tổng khối lượng thi công đã tăng từ 15% lên 25%.

Tuy nhiên, do tiến độ giải ngân vốn từ ngân sách hỗ trợ và vốn tín dụng chưa được thực hiện nên Dự án có nguy cơ bị đình trệ.

Theo ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, Nhà đầu tư đã làm việc với ngân hàng tài trợ vốn để thẩm định phương án tài chính và tháo gỡ các điều kiện tín dụng khó khăn.

Để đảm bảo nguồn vốn cho dự án, liên danh nhà đầu tư đã đề nghị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Vietinbank (Ngân hàng đầu mối) thẩm định và tháo gỡ các vướng mắc của Hợp đồng tín dụng, sớm hoàn tất thủ tục về cung cấp tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trên công trường thi công gói thầu XL-06 Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, ngày 31/5, Vietinbank đã có văn bản về việc xem xét chủ trương cấp tín dụng đối với Dự án đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; trong đó có một số yêu cầu rất khó khăn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là cơ cấu nguồn vốn: phần vốn ngân sách Nhà nước tham gia tương ứng mức 20,5% tổng mức đầu tư (khoảng 2.575 tỷ đồng, trong khi Chính phủ ghi hỗ trợ 2.186 tỷ đồng); phần vốn chủ sở hữu là 30% tổng vốn đầu tư (khoảng 3.765 tỷ đồng).

Với cơ cấu như trên, thì ngân hàng chỉ cho vay vốn tín dụng tối đa 49,5% tổng vốn đầu tư (tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 12.550 tỷ đồng).

Theo ông Mai Mạnh Hồng, những yêu cầu này sẽ rất khó khăn để nhà đầu tư tiếp cận được vốn tín dụng.

Nhà đầu tư đã ký văn bản kiến nghị ngân hàng đầu mối xác định khả năng tài trợ vốn để hoàn thành việc thẩm định và điều chỉnh Hợp đồng tín dụng trước ngày 30/7; xác định tỷ lệ cho vay phù hợp với Nghị định 63/2018/NĐ-CP ngày 04/05/2018.

Đồng thời, xem xét cơ cấu lại các Ngân hàng đồng tài trợ theo hướng giảm số lượng, tránh đưa nhiều điều kiện cho vay chưa phù hợp, khó khăn cho nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Trên công trường thi công gói thầu XL-06 Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: Tiến Lực - TTXVN

Về thúc đẩy tiến độ dự án, ông Hoàng Văn Lâm, Giám đốc Văn phòng điều phối Tư vấn giám sát Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết, hầu hết các gói thầu đều thi công đạt tiến độ nhưng vẫn có một vài gói thầu thi công chậm, ì ạch.

Tại gói thầu số 6 (XL-06), hạng mục đóng cọc của trụ T1 đang dừng, nếu không có tiến triển, nhà đầu tư sẽ cho dừng gói thầu này, giao cho nhà thầu khác.

Trước đó, tại Đại hội cổ đông Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận ngày 12/6, các cổ đông đã loại bỏ các nhà đầu tư thiếu năng lực góp vốn là Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Công ty cổ phần Tập đoàn Thắng Lợi và Công ty cổ phần Hoàng An.

Hiện Liên danh Nhà đầu tư còn 3 cổ đông góp vốn là Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Tuấn Lộc, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng B.M.T.

Phần góp vốn trước đây của các cổ đông Yên Khánh, Thắng Lợi, Hoàng An cũng đã được Công ty CII mua lại theo quy định trong Hợp đồng Dự án.

Dự án xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có chiều dài hơn 51 km, được khởi công lần đầu năm 2009, với tổng vốn đầu tư được điều chỉnh năm 2017 là 9.668 tỷ đồng (hiện đang được cập nhật lại).

Sau lần tái khởi động tháng 4/2019, Dự án đặt mục tiêu thông tuyến cuối năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục