Dự án điện khí LNG Quảng Ninh vẫn chưa khởi công sau 1 năm khởi động

09:15' - 30/11/2022
BNEWS Nguyên nhân chậm triển khai Dự án điện khí LNG Quảng Ninh được cho là do nhà đầu tư thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý quan trọng để dự án được khởi công xây dựng.

Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng, sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng được trao giấy chấp thuận đầu tư vào tháng 10/2021 cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, dự án vẫn chưa tiến hành khởi công để thực hiện triển khai xây dựng nhà máy theo tiến độ đặt ra mặc dù nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ chính quyền địa phương.

 

Nguyên nhân chậm triển khai Dự án điện khí LNG Quảng Ninh được cho là do nhà đầu tư thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý quan trọng để dự án được khởi công xây dựng.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030. Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc.
Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có quy mô công suất 1.500MW, tổng mức đầu tư trên 47.000 tỷ đồng, sử dụng nhiên liệu là khí thiên nhiên hóa lỏng được trao giấy chấp thuận đầu tư vào tháng 10/2021 cho tổ hợp nhà đầu tư PV Power - Colavi - Tokyo Gas - Marubeni. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 60ha tại phường Cẩm Thịnh (thành phố Cẩm Phả).
Dự kiến, dự án đi vào hoạt động thương mại trong quý III/2027, Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia khoảng 9 tỷ kWh/năm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng 57.700 tỷ đồng trong vòng 25 năm.
Với kỳ vọng dự án sẽ tập trung phát triển mạnh các nguồn điện thân thiện với môi trường nên tỉnh Quảng Ninh cam kết hỗ trợ tốt nhất đối với dự án Nhà máy điện khí LNG.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đã giao Sở Công Thương hỗ trợ nhà đầu tư trong việc báo cáo Bộ Công Thương, các cơ quan Trung ương thẩm định dự án; UBND thành phố Cẩm Phả có trách nhiệm làm đầu mối cùng với nhà đầu tư làm việc với các đơn vị ngành than để có phương án cung cấp vật liệu san nền là đất đá thải mỏ cho dự án và đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ nhà đầu tư tính toán phương án nạo vét, đổ thải với khối lượng khoảng 4 triệu m3 và làm việc với các đơn vị liên quan về vị trí đổ thải đảm bảo tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính hỗ trợ nghiên cứu, xác định sơ bộ giá thuê đất, thuê mặt nước của dự án, làm cơ sở tính toán chi phí và xác định hiệu quả đầu tư trong báo cáo nghiên cứu khả thi...
Nhưng cho đến cuối tháng 11/2022, dự án vẫn chưa hoàn thành các phần việc theo tiến độ tổng thể đặt ra. Ngoài nguyên nhân khách quan là do Bộ Giao thông Vận tải đang làm quy hoạch chi tiết đối với tất cả các nhóm cảng biển trên phạm vi toàn quốc; trong đó, có cụm cảng Cẩm Phả - Quảng Ninh thuộc nhóm cảng 1 (khu vực miền Bắc) thì nguyên nhân chủ yếu vẫn do nhà đầu tư thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các thủ tục pháp lý quan trọng để dự án được khởi công xây dựng.
Cụ thể, tháng 7/2022, Liên danh nhà đầu tư mới hoàn thành thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (chậm 2 tháng). Cuối tháng 10/2022, mới thành lập doanh nghiệp dự án, tức là chậm một năm so với dự kiến nên đã gây ảnh hưởng lớn đến việc triển khai dự án.
Đối với việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cuối tháng 9/2022, Liên danh nhà đầu tư mới gửi báo cáo đến Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương (chậm 3 tháng).
Song, qua nghiên cứu, thẩm định hồ sơ, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã chỉ ra rất nhiều tồn tại như chưa có giải pháp phòng cháy, chữa cháy của thiết kế cơ sở; chưa phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa có văn bản thỏa thuận, xác nhận về đấu nối hạ tầng kỹ thuật của dự án; chưa phê duyệt kết quả khảo sát xây dựng phục vụ thiết kế; chưa có báo cáo thiết kế kho cảng LNG và hệ thống tái hóa khí.
Đồng thời, yêu cầu nhà đầu tư bổ sung các giải pháp mang tính định hướng cho việc sử dụng hydrogen thay thế cho nhiên liệu khí tự nhiên trong tương lai khi công nghệ này khả thi.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu liên danh nhà đầu tư quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chuẩn bị của dự án để sớm khởi công công trình./.

>>>Năm 2023, Quảng Ninh hướng tới phát triển kinh tế xanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục