Đào tạo năng lực nhân sự hàng hải để tiếp nhận tàu LNG

11:47' - 19/10/2022
BNEWS PV GAS cho biết, nhân sự hàng hải tại địa phương sẽ tham gia tiếp nhận tàu LNG cập - rời cảng là một trong những yếu tố được quan tâm trong quá trình đàm phán với nhà cung cấp và chủ tàu LNG.

Trong tháng 10, Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT) phối hợp cùng Công ty TNHH Đào tạo và Nguồn nhân lực hàng hải (UT-STC) - đơn vị liên kết giữa Trường Đại học Giao thông Vận tại Tp.Hồ Chí Minh và Tập đoàn đào tạo mô phỏng hàng đầu thế giới STC Group có trụ sở tại Rotterdam (Hà Lan) để tổ chức lớp huấn luyện, đào tạo chuyên môn sâu về tiếp nhận tàu LNG cho các nhân sự liên quan tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) chia sẻ, trong quá trình đàm phán với các nhà cung cấp và chủ tàu LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) trên thế giới để chuẩn bị cho tiếp nhận chuyến tàu LNG nhập khẩu đầu tiên tại Việt Nam của PV GAS, một trong những nội dung được các nhà cung cấp, chủ tàu LNG quan tâm là nhân sự hàng hải tại địa phương sẽ tham gia tiếp nhận tàu LNG cập - rời cảng.

Theo đó, họ cần được làm quen và trải qua quá trình đào tạo để có đủ năng lực đáp ứng được các quy định, chuẩn mực về hàng hải theo tiêu chuẩn quốc tế áp dụng cho tàu LNG. Đây cũng là một nội dung thẩm định, đánh giá năng lực của cảng tiếp nhận tàu LNG từ các nhà cung cấp, chủ tàu LNG lớn trên thế giới như Shell, Qatar Gas, Cheniere... đối với PV GAS.

Một trong những yêu cầu quan trọng để các nhà cung cấp, chủ tàu LNG chấp thuận đưa tàu tới làm hàng là những nhân sự hàng hải liên quan tham gia tiếp nhận tàu LNG phải được huấn luyện, thực hiện chạy mô phỏng buồng lái tàu toàn diện (Full mission bridge simulation – FMBS) tại các Trung tâm mô phỏng để đánh giá việc phối hợp giữa các nhân sự này trong quá trình điều động tàu LNG cập - rời cảng có đảm bảo an toàn theo các tình huống, kịch bản. Đặc biệt, khi điều kiện thời tiết biến động, bất thường và tuyến luồng tàu hành hải vẫn được khai thác chung cho nhiều loại tàu trọng tải khác nhau.

PV GAS chia sẻ, với hiện trạng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG tại Việt Nam chưa từng tiếp đón tàu LNG từ trước tới nay, các nhân sự lĩnh vực hàng hải đều thiếu kinh nghiệm thực tế về tàu LNG thì việc thực hiện chạy mô phỏng buồng lái là cơ sở vững chắc nhất để đánh giá và khẳng định việc tiếp đón tàu LNG là khả thi.

Xuất phát từ yêu cầu thực tế đó, khóa đào tạo năng lực cho nhân sự lĩnh vực hàng hải địa phương tập trung huấn luyện, đào tạo mô phỏng buồng lái (FMBS) cho các nhân sự là hoa tiêu ngoại hạng của Xí nghiệp Hoa tiêu Vũng Tàu, các Mooring Master của Công ty TNHH MM Marine, thuyền trưởng - đại phó của các đơn vị cung cấp tàu lai chính trong khu vực là Haivanship, Vina Logistics và các Loading master của Kho cảng PV GAS Vũng Tàu…

Việc chạy mô phỏng được xây dựng trên mô hình tàu LNG trọng tải tới 100.000 DWT được các nhà cung cấp, chủ tàu LNG dự kiến điều động đến giao hàng tại cầu cảng đã được PV GAS đầu tư xây dựng để sẵn sàng tiếp nhận tàu phục vụ khâu nhập khẩu LNG.

Dưới sự hướng dẫn của đội ngũ chuyên gia từ UT-STC, các thành viên tham gia đã cùng đánh giá, nhận diện, xây dựng và chạy mô phỏng thành công cho trên 20 kịch bản tiếp nhận tàu LNG cập - rời cảng; quay trở tại các khu neo (thượng lưu, hạ lưu) và tại thủy diện cảng; cũng như giả định các tình huống khó khăn, bất thường trong quá trình tàu hành hải, cập - rời, quay trở để có được giải pháp xử lý đảm bảo an toàn phương án điều động tàu tối ưu nhất.

Việc đưa ra và chạy mô phỏng thành công các kịch bản gần như trong mọi điều kiện thời tiết khắc nhiệt, không thuận lợi như bình thường sẽ giúp PV GAS và Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu có nhiều phương án để tiếp nhận thành công tàu LNG và khai thác hiệu quả Kho LNG 1 MMTPA tại Cảng Thị Vải Vũng Tàu của PV GAS trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục