Dự án kè khẩn cấp vào nhóm giải ngân 0 đồng, người dân xã đảo đối diện với hiểm nguy

15:31' - 24/09/2022
BNEWS Dự án xây dựng mới 2 tuyến kè xung yếu ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam rơi vào nhóm dự án giải ngân 0 đồng, hàng trăm hộ dân trong vùng bảo vệ tiếp tục đối mặt với hiểm nguy.

Nằm giữa bốn bề sóng nước, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam thường xuyên chịu tác động của triều cường và sóng biển gây sạt lở nặng trong mỗi mùa mưa bão.

Để đảm bảo tài sản và tính mạng cho nhân dân, nhiều tuyến kè khẩn cấp đã được triển khai xây dựng. Tuy nhiên vì nhiều lý do, đến nay, dự án xây dựng mới hai tuyến kè xung yếu ở xã Tam Hải lại rơi vào nhóm dự án giải ngân 0 đồng vì không triển khai thi công. Hàng trăm hộ dân trong vùng bảo vệ của các công trình này tiếp tục đối mặt với hiểm nguy khi mùa mưa bão đang đến.

* Nỗi lo triều cường, sóng biển

Cũng như nhiều gia đình khác, trước mùa mưa bão sắp đến, bà Lê Thị Tiễn ở thôn Đông Tuần, xã đảo Tam Hải chuẩn bị bao tải chứa cát cùng các loại vật dụng khác để chèn chống, gia cố vườn nhà nhằm hạn chế sạt lở đất do triều cường, sóng biển gây ra.

Khu vực này, vào mùa mưa, sóng biển đánh tới sân nhà, nhiều diện tích đất sản xuất, đất ở bị sóng cuốn trôi ra biển, nhiều nhà ở bị hư hại. Đầu năm 2022, bà con rất mừng khi thấy nhiều loại máy móc, vật tư, thiết bị được đưa về đây để làm bờ kè chống sạt lở do triều cường và sóng biển gây ra trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, khi  mới đóng được ít cọc bê tông thì việc thi công lại bị ngừng, bà Lê Thị Tiễn cho biết thêm.

 

Công trình được khởi công vào tháng 2/2022 và sẽ hoàn thành vào tháng 8/2023 theo kế hoạch. Tuy nhiên, đến nay đã qua 8 tháng, công trình chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển xã đảo Tam Hải gồm 2 tuyến kè ở khu vực sạt lở xung yếu thuộc các thôn Đông Tuần, Long Thạnh Tây, có tổng chiều dài gần 2 km, tổng vốn đầu tư xây lắp 77 tỷ đồng để bảo vệ đất đai, nhà cửa, đảm bảo an toàn tính mạng cho hàng trăm hộ trong thôn, là một trong 7 dự án thuộc nhóm giải ngân không đồng.

Theo ghi nhận, đến nay, tại công trình khẩn cấp này mới chỉ có ít cọc bê tông được đóng xuống, hàng trăm cọc bê tông còn lại đã tập kết tại chân công trình, song không thể triển khai thi công vì vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.

Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết, đây là các tuyến kè xung yếu, có nhiệm vụ chống sạt lở đất, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân trong xã. Đặc biệt ở thôn "ốc đảo" Long Thạnh Tây, với hơn 100 hộ dân thường xuyên chịu tác động mạnh của triều cường và sóng biển trong mỗi mùa mưa bão, việc xây dựng tuyến kè này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

* Kè khẩn cấp, bao giờ được thi công?

 

Ai sống gần biển mới thấu hiểu hết sự ghê gớm của sóng biển trong mùa mưa bão. Ở xã đảo Tam Hải có hàng chục ngôi nhà bị sóng đánh sập, hàng chục ao hồ nuôi tôm và nhiều diện tích đất ở, đất canh tác bị sóng cuốn trôi ra biển. Do vậy, mong ước của bà con là chính quyền tạo mọi điều kiện để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Khi đã có mặt bằng, đơn vị thi công cần khẩn trương thi công, nếu kéo dài hết mùa mưa này đến mùa bão khác, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con, ông Mai Văn Chinh, người dân ở thôn Long Thạnh Tây bày tỏ.

Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết, công trình kè khẩn cấp chậm triển khai thi công do các quy định về áp giá, đền bù, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi khiến công tác bồi thường gặp lúng túng, nhất là đối với những đơn giá nằm ngoài quy định của UBND tỉnh. Hiện những vướng mắc này đã được UBND tỉnh Quảng Nam và huyện Núi Thành cho chủ trương, trong thời gian sớm nhất, địa phương phối hợp với các bên có liên quan hoàn thành công tác đề bù, giải phóng mặt bằng để công trình được triển khai thi công.

Về nguyên nhân của sự chậm trễ trong việc thi công các tuyến kè xung yếu ở xã đảo Tam Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Trương Văn Trung cho biết, các tuyến kè xây dựng ở Tam Hải gồm tuyến kè thôn 6 (Long Thạnh Tây) và kè thôn 3, thôn 4 (Đông Tuần) nằm trong dự án hợp phần của dự án cải thiện môi trường đô thị. Các dự án thành phần khác huyện đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Riêng dự án tuyến kè xây dựng ở Tam Hải, việc bàn giao mặt bằng còn nhiều vướng mắc.

Tại tuyến kè Long Thạnh Tây, vướng mắc tập trung ở mức giá đền bù đất đai, vật kiến trúc và liên quan đến việc nuôi trồng, khai thác hải sản của bà con trong khu vực. Thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện việc áp giá đền bù và vận động người dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Đối với kè thôn Đông Tuần, trước đây, do thiết kế ban đầu ảnh hưởng nhiều đến nhà ở của người dân trong khu vực, sau khi thực hiện điều chỉnh dự án, việc ảnh hưởng đến nhà cửa của bà con ít hơn. Hiện nay, địa phương đang điều chỉnh lại hồ sơ bồi thường để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chia sẻ, để bảo vệ đất đai, tài sản và tính mạng người dân xã đảo Tam Hải, những năm qua, tỉnh đã đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ để thi công, đưa vào sử dụng nhiều tuyến đê biển ở khu vực xung yếu quanh đảo. Hầu hết các tuyến đê kè biển này đều phát huy tốt công năng trong việc ngăn chặn triều cường, sóng biển gây sạt lở, làm mất đất sản xuất, hư hại nhà ở của người dân. Với những vướng mắc còn tồn tại trong thực hiện xây mới các tuyến kè ở xã đảo Tam Hải, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện Núi Thành, ngành chức năng sớm tìm ra tiếng nói chung, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để thi công, đưa tuyến kè vào sử dụng, góp phần ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng cư dân trên đảo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục