Dự án tham vọng về sản xuất tàu biển của Pháp-Italy

05:30' - 18/09/2017
BNEWS Tạp chí La Tribune Pháp có bài phân tích của tác giả Michel Cabirol với tựa đề “Công nghiệp quốc phòng: Pháp và Italy hướng đến một đại dự án hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu và hàng hải”.
Dự án tham vọng về sản xuất tàu biển của Pháp-Italy. Ảnh: Reuters

Nội dung bài viết đề cập đến dự án sáp nhập giữa tập đoàn STX và Naval Group của Pháp với tập đoàn Fincantieri của Italy đang tiến triển. Pháp có thể sẽ phải hy sinh lợi ích của mình nhằm thúc đẩy hợp tác nội khối Liên minh châu Âu (EU) bằng cách cho Fincantieri nắm tới 50% cổ phần của tổ hợp bao gồm tập đoàn STX và tập đoàn Naval Group.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly, Pháp và Italy đang đẩy nhanh dự án xây dựng một tập đoàn lớn nhất châu Âu trong lĩnh vực đóng tàu biển, cho cả mục đích dân dụng và quân sự.

Dự án này cho phép Chính phủ Pháp thể hiện ý chí ưu tiên cho ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và cũng để giải quyết những hậu quả của việc Pháp quốc hữu hóa tập đoàn công nghiệp tàu biển STX đối với Italy.

Hồ sơ về dự án này sẽ là trung tâm của Hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Italy vào ngày 27/9. Bộ trưởng Parly nhấn mạnh rằng công nghiệp quốc phòng “là một trong những chất xúc tác của châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng”.

Phát biểu tại Hội nghị quốc phòng Toulon mới đây, bà Parly nói cụ thể hơn: “Tôi đang tiến hành các công việc nhằm xây dựng một liên minh giữa ngành công nghiệp quốc phòng hàng hải của Pháp và Italy với tham vọng trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất tàu chiến trên biển. Những bước tiến đầy tham vọng của dự án này sẽ có kết nối chặt chẽ với các ngành công nghiệp liên quan”.

Từ đầu tháng Tám, cả Chính phủ Pháp và Chính phủ Italy đã bày tỏ ý định “vượt qua sự khác biệt về tính cân bằng cấu trúc vốn của tập đoàn STX”. Paris và Rome đều bày tỏ mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng một ngành công nghiệp đóng tàu châu Âu hiệu quả và cạnh tranh hơn trong lĩnh vực dân dụng và quân sự.

Tuyên bố chung của Pháp và Italy nêu rõ: “Việc kết hợp các nguồn lực của Fincantieri, STX và Naval Group sẽ tạo ra một tổ hợp hàng đầu ở cả tầm châu Âu và tầm thế giới với mục tiêu trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trên thị trường dân sự và quân sự bao gồm cả hoạt động hệ thống và dịch vụ”.

Có thể tiến trình sáp nhập ngành công nghiệp mũi nhọn hàng đầu của Pháp và Italy sẽ được tiến hành theo hai giai đoạn. Bởi có lẽ trước tiên cần khởi động các hoạt động sáp nhập giữa Fincantieri và STX, sau đó đưa tổ hợp STX/Fincantieri tiếp cận các cơ sở và đội tàu của tập đoàn Naval Group.

Trước đó, trong tuyên bố đầu tháng Tám, Bộ Kinh tế Pháp cho biết “sự tham gia của Fincantieri vào STX France sẽ được xác định phù hợp với vai trò dẫn đầu trong ngành công nghiệp này”.

Đây cũng là cách mà Naval Group nhiệt tình theo đuổi dự án này. Giám đốc điều hành Naval Group Hervé Guillou chưa bao giờ che giấu mong muốn đưa tập đoàn đến gần hơn với một đối tác châu Âu.

Mùa hè 2015, và sau đó trong năm 2016, Naval Group đã làm việc với Fincantieri về vấn đề sáp nhập. Tuy vậy, dự định này không được bật “đèn xanh” do sự phản đối của tập đoàn công nghiệp Thales (nắm 35% cổ phần) và Chính phủ Pháp (nắm 62,49% cổ phần của Naval Group).

Trả lời nhật báo Italy “Corriere della Sera”, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã nói: “Nếu chúng ta có thể xây dựng tổ hợp công nghiệp Pháp - Italy rộng lớn này, chúng ta sẽ có một bước tiến lớn cho Pháp, Italy và châu Âu”.

Tuy nhiên, vẫn cần kiểm tra xem tiến trình hai giai đoạn này có bù đắp được lợi ích của Pháp không hay chỉ có lợi cho ngành công nghiệp của Italy.

Mới đây, Chính phủ Pháp đã quyết định quốc hữu hóa tập đoàn STX bằng cách dùng quyền ưu tiên mua cổ phần nhằm tránh cho việc tập đoàn STX rơi vào tay Trung Quốc dẫn đến nguy cơ đánh mất các bí mật công nghệ cao trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, nhất là với hải quân.

Dù Pháp đã tránh được một thương vụ thâu tóm của Trung Quốc đối với tập đoàn STX, nhưng Trung Quốc vẫn luôn muốn và tìm mọi cách để thâm nhập và thâu tóm các ngành công nghệ mũi nhọn của Pháp và châu Âu.

Chiến lược của Trung Quốc là vừa tấn công toàn diện, vừa tìm kiếm các “mắt xích” yếu như Hy Lạp hay Italy để thâu tóm. Vì thế, việc Pháp và Italy cùng hợp tác để xây dựng một tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới sẽ vẫn tiềm ẩn những rủi ro khi Trung Quốc tìm cách thâu tóm, thâm nhập thông qua ngả Italy từ tập đoàn Fincantieri.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục