Dự án Vinfast - câu chuyện con gà quả trứng

19:45' - 01/10/2017
BNEWS Chính phủ cũng rất quyết tâm hậu thuẫn cho ngành công nghiệp ô tô bằng những chính sách ưu đãi, trong đó có thuế cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho Vinfast.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

“Cái cơ bản và khó khăn nhất của doanh nghiệp Việt Nam chính là nguồn tài chính. Vinfast không chỉ có nguồn tài chính vững mạnh từ Tập đoàn Vingroup mà còn thu xếp được khoản vay 800 triệu USD từ ngân hàng của Thụy Sỹ. Với tiềm lực này Vinfast không khó để cho ra đời những chiếc xe điện, ô tô điện mang thương hiệu Việt. Tôi tin là Vinfast sẽ thắng lợi”.

Đây là chia sẻ của ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) - người có niềm đam mê về “giấc mơ” ô tô Việt mang thương hiệu Made in Vietnam hàng chục năm nay.

Theo ông Huyên, cùng với tiềm lực sẵn có, dự án Vinfast được đầu tư tại khu Công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) có đường mới, cầu mới, lại gần cảng rất thuận lợi cho xuất nhập khẩu.

Đặc biệt, chính sách hiện nay cho ngành này cũng rõ ràng hơn trước đây, Chính phủ cũng rất quyết tâm hậu thuẫn cho ngành công nghiệp ô tô bằng những chính sách ưu đãi, trong đó có thuế cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho Vinfast.

Bên cạnh đó, địa phương nơi Vinfast đặt dự án Tổ hợp sản xuất ô tô cũng ưu đãi đất dự án, miễn thuế thu nhập trong 4 năm đầu và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm đầu là những điều kiện thuận lợi để Vinfast phát triển.

Còn nói kinh nghiệm Vinfast chưa có, Vinfast có thể mời chuyên gia có kinh nghiệm dày dạn trong lĩnh vực sản xuất ô tô tham gia nghiên cứu, quản lý sản xuất. Cụ thể là đã mời được ông James B.DeLuca - cựu Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu của hãng xe Mỹ General Motors, người đã có 37 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này về làm Tổng Giám đốc.

Đây là bước đi lịch sử thể hiện tham vọng lớn của Vingroup trong ngành ô tô, thậm chí ngay cả các hãng xe lớn có mặt ở Việt Nam hơn 20 năm cũng chưa từng có lãnh đạo cao cấp như vậy.

Đáng chú ý, sau bao năm ưu đãi, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn ở giai đoạn nhập khẩu và lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa thấp, chưa có một thương hiệu ô tô riêng. Khi thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN sẽ về 0% vào năm 2018, các liên doanh đang lắp ráp tại Việt Nam đang chuyển sang nhập khẩu xe về phân phối. Trong lúc này, Vingroup quyết định đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô với quyết tâm xây dựng thương hiệu Việt Nam.

Ông Huyên khẳng định, với những điều kiện trên và việc “đi tắt đón đầu” Vinfast chắc chắn sẽ thành công, cho ra đời những chiếc ô tô mang thương hiệu Made in Vietnam. Các sản phẩm của Vinfast sẽ có cơ hội rất lớn ở thị trường Việt Nam đang được cho là rất tiềm năng khi tỷ lệ sở hữu ô tô chỉ 23 xe/1.000 dân, trong khi con số này ở Thái Lan là 204/1.000…

Vinfast là vậy, nhưng chia sẻ về giấc mơ sản xuất ra chiếc xe ô tô “Made in Vietnam” bị dở dang của mình, ông Huyên cho hay, bản thân ông chẳng có gì sai trong chiến lược của mình sau bao năm theo đuổi.

Cụ thể là ông đã làm việc một cách bài bản và chuyên nghiệp, năm 2008 và 2009 có hai đề tài khoa học cấp nhà nước được Hội đồng khoa học công nghệ cấp nhà nước đánh giá cao. Trong quá trình triển khai Vinaxuki thực hiện các bước đúng với chiến lược phát triển của ngành dù không được nhà nước hỗ trợ.

Dự án được chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn châu Âu và đã rất thành công ở dòng xe tải từ năm 2011 với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%, còn xe con có tỷ lệ nội địa hóa 30%. Năm 2012 khi đưa xe ra triển lãm ô tô Việt Nam trưng bày để khách hàng góp ý cho việc hoàn thiện thì bị “ném đá” bởi các trang mạng và các đối thủ chơi xấu, sau đó là ngân hàng ngừng cho vay vốn.

Đây cũng là thời điểm thị trường ô tô gặp nhiều khó khăn, lãi suất ngân hàng quá cao, đặc biệt là bị cạnh tranh xấu dẫn đến ngân hàng cắt vốn, yêu cầu Vinaxuki bán nhà máy để trả nợ. Và việc ông bị nợ quá hạn là do ngân hàng chỉ cho ông vay ngắn hạn, nếu cho vay dài hạn ông hoàn toàn có thể trả hết nợ.

Theo ông Huyên, đáng nhẽ để tạo điều kiện cho một vài doanh nghiệp cho ra đời chiếc xe ô tô mang thương hiệu Việt xem chất lượng ra sao, giá cả thế nào, thì ngay từ khi xe còn chưa hoàn thiện đã bị nhiều người “ném đá”, chơi xấu khiến ông khóc dở mếu dở. Cũng như điện thoại của Bphone người tiêu dùng còn chưa kịp nhìn rõ ngang dọc thế nào đã bị “đập” còn với xe của Vinaxuki chưa ra đường đã bảo xe xọc xạch, ăn nhiên liệu, hay hỏng hóc… mà nguyên nhân chính là do thương hiệu “nội”.

Ông Huyên cũng phân trần, dự án của ông kém may mắn hơn Vinfast là không vay được vốn nước ngoài mà chỉ vay được vốn của ngân hàng trong nước. Ông cho rằng, chỉ cần vay được 200 triệu USD, bằng 1/4 so với số vay của Vinfast, ông có thể làm được cả động cơ, thân vỏ xe ô tô và nội địa hóa đến 60%.

Lắp ráp xe tải nhỏ tại nhà máy Vinaxuki. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN

Đáng tiếc là ông chỉ vay được ngân hàng 60 triệu USD, trong khi có đầy đủ các nhà máy xe con, xe tải nhẹ, xe tải nặng, nhà máy xe khách, nhà máy dập tự động, hàn cắt laze và các nhà máy nội địa hóa khác…

Ủng hộ doanh nghiệp làm ô tô mang thương hiệu Việt, nhưng theo ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Phúc An có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực ô tô, lại chia sẻ một góc nhìn khác.

Theo ông Tuấn, sản phẩm chủ lực của Vinfast công bố là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện. Tuy nhiên, động cơ đốt trong dù là công nghệ Âu hay Mỹ ở các nước phát triển đã có hàng chục năm nay. Nay, Đức, Pháp và Anh đã thông qua quyết định cấm các loại xe sử dụng động cơ này từ năm 2040 do ô nhiễm môi trường để chuyển sang các loại động cơ hybrid hoặc động cơ điện hoàn toàn thân thiện với môi trường.

Tập đoàn Vingroup xuất phát từ lĩnh vực bất động sản, du lịch, bán lẻ, y tế, giáo dục và nông nghiệp nay chuyển sang lĩnh vực ô tô là hoàn toàn mới bởi đối tượng khách hàng ở đây hoàn toàn khác. Bên cạnh đó là về giá bán và phân khúc, thực thi ra sao để tạo được sự khác biệt, từ đó dành được thị trường cũng là một câu chuyện lớn trong chiến lược của Vinfast.

Cũng như Bphone, hiện nay trên thế giới đã chuyển sang công nghệ khác nhưng Bkav vẫn loay hoay với công nghệ cũ, mà giá bán lại cao nên rất khó cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc còn 0% đang cận kề.

Theo ông Tuấn, nếu có thể, từ sản xuất xe đạp điện, sau đó Vinfast nâng lên sản xuất xe ô tô điện cùng điểm xuất phát với các nước phát triển sẽ hợp l‎ý hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là không như xe máy điện đơn giản là nhỏ gọn có thể sạc điện bất cứ nơi đâu còn xe ô tô điện phải có điểm và cây sạc điện riêng.

Khi sản phẩm ra đời, chưa nói đến giá cả đắt hay rẻ, có thể người tiêu dùng rất thích ô tô điện vì thân thiện với môi trường nhưng mua về không có chỗ sạc điện, họ không dám mua cũng sẽ là vấn đề cần bàn tới.

Ông Tuấn cho rằng, với hệ thống đô thị Việt Nam hiện nay, để đáp ứng được nhu cầu này một mình Vinfast dù có nhiều tiền cũng khó có thể làm được bởi mật độ cây dày và chi phí quá lớn, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới có hàng tỷ đô la đầu tư cho lĩnh vực này nhưng vẫn còn khó khăn.

Để đầu tư một trạm sạc điện công cộng, chi phí còn lớn hơn cả một trạm bán xăng dầu hiện nay và hệ thống sạc điện công cộng cũng phải phát triển gần như tương tự mới đáp ứng được.

Khác với ô tô vào bơm xăng dầu chỉ mất dăm ba phút/lần, còn sạc pin cho ô tô điện với thời gian sạc từ 1-3 giờ/lần nên diện tích mỗi trạm phải đủ lớn và nhiều điểm sạc. Thế nhưng, việc tìm kiếm điểm xây dựng trạm sạch này ở các thành phố cũng là điều rất khó, nếu có chi phí thuê mặt bằng cũng thường rất cao.

Do đó rất cần sự hỗ trợ của nhà nước như các nước khác, không phải bằng chính sách thuế, hàng rào bảo hộ thuế quan như hiện nay mà là xây dựng hệ thống sạc điện công cộng cho ô tô điện. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đặt vấn đề, trong bối cảnh kinh tế hiện nay và sắp tới, liệu nhà nước có sẵn sàng đầu tư cho các điểm sạc này cũng là vấn đề vì sự đầu tư quá lớn? Đây là vấn đề con gà – quả trứng.

Theo ông Tuấn, để thu hút đầu tư và phát triển thị trường xe điện, nhà nước cần có chính sách khuyến khích đầu tư hạ tầng, trang bị hệ thống sạc điện công cộng, xây trạm sạc điện cũng như việc đầu tư xây trạm xăng để người đi xe máy ô tô tiếp nhiên liệu.

Cách tốt nhất là cùng có sự hỗ trợ một phần của nhà nước, Vinfast liên kết các nhà đầu tư tương lai cùng nhau đầu tư giống như hệ thống kinh doanh xăng dầu hiện nay. Đây cũng là việc mà các hãng như Ford, Volkswagen, Mercedes và BMW đang phải bắt tay hợp tác để phát triển mạng lưới sạc nhanh ở châu Âu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục