Dự báo kinh tế toàn cầu 2023: Nhiều gập ghềnh phía trước (Phần 1)

05:30' - 23/12/2022
BNEWS Khi năm 2022 đầy khó khăn sắp khép lại, không khó để hiểu vì sao các nhà đầu tư toàn cầu bước vào năm 2023 với sự thận trọng cao độ.
Theo tác giả bài viết trên báo The Straits Times, nhiều vấn đề nhức nhối tương tự vẫn tiếp diễn - lạm phát vẫn phi mã, lãi suất tiếp tục tăng trong khi tăng trưởng toàn cầu đang đi xuống. Các nhà đầu tư cũng phải đương đầu với những nỗi đau mới. Các yếu tố thuận lợi như đồng tiền rẻ, mức tăng trưởng kinh tế nhanh ở Trung Quốc và tình hình địa chính trị tương đối bình lặng đều đã biến mất. Thay vào đó là những khó khăn giáng xuống gần như mọi loại tài sản trong năm 2022.

Ở châu Á, chứng khoán đã rơi vào tình trạng sụt giảm chưa từng có trong 22 tháng, trái phiếu được dự báo sẽ có mức lợi nhuận hàng năm tồi tệ nhất trong lịch sử, còn các đồng tiền bị tổn thương bởi đồng USD mạnh. Mặc dù khu vực này không bị ảnh hưởng bởi áp lực giá cả như ở Mỹ và châu Âu, lạm phát ở đây vẫn tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ trong khoảng 5-6% và lãi suất chính sách tăng trung bình 200 điểm cơ bản.

Tất cả những điều này đồng nghĩa khởi đầu của năm 2023 có thể sẽ khá chậm chạp. Tuy nhiên, các chuyên gia kỳ vọng tình hình đầu tư sẽ khởi sắc hơn khi năm này trôi qua. Họ cho rằng tốc độ tăng lãi suất ở Mỹ sẽ sớm chậm lại, với lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đạt đỉnh khoảng 5% trong quý I/2023. Khi giá năng lượng và lương thực giảm, chỉ số giá tiêu dùng tổng thể sẽ giảm đủ sâu để các nhà hoạch định chính sách cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2023 - có thể khoảng 75 điểm cơ bản khi sang đầu năm 2024.

Đối với tăng trưởng ở châu Á, xuất khẩu sụt giảm có thể khiến nền kinh tế yếu đi trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, tăng trưởng có thể chạm đáy trong quý II/2023 khi lạm phát giảm và quá trình thắt chặt tiền tệ của khu vực đi đến vạch đích.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại có ý nghĩa then chốt đối với triển vọng kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đang cân bằng giữa những ưu tiên y tế và an ninh với tăng trưởng kinh tế, khi số ca mắc COVID-19 đạt đỉnh và tâm lý bất mãn xuất hiện ở một số bộ phận cộng đồng. Điều này đồng nghĩa việc thoát khỏi chính sách "Zero COVID" có thể gập ghềnh và thường dao động giữa nới lỏng và thắt chặt hạn chế. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ tiến hành mở cửa hoàn toàn vào đầu quý III/2023, tạo nền tảng cho sự phục hồi của tiêu dùng vào nửa cuối năm.

Những điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế tăng tốc phục hồi vào nửa sau năm 2023, giúp khu vực châu Á ghi nhận mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 4,4% cho cả năm 2023. Với nguy cơ suy thoái có thể xuất hiện trên khắp phần lớn các khu vực vào năm 2023, đây dường như là kết quả tốt đối với châu lục này.

Linh hoạt trước những bước ngoặt bất ngờ

Trong bối cảnh đó, nên đầu tư vào châu Á ra sao? Theo giới quan sát, điều then chốt là nhà đầu tư chuẩn bị trước cho những bước ngoặt bằng cách duy trì sự nhanh nhạy và linh hoạt.

Ở Trung Quốc, option strategy (chỉ chiến lược mà nhà đầu tư nắm giữ cả quyền chọn mua và quyền chọn bán) là một cách để nắm bắt chiều tăng của các cổ phiếu tiềm năng, đồng thời giảm thiểu nhược điểm. Các nhà phân tích cho rằng khi nước này mở cửa trở lại, các nền tảng Internet, hàng tiêu dùng lâu bền và dịch vụ sẽ bắt đầu được hưởng lợi.

Trên quy mô rộng hơn, thu nhập của châu Á cũng xuống đáy vào quý II/2023 và bắt đầu chu kỳ đi lên mới khi lượng hàng tồn kho đạt đỉnh. Trước mắt, những công ty theo chu kỳ phục hồi sớm ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) như các nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu sẽ được hưởng lợi - họ thường là những công ty đầu tiên vượt ra khỏi quá trình điều chỉnh. Nhưng đến khi các điều kiện chung được cải thiện, giới chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư tập trung vào cổ phiếu chất lượng và có thu nhập khả quan trong thời gian tới. Đầu tư ngắn hạn vẫn là một trong những ưu tiên, trong khi họ vẫn có cơ hội đầu tư dài hạn thông qua các khoản tín dụng được xếp hạng A/AA.

Với việc Trung Quốc gần đây đang nỗ lực ngăn chặn lĩnh vực bất động sản “rơi tự do”, các chuyên gia cũng cho rằng trái phiếu bất động sản chất lượng và có chọn lọc nhiều khả năng đạt tổng lợi nhuận trung bình 10-15% trong năm 2023. Nhưng lĩnh vực này vẫn sẽ chưa thoát khỏi giai đoạn khó khăn và nhà đầu tư nên tránh những cái tên có lợi suất cao.

Cuối cùng, về tiền tệ, đồng USD vẫn sẽ mạnh trong ngắn hạn. Fed vẫn là ngân hàng trung ương “diều hâu” nhất và nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, khi xu hướng đảo ngược từ cuối quý I/2023, các nhà phân tích khuyến nghị nhà đầu tư nên hướng đến đồng yen, đồng SGD của Singapore và đồng AUD của Australia khi đồng bạc xanh đạt đỉnh. Các chuyên gia cũng nhận thấy cơ hội ở các đồng tiền lợi suất cao như rupiah của Indonesia và rupee của Ấn Độ khi tăng trưởng phục hồi từ quý II/2023.

Có hai xu hướng dài hạn hơn cần chú ý. Thứ nhất, quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục gây tranh cãi. Ngay cả khi đây không phải là “Chiến tranh Lạnh”, nó có thể giống như “Hòa bình nóng”. Mặc dù việc tách biệt hoàn toàn về kinh tế là điều không thực tế, nhưng Mỹ hiện đang theo đuổi các chính sách công nghiệp và hạn chế xuất khẩu đối với Trung Quốc – điều này có thể lan sang các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và công nghệ sinh học.

Cả rủi ro lẫn cơ hội đều có thể nảy sinh từ việc này. Trong khi các đồng minh của Mỹ ở Bắc Á và châu Âu đang phải đối mặt với sức ép cắt giảm bán hàng cho Trung Quốc, lệnh cấm của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc có thể hỗ trợ các nhà sản xuất chip của Hàn Quốc. Khi các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nổi lên như những sự lựa chọn hàng đầu cho việc đưa hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng từ nước ngoài về nước ở châu Á, trong khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ đang được lợi từ chiến lược “Trung Quốc+1”.

Thứ hai, các chuyên gia lạc quan rằng châu Á sẽ tiếp tục là động lực then chốt của đổi mới sáng tạo. Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, khu vực này hiện chiếm 54% tất cả các bằng sáng chế quốc tế mới được nộp, tăng từ 39% hồi năm 2011.

Về lâu dài, các nhà đầu tư có thể hướng đến những bên tham gia phát triển công nghệ nền tảng trong AI, dữ liệu lớn, an ninh mạng, 5G, chuỗi cung ứng xe điện, năng lượng tái tạo và tự động hóa công nghiệp. Mặc dù một số phân khúc có thể phải đối mặt với áp lực khi sự tách rời về công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng sâu sắc, nhưng người thắng có thể xuất hiện trong những tên tuổi hàng đầu mà có thể vượt qua những hạn chế tiềm ẩn.

Mặc dù 2022 không phải là một năm tốt đẹp, nhưng chu kỳ kinh tế của châu Á vẫn còn rất nhiều sức sống. Các nhà đầu tư sẽ cần tiếp tục chọn lọc, đa dạng hóa và nhanh nhạy để tận dụng những bước ngoặt xuất hiện trong năm 2023.

(Còn tiếp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục