Dự báo thị trường giá cả cuối năm: Không nhiều biến động lớn

16:06' - 03/07/2018
BNEWS Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đã tăng trung bình 0,37%/tháng.

Tại Hội thảo Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018 diễn ra ngày 3/7 tại Hà Nội, đánh giá về giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2018, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết các bộ, ngành địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, đặc biệt là trong các thời điểm dịp lễ Tết và các thời điểm thị trường có những biến động bất thường.

*Lạm phát trong tầm kiểm soát

Hội thảo Diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2018. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Cục Quản lý giá nhận định, các nhân tố gây tăng giá trong các tháng gần đây đều xuất phát từ yếu tố thị trường, trong khi về cơ bản hầu như không có yếu tố tăng giá mới xuất phát từ điều hành giá của Chính phủ.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 6 tháng đã tăng trung bình 0,37%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ năm trước trong 6 tháng đầu năm 2018 cũng có xu hướng gia tăng từ mức 2,65% hồi đầu năm lên mức tương đối cao là 4,67%.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính cho biết xu hướng gia tăng của lạm phát trong 6 tháng qua không phải là điều bất ngờ vì đã được dự báo từ cuối năm 2017. Lý do là trong 6 tháng đầu năm 2017 giá thịt lợn đã giảm tương đối mạnh và vì vậy lạm phát so với cùng kỳ của năm 2018 sẽ có xu hướng gia tăng nếu giá thịt lợn hơi tiếp tục giảm mạnh.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng mạnh cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong quý I/2018 cũng là nguyên nhân đẩy chỉ số CPI tăng cao hơn so với dự báo cuối năm 2017.

Điều này đặt ra câu hỏi, liệu lạm phát trong 6 tháng cuối năm có tiếp tục gia tăng và mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình ở mức 4% có đạt?

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng lạm phát có nhiều khả năng sẽ đạt đỉnh trong tháng 7/2018 và sau đó giảm dần xuống dưới mức 4% (thậm chí có thể là dưới 3%) trong những tháng cuối năm 2018.

Lý giải cho dự báo trên, theo ông Nguyễn Đức Độ, giai đoạn cuối 2017 Chính phủ đã điều chỉnh mạnh giá dịch vụ y tế và vì vậy chỉ số lạm phát sẽ giảm mạnh nếu giá dịch vụ y tế được giữ nguyên trong những tháng cuối năm 2018.

Tuy nhiên, vẫn còn 2 ẩn số tác động tới lạm phát cần tính tới trong những tháng cuối năm 2018 là giá xăng dầu và giá thịt lợn. Ông Nguyễn Đức Độ cho rằng, trong trường hợp giá dầu và giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao như hiện nay hay tiếp tục tăng mạnh thì lạm phát trung bình cả năm cũng chỉ ở mức từ 3,4 – 3,9%.

“Do vây, mục tiêu kiềm chế lạm phát trung bình ở mức dưới 4% vẫn đang nằm trong tầm tay của Chính phủ” , ông Nguyễn Đức Độ khẳng định.

Không được lạc quan như vậy, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát trong 6 tháng đầu năm ở mức cao so với năm 2017 và việc một loạt các mặt hàng do Nhà nước quản lý điều chỉnh giá , thì việc giữ mức CPI bình quân dưới 4% là một áp lực. Sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm nay sẽ lớn hơn khi giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới, tỷ giá có xu hướng tăng…

“Điều này khiến nhiều quan điểm tỏ ra lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4% của năm nay”, PGS.TS Ngô Trí Long nói.

* Chủ động trong điều hành giá

Theo ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thì thời gian tới hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng đang diễn biến phức tạp và tiềm ẩn xu hướng tăng lương cơ bản của các đối tượng hưởng ngân sách và lương cơ sở trong cơ cấu tính giá dịch vụ khám chữa bệnh tăng....

Tuy nhiên do phí một số dịch vụ y tế được điều chỉnh giảm, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng và đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên mặt bằng giá trên thị trường nhìn chung không có biến động lớn.

Ông Nguyễn Lộc An cũng cho rằng để bình ổn giá cả thị trường những tháng còn lại của năm cần theo dõi diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, xử lý các vấn đề phát sinh khi thị trường có biến động bất thường. Đồng thời đẩy mạnh tiêu thụ đối với các nhóm hàng may mặc, trang thiết bị gia đình và phương tiện đi lại cần có các chương trình kích cầu mua sắm...

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng với các mặt hàng thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian qua như xăng dầu, lương thực, thịt lợn, cần chủ động rà soát, cân đối nhu cầu cung cầu, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá để bình ổn thị trường.

Đặc biệt với giá xăng dầu, yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành sử dụng hợp lý quỹ bình ổn với liều lượng thích hợp, chỉ đạo kịch bản ứng phó nếu giá tăng cao, để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá.

Cục Quản lý giá đã nêu ra việc điều hành quản lý giá đối với một số mặt hàng cụ thể. Theo đó, nông sản cần tiếp tục rà soát nắm bắt hiện trạng số lượng đàn lợn thịt và khả năng cung cấp lợn xuất chuồng tại các vùng miền để có giải pháp chủ động điều phối, tránh trường hợp khan hiếm cục bộ đẩy giá lên cao.

Về giá xăng dầu, điều hành trong nước theo quy định sư dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm...

Đại diện Cục Quản lý giá nhận định việc quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát cần thực hiện một cách chủ động, chú trọng công tác dự báo, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng mặt hàng nhà nước quản lý với bước đi thận trọng và lộ trình thích hợp đảm bảo không tác động đột biến tới mặt bằng giá chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục