Dự báo xuất khẩu gỗ vẫn đạt 12 tỷ USD

14:03' - 27/07/2020
BNEWS Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu COVID-19, nhưng dự báo xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam vẫn đạt được mục tiêu 12 tỷ USD năm 2020.

 

Xác định rõ dư địa, nhu cầu của các thị trường, khắc phục những yếu kém trong toàn ngành chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cao vào trồng rừng, chế biến gỗ,… là những hướng đi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra cho ngành gỗ Việt vượt khó, đạt mục tiêu mong muốn trong giai đoạn nửa đầu năm 2020 này.

*Nắm bắt xu thế

Ngành gỗ Việt Nam dự báo trong 6 tháng cuối năm 2020 sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và tình trạng khô hạn cao.

Do đó, ngành lâm nghiệp cần nhìn rõ những dư địa để khai thác và thậm chí những yếu kém để khắc phục, duy trì và phát triển.

Tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gỗ và lâm sản, nhưng tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 2,16%; giá trị xuất khẩu vẫn tăng 2,7%, đạt 5,3 tỷ USD.

Điều này góp phần quan trọng vào giá trị chung của toàn ngành nông nghiệp. Dự báo giá trị xuất khẩu lâm sản cả năm đạt 11,75 - 12 tỷ USD.

Cụ thể, về thị trường, ngoài tác động do dịch COVID-19, một số sản phẩm của ngành phải chịu những rào cản thương mại.

Thời gian tới, ngành lâm nghiệp phải tập trung giải quyết vấn đề này: Đó là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu không lớn nhưng sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, uy tín ngành hàng, do đó phải tập trung xử lý.

Đồng thời, triển khai tích cực Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), nắm bắt đón cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đánh giá, lâm nghiệp đã có đóng góp tăng trưởng và xuất khẩu cao nhất trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong 6 tháng đầu năm.

Mục tiêu trong năm 2020 là xuất khẩu lâm sản không thấp hơn 12 tỷ USD để bù đắp cho những mặt hàng xuất khẩu khác đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Song song với việc nắm bắt xu thế tiêu dùng thế giới, thúc đẩy ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam phát triển, các chuyên gia ngành gỗ cho rằng, nắm bắt xu thế tiêu dùng nội địa cũng là một lợi thế.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, ước tính, thị trường nội địa chiếm khoảng 40% tổng giá trị thương mại của đồ gỗ Việt Nam, cơ cấu sản phẩm gỗ tham gia thị trường nội địa là 40% cho xây dựng, 30% cho tiêu dùng nông thôn và 30% phục vụ cho nhu cầu của cư dân thành thị.

Đây là một thị trường không nhỏ để các doanh nghiệp trong nước có thể tận dụng để gia tăng doanh thu và thị phần.

Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Dương cho biết, bình quân mỗi hộ gia đình ở Việt Nam cần mua sắm đồ gỗ với khoảng 6 triệu đồng/hộ/năm.

Nhu cầu đồ gỗ cho các khách sạn, văn phòng cho thuê và các khu đô thị mới cũng có xu hướng tăng nhanh… cho thấy tiềm năng to lớn của thị trường gỗ nội địa.

Tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn còn quen với cung cách sản xuất cũ, ít cập nhật xu thế tiêu dùng, sử dụng sản phẩm mới nên tụt hậu so với thị trường xuất khẩu.

Hiện nay một số doanh nghiệp của Hiệp hội doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Dương bắt đầu quan tâm nhiều hơn thị trường trong nước, với việc mở các showroom quảng bá, giới thiệu sản phẩm gỗ đến tay người tiêu dùng.

Ngành gỗ Bình Dương nói riêng đang rất nỗ lực để tiếp cận thị trường trong nước. Nếu khai thác tốt thị trường này, doanh nghiệp sẽ có cơ hội rất lớn để gia tăng doanh thu.

Bởi, hiện nay, nhu cầu đồ gỗ trong nước đang có sự gia tăng nhanh chóng, ước tính doanh thu từ thị trường nội địa của ngành gỗ đạt khoảng 3 tỷ USD/năm.

*Đầu tư công nghệ chế biến

Các chuyên gia ngành gỗ và lâm nghiệp Việt Nam đánh giá, trong 75 năm qua đã khẳng định khoa học công nghệ thực sự là động lực trực tiếp thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng của ngành.

Ông Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ, nhiều giống cây lâm nghiệp mới có năng suất cao, chất lượng tốt đã được chọn, tạo và phát triển trong sản xuất. Việt Nam cũng đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật về thâm canh rừng, quản lý rừng bền vững, quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu phụ trợ tiên tiến trong khai thác, bảo quản, chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ đã chuyển giao vào sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thực hiện Chiến lược nghiên cứu lâm nghiệp giai đoạn 2008-2020, ngành lâm nghiệp đã nghiên cứu và công nhận được 277 giống cây lâm nghiệp, 61 tiêu chuẩn và 11 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực phát triển rừng.

Điều này đã đưa năng suất rừng trồng đạt năng suất bình quân 20m3/ha/năm, nhiều nơi đạt 40m3/ha/năm.

Bên cạnh đó, ngành cũng đã công nhận 163 tiêu chuẩn và 15 tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chế biến lâm sản đã ứng dụng vào sản xuất, mang lại kết quả, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho ngành lâm nghiệp.

Ngành lâm nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ viễn thám trong trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng rừng cho 39 tỉnh, thành phố; điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và đã xây dựng hệ thống bản đồ, bộ số liệu gắn với bản đồ kiểm kê rừng; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; dự báo, cảnh báo lửa rừng, sâu bệnh  hại rừng…

Những nghiên cứu hiệu quả gắn với từng khâu sản xuất, chế biến, từng sản phẩm, dịch vụ môi trường rừng.

Riêng với chế biến gỗ phục vụ cho xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đã nỗ lực đầu tư công nghệ cao, đào tạo công nhân lành nghề ứng dụng công nghệ cao trong chế biến, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng nước ngoài.

Ông Lưu Phước Lộc, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp chế biến gỗ Bình Dương cho biết, có rất nhiều doanh nghiệp gỗ Bình Dương chịu đầu tư máy móc, tiêu tốn hàng chục tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị từ EU, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… để tăng mức độ tự động hoá dây chuyền sản xuất. Xu thế chung của các doanh nghiệp sản xuất gỗ lẻ hiện nay là tăng dần giá trị gia tăng của sản phẩm.

Hiện đã có một số doanh nghiệp chịu đầu từ vào khâu thiết kế, để làm được điều này doanh nghiệp gỗ không tiếc tốn kém thời gian, tiền bạc để tìm hiểu thị hiếu của thị trường xuất khẩu.

Thêm vào đó, việc chủ động gia công thay cho bị động gia công về lâu dài sẽ giúp cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ hiểu rõ thị trường truyền thống.

Từ đó, các doanh nghiệp có thể đề ra chiến lược sản xuất, xuất khẩu bền vững, lâu dài, hạn chế khâu trung gian, tạm nhập rồi xuất sang nước thứ ba.

Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, khoa học công nghệ là giải pháp trọng yếu, là động lực để các lĩnh vực nói chung, và ngành nông nghiệp nói riêng phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả hơn trong thời gian qua. Dự kiến đến cuối năm 2020, tỉ lệ che phủ rừng có thể đạt 42%.

Thời gian tới, các đơn vị nghiên cứu khoa học tập trung, quyết liệt đầu tư sâu hơn cho nghiên cứu về gen trong chọn tạo giống mới, ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung nghiên cứu về hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái rừng tự nhiên để định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững.

Những ứng dụng trong chế biến, bảo quản lâm sản của các đơn vị nghiên cứu còn đi sau doanh nghiệp.

Do đó, các đơn vị cần định hướng rõ hơn trong đầu tư khoa học công nghệ trong lĩnh vực này, ông Hà Công Tuấn nói thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục