Dư địa giảm thêm lãi suất ngân hàng cuối năm có còn?

09:36' - 23/10/2023
BNEWS Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất điều hành đã có 4 lần giảm nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Liệu Ngân hàng Nhà nước có tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện kích cầu tín dụng cuối năm?

Trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh có chiều hướng phục hồi, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, liệu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có tiếp tục giảm lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện giảm thêm mặt bằng lãi suất ngân hàng, kích cầu tín dụng cuối năm?

Dư địa dần thu hẹp?

Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành giảm lãi suất điều hành tổng cộng 4 lần nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất tái cấp vốn hiện đã giảm xuống mức 4,5%, trong khi lãi suất tái chiết khấu giảm xuống còn 3%, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các ngân hàng thương mại giảm lãi suất và kích thích sự tăng trưởng của tín dụng.

 

Dự báo về xu hướng điều hành chính sách tiền tệ từ nay đến cuối năm, ông Trần Xuân Bách, Chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng trước những thông điệp về điều hành lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), áp lực tỷ giá đã tăng trở lại trong thời gian gần đây, khiến Ngân hàng Nhà nước phải phát hành tín phiếu để hút ra. Đồng thời, làn sóng lạm phát thứ 2 cũng đang là mối lo với giới đầu tư toàn cầu, kéo theo đó áp lực lạm phát tại Việt Nam có thể quay lại trong những tháng cuối năm.

Dù vậy, vị chuyên gia của BVSC nhận định lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều dư địa để giảm lãi suất quý cuối năm và xu hướng điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng sẽ chưa có sự đảo chiều ngay trong năm nay.

>>Tra cứu lãi suất ngân hàng mới nhất tại đây

Trước đó, Bộ phận Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB dự báo Ngân hàng Nhà nước có triển vọng cắt giảm lãi suất thêm 100 điểm cơ bản (1 điểm cơ bản tương đương 0,01%) đưa lãi suất tái cấp vốn xuống còn 3,5% trong quý IV/2023. Tuy nhiên, quyết định này có thể vẫn cần cân nhắc khi ngân hàng trung ương xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế đánh giá khả năng tiếp tục hạ lãi suất vẫn còn, nhưng dư địa cũng đã thu hẹp đáng kể.

"Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét giữ vững lãi suất điều hành như hiện nay hoặc giảm nhẹ thêm 0,25%. Còn tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động có thể giảm thêm nhưng chậm, trong khi lãi suất cho vay sẽ hạ nhanh hơn",  PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho hay.

Cùng quan điểm, PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng nhận định mặt bằng lãi suất hiện đã khá thấp. Do đó từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước chưa cần thiết giảm lãi suất điều hành. Lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại có thể giữ nguyên mức thấp hiện nay nhưng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm và để làm được điều này, các ngân hàng cần tiết giảm chi phí hoạt động một cách hợp lý.

Lãi suất thấp thẩm thấu

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến cuối tháng 9/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022, đạt mức tăng trưởng cao so với các tháng gần đây. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã có bước biến động đáng kể so với mức tăng 5,91% công bố vào ngày 21/9 trước đó.

Đây là tín hiệu phản ánh chính sách tiền tệ đã bắt đầu thẩm thấu vào nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm cũng được kỳ vọng sẽ tăng nhanh theo thông lệ.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2023 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng 4,6% trong quý cuối năm. Tính chung cả năm 2023, kỳ vọng tăng 12,3%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức dự báo 12,5% tại kỳ điều tra trước.

Như vậy, nếu đạt mức tăng trưởng tín dụng 4,6% như kỳ vọng trong quý IV/2023 thì dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế cả năm mới chỉ đạt 11,52%.

Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh lãi suất sẽ tiếp tục điều hành ổn định, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét hạ lãi suất khi có điều kiện, đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo nguồn vốn và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

"Hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước mang nhiều tính đặc thù khi phải cùng lúc đảm bảo nhiều mục tiêu, vừa giảm lãi suất vừa mở rộng tín dụng, vừa ổn định tỷ giá vừa đảm bảo an toàn của các tổ chức tín dụng, nên việc thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng cần sự cân nhắc rất kỹ lưỡng", Phó Thống đốc cho hay.

Tại các ngân hàng thương mại, lãi suất huy động cao nhất đang phổ biến ở mức từ 5,5-6,5%/năm.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã giảm lãi suất huy động lần thứ 2 liên tiếp trong tháng 10 với bước giảm 0,2 điểm % đối với nhiều kỳ hạn. Lãi suất cao nhất tại Vietcombank theo đó xuống chỉ còn 5,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng lớn. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 6-9 tháng giảm còn 4,1%/năm; từ 1-3 tháng dao động từ 2,8-3,1%/năm.

Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất cao nhất vẫn áp dụng mức 5,3%/năm.

Sau động thái giảm lãi suất của Vietcombank, giới chuyên gia dự báo có thể các ngân hàng sẽ bước vào đợt giảm lãi suất huy động mới, tập trung chủ yếu ở nhóm 4 ngân hàng lớn "big 4" với thanh khoản dồi dào, trong khi các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ có bước giảm thận trọng hơn nhằm giữ chân khách hàng.

PGS. TS Phạm Thị Hoàng Anh cho rằng để hạ mạnh lãi suất cho vay trong khi lãi suất huy đông vẫn ở mức hợp lý, đủ hấp dẫn với người gửi tiền thì các ngân hàng thương mại sẽ phải cắt giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành. Từ đó mới có dư địa hạ lãi suất cho vay mà không làm ảnh hưởng đến huy động vốn trong nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục