Lãi suất thấp và kéo dài, dòng tiền về đâu?

08:28' - 15/10/2023
BNEWS Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng liên tiếp giảm sâu và kéo dài như hiện nay, liệu có xảy ra làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm sang lĩnh vực khác?

Ước tính có khoảng nửa triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay sắp đáo hạn. Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng liên tiếp giảm sâu và kéo dài như hiện nay, liệu có xảy ra làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm sang lĩnh vực khác?

Theo khảo sát nhanh của phóng viên TTXVN, tính đến sáng 15/10, lãi suất huy động cao nhất trong hệ thống được niêm yết tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Việt Nam (HDBank) lần lượt ở mức 11%/năm và 8,8%/năm. Tuy nhiên, để được hưởng các mức lãi suất này, khách hàng cá nhân phải đảm bảo điều kiện số dư tiền gửi từ 2.000 tỷ đồng đối với PVcomBank và từ 300 tỷ đồng với HDBank.

Thực tế, với các khoản tiền gửi có số dư dưới các mốc trên, lãi suất cao nhất tại các ngân hàng phổ biến chỉ từ 5,5-6,5%/năm như tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) 6,5%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) 6,2%/năm; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) 6,1%/năm... áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng.

Nhìn lại thời điểm đầu năm 2023, lãi suất huy động cao nhất phổ biến ở mức từ 9-10%/năm, thậm chí có ngân hàng còn niêm yết tới 12%/năm. Tuy nhiên, xu hướng hạ lãi suất bắt đầu ghi nhận từ cuối quý I và càng hạ nhanh hơn từ sau khi Ngân hàng Nhà nước liên tiếp 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành.

Trong bối cảnh này, thị trường chứng khoán, bất động sản... lại có nhiều tín hiệu tích cực.

Bà Phạm Huyền Trang, Giám đốc phụ trách phân tích cổ phiếu - Trung tâm nghiên cứu Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, kể từ sau quyết định cắt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hồi cuối tháng 3, thanh khoản trên thị trường chứng khoán liên tục tăng. Trong tháng 9/2023, thanh khoản trung bình đạt khoảng 26.000 tỷ đồng/phiên trên cả 3 sàn, tăng 135% so với đầu năm, tăng 73% so với tháng 9 năm ngoái.

 

"Với đặc thù thị trường chứng khoán Việt Nam là 90% giao dịch cá nhân thì mức tăng trưởng mạnh trên thị trường vừa qua là dấu hiệu cho thấy sự chuyển động của dòng tiền vào thị trường chứng khoán từ các kênh đầu tư khác, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp và kéo dài như hiện nay", bà Huyền Trang nhận định.

Cùng quan điểm, ông Trần Xuân Bách – Chuyên gia Phân tích và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá từ mức đỉnh lãi suất huy động 9-10%/năm, nay giảm còn 5,5-6,5%/năm, kênh tiền gửi dường như kém hấp dẫn hơn, sự dịch chuyển dòng tiền sẽ là tất yếu. Tuy nhiên dịch chuyển ít hay nhiều còn phụ thuộc độ am hiểu và “khẩu vị” rủi ro của nhà đầu tư.

Trong các kênh đầu tư, ông Bách đánh giá thị trường trái phiếu hiện còn nhiều khó khăn, đầu tư vàng, ngoại hối... còn chưa hấp dẫn tại Việt Nam mà chủ yếu chỉ là mua tích trữ. Thị trường chứng khoán với tỷ suất sinh lời từ đầu năm đến nay tương đối tích cực gần 14% đi kèm với kỳ vọng tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp đang tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư.

Với thị trường bất động sản, ông Bách cho rằng thị trường đang ấm dần lên nhờ sự hỗ trợ từ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và các chính sách khác.

"Mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể, chính sách có thời gian thẩm thấu sẽ tác động đến thị trường trái phiếu và bất động sản. Thanh khoản bất động sản dự báo sẽ cải thiện từ nửa đầu năm 2024 trở đi", ông Bách dự báo.

Thực tế thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy dư nợ kinh doanh bất động sản trong bảy tháng năm 2023 đã tăng trưởng đến 18,95%, cao hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, dư nợ người dân vay mua bất động sản lại giảm 1,36%. Con số này phản ánh nguồn vốn tín dụng đang tập trung vào phía cung của thị trường cho chủ đầu tư, còn cầu tín dụng để mua bất động sản lại sụt giảm.

Cùng nhận định lãi suất thấp sẽ kích thích nhà đầu tư sử dụng dòng vốn vào bất động sản, kích hoạt việc tìm kiếm và giao dịch bất động sản nhưng ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam lưu ý điều kiện sức khỏe của thị trường suy giảm, khả năng hấp thụ vốn khó khăn hơn bình thường nên sẽ khó xảy ra hiện tượng vay vốn hoặc sử dụng vốn ồ ạt như trước.

"Mua bất động sản để đầu tư khác với mua để ở, các nhà đầu tư phải lựa chọn bất động sản có năng lực khai thác dòng tiền. Trong khi thị trường hiện tại nhiều khó khăn, nền kinh tế suy yếu, khiến nhà đầu tư khó tìm được địa chỉ đầu tư. Song song với đó, nguồn cung, chất lượng nguồn cung và khả năng khai thác kinh doanh bất động sản cũng hạn chế đòi hỏi các nhà phát triển phải rất cạnh tranh, sản phẩm phải rất hấp dẫn", ông Đính nhấn mạnh.

Đa dạng hóa các kênh đầu tư, dịch chuyển dòng tiền từ lĩnh vực có tỷ lệ sinh lời thấp sang tỷ lệ sinh lời cao là điều tất yếu. Tuy vậy, mỗi nhà đầu tư có “khẩu vị” rủi ro khác nhau.

Bà Phạm Thị Hoàng Anh, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng khuyến cáo các nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức tài chính, kinh tế nhất định, đảm bảo sự cân đối giữa mức sinh lời và nguy cơ rủi ro của từng kênh đầu tư và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược rủi ro, “khẩu vị” rủi ro khi đầu tư./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục