Dư địa nào cho phát triển nuôi trồng thủy sản vùng hồ chứa?

12:25' - 22/09/2022
BNEWS Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa để phát huy tiềm năng tự nhiên và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Việt Nam hiện có 6.695 hồ chứa nước với tổng dung tích 796.143 triệu m3 phân bố ở 45/63 tỉnh thành nhưng các địa phương mới chỉ khai thác được phần nhỏ diện tích hồ cho nuôi trồng thuỷ sản. Với nguồn nước hồ chứa sạch, nhiều vùng còn có thể phát triển các loài thủy sản đặc hữu, đặc sản có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa thích… Khai thác tiềm năng, dư địa nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa sẽ giúp chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững, xóa đói, giảm nghèo.

Chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã xác định tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa để phát huy tiềm năng tự nhiên và tạo sinh kế cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa đang tiếp tục phát triển. Một số tỉnh có sản lượng nuôi cá lồng bè trên hồ chứa cao đang xây dựng thương hiệu, hình thành các chuỗi cửa hàng tại các thành phố lớn để quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm như: hồ Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số hồ chứa được cấp phép nuôi trồng thủy sản không nhiều. Điển hình Đắk Lắk, chỉ có 61/597 hồ chứa thủy lợi được cấp phép để nuôi thủy sản. Việc quy hoạch nuôi trồng thủy sản và hài hòa lợi ích giữa thủy lợi, thủy điện, thủy sản tại nhiều địa phương chưa tốt nên chưa tận dụng hết tiềm năng mặt nước và nguồn lợi sẵn có của hồ chứa.

Việc nuôi cá lồng bè hồ chứa còn mang tính tự phát, chưa tập trung thành vùng chuyên canh nên chưa tạo được vùng nuôi an toàn và hệ thống thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng đó, chưa có chính sách khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa…

Trong khi đó, nguồn nước tại các hồ chứa sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp và chất thải, hóa chất của nhà máy công nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa thích và có giá bán thị trường cao hơn nuôi trong ao, bể từ 1,2 - 1,5 lần.

Theo Viện kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, trong 13 hồ chứa có diện tích trên 5000 ha thì các hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Na Hang, Trị An là nhóm hồ chứa có tiềm năng nuôi trồng thủy sản cao. Những hồ này có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho người nuôi, có thể đảm bảo lợi ích lâu dài và một nghề cá có trách nhiệm cam kết với cộng đồng.

Là địa phương có nuôi cá lồng bè trên hồ chứa lớn nhất cả nước, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh có 4.750 lồng, sản lượng đạt 5.594 tấn, chiếm 77% giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh. Phát triển nuôi cá vùng hồ đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 5.000 lao động. Tỉnh có 2 doanh nghiệp nuôi cá lồng, bè kết hợp chế biến đạt chứng nhập sản phẩm OCOP.

Những năm qua, Hòa Bình tận dựng được nguồn nước hạ lưu hồ thủy điện, thủy lợi, đa dạng cây trồng, vật nuôi, thủy sản, bảo tồn nguồn gen, các loài thủy sản quý hiếm, tận dụng ao hồ nuôi các loài thủy sản truyền thống, tạo sản phẩm thủy sản tại chỗ, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh Hòa Bình sẽ phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa giống loài, hình thức nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường và tránh rủi ro do thiên tai và dịch bệnh; tận dụng một số vùng phù hợp để nuôi thủy đặc sản và cá nước lạnh. Đồng thời, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến, thị trường; để đảm bảo nuôi an toàn đối với sản phẩm thủy sản và tạo được thị trường bền vững.

Hay tại Quảng Ngãi, địa phương này hiện có 124 hồ chứa thủy lợi. Đa số hồ chứa nước có độ sâu trên 10m và diện tích lưu vực khá lớn thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ chứa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, hiệu quả mang kinh tế lại từ việc phát triển nuôi cá nước ngọt ở các lòng hồ chứa là rất lớn, nếu tận dụng được lợi thế nguồn mặt nước dồi dào này. Mô hình này, không chỉ tạo việc làm cho người dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị, xã hội mà còn đảm bảo được sự phát triển bền vững môi trường sinh thái ở các hồ chứa.

Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất, tham mưu UBND tỉnh cấp phép hoạt động và cho chủ trương thực hiện nuôi cá trong lòng hồ đối với 29 hồ chứa nước. Hiện tại, đa số các hồ chứa trên địa bàn tỉnh nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh, thả nuôi tự nhiên, một số hồ nuôi cá lồng.

Để phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa bền vững, Tổng cục Thủy sản cho rằng cần phát triển hệ thống sản xuất giống thủy sản chất lượng cao. Đồng thời, ưu tiên phát triển giống các đối tượng nuôi giá trị kinh tế cao, các loài mới có tiềm năng, loài bản địa, cá nước lạnh… ở vùng có điều kiện sinh thái phù hợp.

Ngành khuyến khích phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, giảm giá thành sản xuất, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình nuôi hữu cơ, nuôi sinh thái, áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, trong bối cảnh khai thác hải sản phải giảm, hồ chứa chính là dư địa để ngành thủy sản phát triển. Việc đầu tư phát triển, nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cần phù hợp với tiềm năng mặt nước của tỉnh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và an toàn hồ đập.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng cục Thủy sản sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách để phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa cho phù hợp với nhu cầu phát triển. Các địa phương cần điều tra, khảo sát đánh giá tiềm năng nuôi trồng thủy sản và quy hoạch phát triển nuôi cá hồ chứa phù hợp với từng vùng sinh thái. Cùng đó, xây dựng các cơ chế chính sách thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất giống, nuôi thương phẩm, chế biến và tiêu thụ cho nghề nuôi cá hồ chứa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục