Dư địa nào cho thương mại điện tử ở Tp. Hồ Chí Minh?

13:40' - 17/11/2022
BNEWS Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Thị trường thương mại điện tử ngày càng rộng mở với nhiều mô hình, chủ thể tham gia và chuỗi cung ứng hiện đại. Hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng đang phát triển nhanh chóng cả về chiều rộng, chiều sâu và có xu hướng tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi lượng người dùng sử dụng thiết bị di động kết nối internet ngày càng nhiều.

Đây là thông tin được cho biết tại hội nghị Đối thoại doanh nghiệp thương mại điện tử Tp. Hồ Chí Minh 2022, do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/11.

*Địa phương dẫn đầu ngành

Hiện nay, Việt Nam là quốc gia có hoạt động thương mại điện tử phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, nhờ có mức tăng trưởng mạnh mẽ về lượng truy cập website thương mại điện tử trong khu vực; số lượng người tiêu dùng kỹ thuật số mới tăng đáng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát (8 triệu người) và quy mô doanh số dẫn đầu thị trường Đông Nam Á (chỉ sếp sau Indonesia).

 

Dự báo, thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng đạt 300% và có quy mô từ 13 tỷ USD trong năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.

Cùng với cả nước, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương có vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại điện tử, khi tình hình mua sắm trên thương mại điện tử năm 2022 trên địa bàn thành phố tăng trưởng 34% so với năm trước đó. 

Theo báo cáo của một số đơn vị nghiên cứu thị trường, Tp. Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước nhiều năm liền về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam như quy mô, tỷ lệ đăng ký mới, duy trì tên miền tên miền ".vn"; mức tỷ trọng tổ chức, cá nhân bán hàng trực tuyến của cả nước…

Thống kê trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, có 20.878 website thương mại điện tử bán hàng, chiếm tỷ lệ 47,7% cả nước; 133 ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, chiếm tỷ lệ 52,8% cả nước...

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã có sự quan tâm, đầu tư bài bản và có chiều sâu cho việc vận hành website thương mại điện tử, với 35,7% doanh nghiệp đã xây dựng website độc lập với đa dạng tính năng cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến.

Sự quan tâm phát triển thương mại điện tử và đầu tư mạnh của doanh nghiệp vào hệ thống logistics nội bộ giúp thương mại điện tử giải được bài toán thời gian, chi phí và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Qua đó, tốc độ tăng trưởng từ xu hướng mua sắm trên thương mại điện tử, sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới và hưởng ứng của người dân dành cho hoạt động mua sắm trên nền tảng internet ngày càng được tăng vượt bậc.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua kênh phân phối thương mại điện tử được triển khai đa dạng theo mô hình website bán hàng, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trên cả nền tảng website lẫn di động.

Nhiều ứng dụng thanh toán điện tử đã được triển khai rộng khắp, hỗ trợ hiệu quả cho giao dịch thương mại điện tử, gồm: thanh toán thông qua thẻ (POS, ATM…), thanh toán trên internet (thông qua tài khoản mở tại ngân hàng); thanh toán trực tiếp qua điện thoại di động...

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử, việc quản lý nhà nước về thương mại điện tử còn một số hạn chế nhất định trong chính sách thúc đẩy, phát triển thương mại điện tử và chính sách quản lý thuế, quản lý nguồn gốc, luồng hàng... dẫn đến tình trạng hàng nhái, hàng không đảm bảo như cam kết (của người bán), làm giảm lòng tin của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Xu hướng tăng trưởng và phát triển thương mại điện tử đã tạo ra cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức đối với quản lý nhà nước, nhất là trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Tp. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

*Dư địa thị trường rất lớn

Liên quan đến thị trường thương mại điện tử, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đánh giá, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen của đông đảo người tiêu dùng.

Trong số đó, nhiều người chưa từng mua sắm trực tuyến đã tiếp cận và sử dụng kênh này, còn những người đã từng mua sắm trực tuyến thì mua sắm nhiều hơn và sẽ duy trì thói quen này trong tương lai.

Số lượng đơn hàng phát sinh trên sàn thương mại điện tử có giai đoạn tăng với tỷ lệ tăng trưởng trong khoảng từ 8% lên đến 50%. Thậm chí, các đơn hàng cũng tăng từ 8% tới 10% so với kế hoạch từ đầu năm.

Thương mại điện tử tiếp tục tăng tốc sau làn sóng thứ hai, với 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng thị trường sẽ tốt lên sau dịch COVID-19. Có thể xem giai đoạn này, là thời điểm để đa số doanh nghiệp tiếp cận và tiến hành chuyển đổi số để thích ứng với trạng thái "bình thường mới".

Trong khi đó, hầu hết thương nhân tăng cường bán hàng trên sàn thương mại điện tử như sử dụng nhiều công cụ số để có thể duy trì mối quan hệ với khách hàng, bán hàng online...

 Sàn thương mại điện tử trở thành kênh kinh doanh bán hàng hiệu quả cho doanh nghiệp, nhất là nhóm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ hay hộ kinh doanh, cá nhân...

Ngoài ra, trước sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, doanh nghiệp hoạt động trong ngành chuyển phát nhanh, vận chuyển... cũng đối mặt với bài toán làm sao để không bị bỏ lại phía sau, đồng thời không rơi vào bẫy "tăng trưởng nóng".

Sự cạnh tranh ngày một gay gắt trên thị trường, cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp hoạt động trong ngành chuyển phát nhanh, vận chuyển... làm thế nào để bắt kịp xu hướng, gia tăng giá trị cho người tiêu dùng mà vẫn đảm bảo tối ưu đường dài là bài toán đầy thách thức của mọi doanh nghiệp.

Để giữ vững năng lực cạnh tranh trên thị trường, đại diện J&T Express - Thương hiệu chuyển phát nhanh quốc tế cho biết, với phương châm chất lượng dịch vụ mới là hướng đi lâu dài đúng đắn, nên doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1.900 bưu cục, 850 xe vận tải, 19.000 nhân viên, 36 trung tâm trung chuyển...

Nhằm tiếp sức luồng giao nhận của thị trường, J&T Express mang đến mô hình dịch vụ đa dạng, từ chuyển phát tiêu chuẩn, chuyển phát nhanh... cho đến siêu dịch vụ giao hàng cao cấp J&T Super, giao hàng J&T International... giúp người dùng có thể tra cứu hành trình quốc tế.

Hơn thế nữa, J&T Express chú trọng nâng cao và hoàn thiện chất lượng dịch vụ theo hướng hỗ trợ cho người bán hàng bằng những hoạt động thiết thực, cũng như duy trì hợp tác với phong phú nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất hiện nay.

Cụ thể, tháng 8/2022 vừa qua, J&T Express tiên phong bổ sung tính năng thanh toán đơn hàng bằng QR Code động giúp hạn chế tối đa nhầm lẫn trong quá trình giao dịch.

J&T Express cũng vừa mới cho ra mắt dịch vụ tiện ích Zalo ZNS, giúp tối ưu quy trình giao - nhận hàng tới tay người dùng, hạn chế lừa đảo. Dịch vụ Zalo ZNS cũng giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng quản lý thao tác của nhân viên giao hàng qua tính năng nhận diện, theo dõi hành trình giao hàng...

Theo ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc, Thương mại điện tử - Công ty Nielsen IQ, sự trỗi dậy của Omni Shopper (người mua sắm đa năng) đã trở thành một xu hướng mới nổi khi bắt đầu đại dịch và vẫn đang tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, người tiêu dùng hiện tại có tần suất mua sắm trực tuyến bằng với trực tiếp. 

Mặt khác, những xu hướng nổi bật trong tương lai có thể kể đến là trải nghiệm sẽ dịch chuyển từ trực tiếp sang thực tế ảo; livestreaming (phát sóng trực tiếp) sẽ ảnh hưởng từ giải trí đến mua sắm...

Với những xu hướng thay đổi của thị trường, mua sắm đa kênh càng trở nên phổ biến cũng là một trong những động lực thúc đẩy mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng và tiếp tục tăng trưởng. Điều này mang lại tiềm năng và dư địa rất lớn cho thương mại điện tử Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng phát triển trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục