Dư địa phát triển ngành gia cầm đang tốt

14:49' - 12/04/2019
BNEWS Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Dư địa phát triển ngành chăn nuôi gia cầm còn tốt và cần phải tập trung thúc đẩy".
Phát triển chăn nuôi gia cầm hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Thành Trung/BNEWS

Ngày 12/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị "Thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sản phẩm gia cầm" với sự tham gia của 32 địa phương có tổng đàn gia cầm lớn và các doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Dư địa phát triển ngành chăn nuôi gia cầm còn tốt và cần phải tập trung thúc đẩy. Nhưng để đảm bảo hiệu quả bền vững thì cần phải chú ý tất cả các khâu trong chuỗi liên kết từ con giống, quy trình, tổ chức sản xuất, kiểm soát dịch bệnh và tổ chức thị trường.... làm sao để khai thác tốt lợi thế của ngành hàng gia cầm nói riêng và chăn nuôi nói chung".

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi đạt được những thành tựu to lớn. Cụ thể, tổng sản lượng thịt đạt trên 5 triệu tấn, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và dành một phần cho xuất khẩu.

"Chủ trương của Bộ tới đây là tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành hàng chăn nuôi gia cầm, bởi ngành hàng này còn rất nhiều dư địa. Trong tổng số hơn 5 triệu tấn thịt các loại thì gia cầm chiếm khoảng 2% sản lượng; trong khi đó, bình quân tiêu dùng người Việt Nam so với thế giới đang ở mức thấp hơn. Do đó, xác định nhu cầu này có thể tăng lên được" - Bộ trưởng Cường nói.

Bên cạnh đó, những năm qua, trong chuỗi chăn nuôi đã tạo được hệ sinh thái từ giống cho đến quy trình chăn nuôi, phân khúc chăn nuôi... đều có các loại vật nuôi phù hợp với các tiểu vùng sinh thái.

"Có thể khẳng định rằng, chúng ta đã có đầy đủ các yếu tố để thúc đẩy ngành hàng này phát triển nhanh hơn nhằm đáp ứng cho thị trường thời gian tới, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp tại nước ta. Tới đây, nếu tổ chức sản xuất không tốt thì sẽ bị thiếu hụt nguồn cung thịt lợn. Do đó, đây sẽ là giải pháp bù đắp cho giai đoạn đầu khi tổng đàn lợn chưa có đủ điều kiện an toàn" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đưa ra các giải pháp cho ngành chăn nuôi gia cầm như: trước mắt, đề nghị các địa phương phải kiểm soát thật chặt chẽ, kể cả trong các chuỗi chăn nuôi. Con giống phải quản lý được, chất lượng phải đảm bảo cho từng phân khúc, kể cả nhu cầu thịt, trứng...

Bên cạnh đó, quy trình chăn nuôi phải kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt đảm bảo an toàn về thú y. "Nếu quy mô đàn tăng lên, cộng với kiểm soát không tốt... dịch bệnh xảy ra, nhất là các chủng H5 thì rất nguy hiểm" - Bộ trưởng Cường lo ngại.

Một giải pháp nữa là tổ chức tốt khâu chế biến. Hai năm gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn đã cùng với bà con nông dân các địa phương xây dựng được nhiều nhà máy chế biến có công nghệ tiên tiến. Tuy nhiên, so với tổng sản lượng thịt, yêu cầu, tổ chức thị trường theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá, so với xuất khẩu thì số nhà máy chế biến đó là chưa đủ.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, thời gian tới các doanh nghiệp phối hợp với bà con nông dân, cùng với các tổ chức ngành hàng đầu tư nhiều hơn nữa các nhà máy chế biến. Trên cơ sở đó, tạo dựng chuỗi giá trị dài hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý các nhà quản lý, doanh nghiệp cần chú ý hơn nữa về 2 thị trường (trong nước và xuất khẩu). Đặc biệt, gần đây thông qua nhóm tổ hợp của Tập đoàn Hùng Nhơn, De Heus đã xuất khẩu được sản phẩm thịt gà sang Nhật Bản. Trong năm 2019 sẽ có thêm một số doanh nghiệp nữa như Công ty cổ phần chăn nuôi CP tham gia xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Đồng thời, phải coi trọng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, với dân số gần 100 triệu người và nền kinh tế tăng trưởng ổn định, Việt Nam là thị trường vô cùng tiềm năng của ngành chăn nuôi gia cầm. So với các nước trong khu vực, Việt Nam tiêu thụ thịt gà ở mức chưa nhiều và còn có xu hướng tăng cao.

So với các nước trong khu vực và thế giới, sản lượng tiêu thụ trứng gà của người dân Việt Nam còn rất thấp, chỉ ở mức 110 - 120 quả/người/năm. Trong khi đó, ở các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia, sản lượng này ở mức từ 250 - 340 quả/người/năm.

Đối với thị trường thế giới, dựa trên lợi thế so sánh về ưu thế sản xuất, lợi thế về thương mại (có Hiệp định thương mại tự do, cự ly vận chuyển gần…) ngành thịt gia cầm của Việt Nam có thể xác định các thị trường quốc tế mục tiêu là: Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines. Bên cạnh đó, các thị trường tiềm năng là: Ả Rập Xê Út, Nam Phi, UAE.

Đối với sản phẩm trứng gia cầm, cần tập trung cho thị trường truyền thống là các nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Do đó, ông Toản cho rằng, cần chia phân khúc khi xác định thị trường mục tiêu cho sản xuất và kinh doanh sản phẩm gia cầm. Cụ thể, gia cầm ngoài gà (vịt, ngan, ngỗng) là nhóm sản phẩm chưa bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu, gà lông màu là thế mạnh của sản xuất trong nước.

Đối với phân khúc còn lại, cần phân loại sản phẩm để hướng tới các đối tượng tiêu dùng khác nhau. Cụ thể, các sản phẩm như: ức gà, lườn gà hướng tới xuất khẩu vì người tiêu dùng các nước ưa chuộng nên có giá cả rất cao; thịt đùi, cánh gà hướng tới người tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hơn các nhà máy sản xuất và chế biến gia cầm theo tiêu chuẩn 3F (FEED – FARM – FOOD)...

Đối với thị trường quốc tế, trước mắt phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao như: trứng muối, thịt gà, thịt vịt đã qua chế biến nhiệt. Đồng thời, cần đầu tư nghiên cứu sâu nhằm gắn sản xuất với nhu cầu và yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã có sản phẩm gia cầm xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các sản phẩm. Cũng như, tiếp tục mở thị trường và xuất khẩu sản phẩm gia cầm vào các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines...

Đại diện Công ty cổ phần chăn nuôi CP cho biết, để đón bắt cơ hội xuất khẩu, hiện công ty đã xây dựng dự án xuất khẩu giai đoạn 1 với quy mô 50 triệu con gà thịt/năm. Theo kế hoạch, công ty sẽ xuất khẩu lô hàng đầu tiên vào tháng 6/2020 sang thị trường Nhật Bản với sản lượng 3.000 tấn/tháng, sau đó sẽ mở rộng sang các quốc gia châu Á, châu Âu.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH De Heus - doanh nghiệp đang xuất khẩu thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản đề xuất, để đẩy mạnh xuất khẩu trong tương lai, đầu tiên phải xây dựng được các vùng an toàn dịch bệnh và có các cơ chế phù hợp để bảo vệ những trang trại chăn nuôi, đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn đối với những nhà nhập khẩu của các nước.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, những năm qua chăn nuôi gia cầm đã có những bước phát triển nhảy vọt. Từ chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ, tự phát, dần dần chuyển thành chăn nuôi tập trung với quy mô lớn hơn; Năng suất và chất lượng sản phẩm ngày càng tăng, cho lợi nhuận ngày càng nhiều. Số đầu gia cầm tăng bình quân mỗi năm trên 6%. Sản lượng thịt hơi của gia cầm đạt trên 1 triệu tấn, trứng đạt trên 11 tỷ quả.

Việt Nam hiện đã xuất khẩu giống gia cầm đạt từ 1,25 - 1,5 triệu con. Đối với sản phẩm gia cầm đã qua chế biến xuất khẩu (trứng vịt muối) duy trì mỗi năm khoảng từ 10 đến 15 triệu quả. Thịt gà qua chế biến bắt đầu xuất khẩu từ tháng 9/2017, năm 2018 đạt gần 8.000 tấn. Ngoài ra, còn xuất khẩu trứng chim cút đóng hộp, gà ác tiềm, lòng đỏ trứng vịt muối, trứng vịt muối luộc và bột trứng.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm vẫn còn những bất cập như: chưa có hệ thống đồng bộ quản lý nhà nước về giống vật nuôi từ Trung ương đến địa phương. Năng suất chất lượng con giống trong sản xuất chăn nuôi hiện nay còn hạn chế. Chất lượng giống của một số cơ sở giống không đảm bảo chất lượng. Các khâu trong sản xuất còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục