Dư địa tăng trưởng mới cho doanh nghiệp xây dựng

17:03' - 14/02/2025
BNEWS Giới phân tích đánh giá triển vọng năm 2025 của ngành xây dựng tích cực nhờ sự phục hồi diện rộng của thị trường bất động sản và dòng vốn FDI ổn định.

Bên cạnh đó, việc cải thiện pháp lý và nguồn cung bất động sản, dự kiến sẽ dần phản ánh vào kết quả kinh doanh, với điểm rơi doanh thu và lợi nhuận tập trung vào quý IV/2025.

Tuy nhiên, ngành xây dựng vẫn đối mặt với thách thức về thanh khoản do chiếm dụng vốn kéo dài và biên lợi nhuận gộp mỏng do áp lực cạnh tranh và biến động giá nguyên vật liệu.

 

Công ty Nghiên cứu, phân tích kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính và các ngành công nghiệp BMI dự phóng năm 2025, tăng trưởng thực của nhóm xây dựng dân dụng - công nghiệp đạt 8,2% (tăng 1 điểm phần trăm so với năm 2024) nhờ thị trường bất động sản dân dụng cải thiện và dòng vốn FDI duy trì ổn định.

Động lực này được tiếp nối từ năm 2024, do hoạt động xây dựng công nghiệp được thúc đẩy nhờ FDI thực hiện tăng 8,8% so với cùng kỳ và một số các dự án bất động sản vướng mắc pháp lý được tái triển khai.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), nhóm xây dựng nhà ở, các nhà phát triển bất động sản sẽ được tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án nhờ cải thiện pháp lý trên diện rộng và tăng khả năng tiếp cận tín dụng khi rủi ro ngành bất động sản được giảm thiểu.

Cụ thể, các bộ luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở đang kỳ vọng sẽ giải quyết các vướng mắc pháp lý cho các dự án tồn đọng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án mới, qua đó mang lại nguồn công việc cho các doanh nghiệp xây dựng dân dụng.

Tuy nhiên, FPTS cũng cho rằng các doanh nghiệp trong ngành sẽ cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh thực tế, khi sự phục hồi của thị trường bất động sản dân dụng trong năm 2024 vẫn mang tính cục bộ khiến nguồn cung chưa có sự cải thiện đáng kể.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng, các doanh nghiệp sẽ có thêm các hợp đồng vào nửa đầu năm và đạt điểm rơi doanh thu và lợi nhuận vào quý IV/2024, do quý cuối năm thường là thời điểm chốt nghiệm thu các dự án.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong khi nhóm xây dựng nhà ở phục hồi chậm, mảng xây dựng công nghiệp tiếp tục là điểm sáng nhờ FDI dự báo tăng trưởng ở mức khá trong năm 2025.

Năm 2024, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 38,23 tỷ USD, thấp hơn 3% so với năm 2023, theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư). Điểm sáng là vốn FDI thực hiện tăng 9,4%, đạt 25,35 tỷ USD. Vốn điều chỉnh cũng tăng cả về số lượt dự án (11,2%), lẫn giá trị (50,4%).

Đáng chú ý, bước sang năm 2025, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng đầu năm đã có hơn 4,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.

Dòng vốn FDI không chỉ hỗ trợ các dự án xây dựng nhà xưởng, nhà kho, mà còn thúc đẩy nhu cầu mở rộng tại các khu công nghiệp trọng điểm, kỳ vọng mang lại nhiều hợp đồng mới cho nhóm xây dựng công nghiệp trong năm 2025.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng đang trên quá trình phục hồi lợi nhuận. Có thể kể đến trường hợp Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) khi quý IV/2024, doanh nghiệp này đạt doanh thu cao nhất 20 quý.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm tài chính 2025 (tức quý IV/2024) của CTD, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 6.886 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2023.

Lợi nhuận gộp đạt 202 tỷ đồng, tăng 19%, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 2,93%. CTD lãi sau thuế 106 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Đây là những con số doanh thu, lợi nhuận cao nhất của CTD kể từ đầu năm 2020 tới nay.

Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán: VCG) đạt doanh thu 12.873 tỷ đồng (tăng 1,3%) năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế của Vinaconex tăng 155% lên 1.420 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Chứng khoán An Bình cho biết (ABS), ngành xây dựng năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Năm 2024, tăng trưởng ngành xây dựng đạt khoảng 7,8 - 8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,4 – 7,3%).

Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất ngành xây dựng đạt được từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng của ngành phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, tiến độ tháo gỡ vướng mắc, triển khai các dự án đầu tư công. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%.

Tuy nhiên, ngành xây dựng mang tính chu kỳ kinh tế cao, không chủ động về yếu tố đầu vào và nguồn cung dự án. Nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng chịu ảnh hưởng nhiều từ chính sách đầu tư công và nhu cầu xây dựng dân dụng chịu ảnh hưởng nhiều từ ngành bất động sản.

ABS cũng cho rằng, tín dụng tỷ lệ nợ vay của ngành cao do đặc thù bị chiếm dụng vốn lưu động. Bên cạnh đó, ngành còn chịu biến động chi phí nguyên vật liệu xây dựng: Các nhà thầu xây dựng phải chịu phần lớn rủi ro biến động đầu vào, chiếm tới xấp xỉ 70% chi phí xây dựng.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán FPT (FPTS), mặc dù triển vọng năm 2025 tích cực, ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể là việc chiếm dụng vốn kéo dài. 

Trong năm 2024, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, giảm áp lực về chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Tuy vậy, vấn đề thanh khoản vẫn là rào cản lớn. Tỷ lệ khoản phải thu/doanh thu vẫn duy trì ở mức rất cao (xấp xỉ 3,8 lần, giảm nhẹ so với 3,92 lần trong năm 2023), phản ánh vấn đề chiếm dụng vốn đặc thù của ngành.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành xây dựng phải cạnh tranh gay gắt và biến động giá nguyên vật liệu. Ngành xây dựng đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn trong đấu thầu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung dự án vẫn chưa thực sự bùng nổ, khiến biên lợi nhuận gộp rất mỏng (ở mức 5-7%). Do đó, rủi ro biến động giá nguyên vật liệu xây dựng tiếp tục là vấn đề cần lưu ý.

FPTS kỳ vọng, các yếu tố tích cực từ việc cải thiện pháp lý, giảm rủi ro ngành bất động sản và tăng trưởng FDI sẽ giúp mảng xây dựng dân dụng - công nghiệp duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025. Tuy nhiên, khả năng quản trị dòng tiền và kiểm soát chi phí sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp xây dựng trong năm nay.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục