Dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may thấp hơn năm 2019 khoảng 20%

17:13' - 24/06/2020
BNEWS Dịch COVID -19 khiến hoạt động sản xuất, thương mại toàn cầu bị đình trệ, gián đoạn, thậm chí phá vỡ cả chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng; trong đó có dệt may.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành dệt may Việt Nam ước tính thiệt hại trên 12.000 tỷ đồng và con số này sẽ tiếp tục gia tăng nếu dịch bệnh không được khống chế sớm.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Giải pháp đa dạng hóa nguồn cung ứng nguyên liệu và tăng cường năng lực phát triển bền vững tham gia chuỗi dệt may toàn cầu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh (VCCI – HCM)  phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức, ngày 24/6.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, dựa trên kết quả xuất khẩu năm 2019, ngành dệt may Việt Nam đã đặt mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm 2020.

Tuy nhiên, ngay từ đầu năm, khi dịch COVID -19 xuất hiện và lây lan trên diện rộng đã khiến mục tiêu trên trở thành “bong bóng”, Hiệp hội đã phải điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu năm nay xuống 34 tỷ USD nhưng vẫn rất khó để hoàn thành.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến hết tháng 6, kim ngạch xuất khẩu dệt may mới đạt 12 tỷ USD. Hầu hết doanh nghiệp đang trong tình trạng tìm mọi cách duy trì hoạt động ở mức 50% công suất.

Thu nhập người lao động trong ngành đã giảm tới 40% nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang phải nợ lương, giãn thời gian trả lương cho công nhân.

Theo phân tích của bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, tới thời điểm này, tác động của dịch COVID -19 đến ngành dệt may Việt Nam có thể chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ khi khởi phát đến giữa tháng 3/2020, doanh nghiệp chỉ mới quan ngại về nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh chưa thật rõ ràng.

Doanh nghiệp vẫn có lượng hàng đã đặt từ trước, đơn hàng được chốt tới tháng 4 và tháng 5 của năm; một số doanh nghiệp còn ký được đơn hàng tới tháng 7 và tháng 8/2020.

Giai đoạn 2 từ 11/3/2020 - 22/4/2020 (thời gian Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội) khi nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi nhưng dịch bùng phát mạnh tại Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) là hai thị trường trường xuất khẩu lớn, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Điều này khiến nhu cầu mua bán hàng dệt may tại hai thị trường này sụt giảm đột ngột. Nguồn cầu dệt may bị cắt giảm đột ngột.

Các nhãn hàng lớn nhỏ đồng loạt dừng hoặc cắt tất cả các đơn hàng và đóng cửa hệ thống bán lẻ. Trong khi đó, doanh nghiệp đã chi không ít tiền cho việc mua nguyên phụ liệu từ trước.

Đây là giai đoạn khó khăn và doanh nghiệp dệt may chịu thiệt hại nặng nề nhất với 70% tỷ lệ doanh nghiệp phải cắt giảm việc ngay và 80%  doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động.

Giai đoạn 3, từ sau giãn cách xã hội đến nay, một số nhãn hàng bắt đầu đặt hàng trở lại; cá biệt xuất hiện nhu cầu tìm mua quần áo thời trang đã sản xuất nhưng chưa xuất khẩu được…

Tuy nhiên, khoảng 80% doanh nghiệp vẫn rất khó khăn do không đủ việc làm. Thị trường đồ bảo hộ y tế sôi động nhưng đó không phải là thế mạnh của ngành dệt may.

Ở thời điểm này, thị trường khẩu trang vải kháng khuẩn trong nước cũng đã bảo hòa. Doanh nghiệp mong muốn xuất khẩu khẩu trang vải, khẩu trang y tế sang Mỹ và EU nhưng còn vướng các giấy chứng nhận FDA, CE…

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nhận định: “Nhìn chung khó khăn của ngành dệt may sẽ còn kéo dài, tỷ lệ doanh nghiệp bị phá sản, đóng cửa, số công nhân bị mất việc làm chưa có số liệu chính xác nhưng ước tính đến hết tháng 6 thiệt hại của ngành dệt may do dịch COVID -19 có thể lên tới hơn 12.000 tỷ đồng”.

Thông tin thêm về thiệt hại do dịch COVID -19 gây ra, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI – HCM cho biết, dịch COVID -19 bùng phát và sự lây lan nhanh đã khiến kinh tế toàn cầu trì trệ, tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.

Theo khảo sát của VCCI, dệt may là một trong những ngành chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.

Đến thời điểm này, tình hình huỷ, dừng, tạm ngừng đơn hàng vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, diễn biến dịch trên thế giới tiếp tục phức tạp, một số quốc gia từng kiểm soát được mức độ lây lan như Trung Quốc, Nhật Bản… cũng đang đối mặt với nguy cơ bùng phát trở lại.

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may cả năm 2020 sẽ thấp hơn năm 2019 khoảng 20%, tỷ lệ hoạt động cả năm của doanh nghiệp chỉ ở mức 70%-75% công suất với giả thiết sản xuất bình thường từ tháng 6 trở đi.

Nhưng do nhu cầu thị trường thấp nên khả năng sẽ dẫn tới 1 đợt giảm giá mạnh toàn cầu với dự kiến đơn giá giảm trên 20%.

Một số doanh nghiệp có điều kiện phù hợp đã nhanh chóng thích nghi bằng cách chuyển sang may khẩu trang với hy vọng sẽ duy trì được việc làm cho công nhân.

Tuy nhiên, hiện nay khi thị trường trong nước đã bão hòa, xuất khẩu gặp nhiều rào cản, khẩu trang chỉ là giải pháp tạm thời, không đảm bảo được cho các doanh nghiệp may duy trì đến hết năm 2020.

“Việc thiếu đơn hàng khiến 30% công nhân ngành dệt may thiếu việc trong tháng 4; 50% thiếu việc trong tháng 5 với mức lương tối thiểu theo luật, bình quân 4,2 triệu đồng/tháng. Tổng thiệt hại ước tính trên 5.000 tỷ đồng, cộng dồn với thiệt hại do tồn kho nguyên liệu mua trước, sản phẩm bị hoãn, hủy đơn hàng thì 6 tháng đầu năm vừa qua, toàn ngành dệt may đã mất từ 11.000 - 12.000 tỷ đồng. Đáng nói là con số này chưa dừng lại, nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục kéo dài thêm, mỗi tháng ngành thiệt hại sẽ tiếp tục thêm khoảng 3.000 tỷ đồng.”, ông Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, dù có nhiều kịch bản kết thúc dịch bệnh và phục hồi khác nhau của kinh tế thế giới nhưng dệt may Việt Nam vẫn được dự báo có 1 năm suy giảm kim ngạch xuất khẩu khá sâu; trong đó, kịch bản tốt nhất khi hoat động sản xuất, thương mại được phục hồi từ tháng 6 thì khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu  đạt khoảng 35 tỷ USD, giảm 10% so với năm trước; kịch bản hiện thực là xuất khẩu đạt khoảng 33,5 tỷ USD và trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục phức tạp, xuất khẩu dệt may khả năng chỉ đạt 30 - 31 tỷ USD.

Theo các chuyên gia, dịch bệnh là cú sốc bất khả kháng và nằm ngoài khả năng dự báo của doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý.

Trong bối cảnh đó, vận dụng mọi phương án để bảo toàn nguồn lực từ nhân lực, thị trường, tài chính... được cho là giải pháp an toàn để doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng dịch COVID -19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục