Dự kiến sản lượng ép mía đạt 15 triệu tấn niên vụ 2016-2017

20:44' - 27/08/2016
BNEWS Niên vụ năm 2016-2017, cả nước có 40 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế 155.300 tấn mía/ngày, dự kiến sản lượng ép mía đạt 15 triệu tấn, sản lượng đường kết tinh đạt trên 1,4 triệu tấn.
Toàn cảnh hội nghị Vụ sản xuất mía đường 2016-2017. Ảnh: TTXVN

Ngày 27/8, tại thành phố Sóc Trăng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Vụ sản xuất mía đường 2016-2017.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các nhà khoa học, nhà quản lý chuyên ngành mía đường và đại diện các công ty, doanh nghiệp, nông trường, nhà máy đường trong cả nước…

Theo ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hội nghị là dịp để hiệp hội rút kinh nghiệm về vụ mía đường năm trước, thảo luận tìm ra các giải pháp và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất triển khai vụ sản xuất mía đường niên vụ 2016-2017 sắp tới.

Ngoài ra, các đại biểu còn được nghe báo cáo các chuyên đề kinh nghiệm sản xuất, giải pháp thực hiện của một số nông trường, công ty hoạt động có hiệu quả; thảo luận về Dự thảo Quy hoạch phát triển mía đường, định hướng phát triển ngành mía đường đến năm 2020 tầm nhìn 2030…

Báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kế hoạch dự kiến trong niên vụ năm 2015-2016, sản lượng mía đường đạt trên 14.,4 triệu tấn mía và 1,56 triệu tấn đường, nhưng do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn nên sản lượng đường của cả vụ chỉ đạt trên 12,93 triệu tấn mía và gần 1,24 triệu tấn đường.

Do đó, có thời điểm giá đường trên thị trường có lúc tăng cao đột biến.

Niên vụ năm 2016-2017, cả nước có 40 nhà máy hoạt động với tổng công suất thiết kế 155.300 tấn mía/ngày.

Các nhà máy đã hợp đồng bao tiêu mía với diện tích gần 240.000 ha, dự kiến sản lượng ép mía đạt 15 triệu tấn, sản lượng đường kết tinh đạt trên 1,4 triệu tấn.

Để đạt được kế hoạch đề ra, theo bà Vũ Thị Huyền Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiệp hội đã đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

Cụ thể, tiếp tục đầu tư vùng nguyên liệu, hình thành cánh đồng mía lớn; có kế hoạch, giải pháp nâng dần tỷ lệ giống mía mới để đến năm 2020 không còn giống mía cũ năng suất thấp.

Đồng thời đẩy mạnh cơ giới hóa, có chính sách hỗ trợ cho nông dân đầu tư đồng bộ trong khâu làm đất, trồng mía, thu hoạch để có năng suất mía cao, chất lượng mía tốt, mía nguyên liệu tươi góp phần nâng cao thu hồi, tăng chất lượng đường.

Bên cạnh đó, hiệp hội phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp có biện pháp đầu tư thủy lợi phục vụ vùng mía nguyên liệu, có chính sách bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường; quan tâm chính sách đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành mía đường…

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nghe báo cáo về hiệu quả hoạt động, kinh nghiệm sử dụng cơ giới hóa và tưới tiết kiệm nước trong trồng mía của Nông trường Thành Long (Tây Ninh).

Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Giám đốc Nông trường Thành Long, hiện nông trường đã áp dụng cơ giới hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới từ khâu làm đất bằng máy công suất lớn, bón phân, xử lý cỏ đến khâu thu hoạch.

Bên cạnh đó áp dụng cày sâu kết hợp trồng bằng máy trồng mía cắt khúc.

Nhờ đó đã góp phần đưa năng suất bình quân từ 65 tấn/ha vài năm trước lên 98 tấn/ha niên vụ 2015-2016. Sau khi trừ chi phí khấu hao, nhiên liệu, nhân công, công ty đạt mức lãi khoảng 13-15 triệu đồng/ha.

Những giải pháp cơ giới hóa cho vùng mía không có nước tưới cũng được Nhà máy An Khê (Quảng Ngãi) thực hiện có hiệu quả ở vùng đất dốc, đồi núi, hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời...

Các đại biểu cũng đã thảo luận, trao đổi về kinh nghiệm, biện pháp canh tác mía hiệu quả; tìm ra những giống mía chống hạn mặn; đưa giống mới, cơ giới hóa trong khâu trồng, thu hoạch mía, ổn định giá cả đường trên thị trường để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trồng mía và nhà máy sản xuất…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục