Du lịch ĐBSCL nỗ lực vượt khó * Bài 2: Liên kết, tạo động lực phát triển

09:45' - 01/04/2022
BNEWS Các địa phương trong Cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm.

Xác định việc phục hồi du lịch trong trạng thái bình thường mới vừa là thách thức vừa là cơ hội, các địa phương trong Cụm liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm để phát huy lợi thế sẵn có và bắt kịp với những thay đổi về nhu cầu, tâm lý du khách.

 

Song song đó, các địa phương tăng cường liên kết vùng, kỳ vọng mở thêm các tour, tuyến, phát triển những sản phẩm du lịch mới tạo điểm nhấn vùng miền, thu hút, giữ chân du khách.

* Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, tỉnh tập trung xây dựng, nâng cao giá trị 4 sản phẩm du lịch đặc thù là: Du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa - tâm linh và du lịch làng nghề. Vĩnh Long xác định một trong những giải pháp quan trọng là chỉnh chu lại sản phẩm du lịch đang có và xây dựng những sản phẩm mới đặc trưng của địa phương để nâng cao tính cạnh tranh.

Theo đó, khu vực cù lao An Bình, huyện Long Hồ đã có 2 homestay chuẩn ASEAN, 1 homestay đạt chuẩn điểm du lịch cấp tỉnh. Với mục tiêu hướng đến xây dựng thương hiệu "Đệ nhất homestay", trong năm 2022, tỉnh xây dựng thêm các điểm homestay đạt chuẩn, đồng thời phát triển loại hình du lịch sinh thái, hỗ trợ các homestay quảng bá hình ảnh.

Đặc biệt, tỉnh đang hoàn thiện sản phẩm du lịch "Về Vĩnh Long xem hát bội", phát triển loại hình này thành một sản phẩm thường xuyên, hấp dẫn phục vụ du khách, tạo thêm sức cạnh tranh cho du lịch của tỉnh.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn Vĩnh Long cũng đã tận dụng những sản phẩm đặc trưng của tỉnh để tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến tìm hiểu.

Điển hình như: Khu nhà gốm tại Phường 5, thành phố Vĩnh Long, được đầu tư, xây dựng theo lối nhà xưa với 3 gian 2 chái, có diện tích 300m2 và làm từ 90% nguyên liệu là đất sét nung của địa phương.

Hay căn nhà theo kiểu Nam Bộ truyền thống bằng chất liệu quen thuộc của làng quê là gỗ dừa tại xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ với không gian nội và ngoại thất hoàn toàn được chế tác từ dừa…

Ngoài ra, tỉnh tranh thủ thực hiện các thủ tục, hồ sơ để hoàn thành quy hoạch và triển khai sớm các dự án Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Di sản đương đại Mang Thít, qua đó nó tạo không gian du lịch đặc thù, không thể trộn lẫn giữa du lịch Vĩnh Long với các tỉnh, thành phố trong khu vực…

Với vị trí thuận lợi có 32km bờ biển và nằm trải dài trên dòng sông Tiền, có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy tỏa khắp, tỉnh Tiền Giang chú trọng thực hiện nhiều giải pháp phát triển du lịch ba miền sinh thái: Vùng sinh thái nước mặn, nước ngọt, sông nước và kết hợp sinh thái vùng ngập phèn Đồng Tháp Mười; cảnh quan vườn cây ăn trái; du lịch tâm linh.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân, ngành đã xây dựng kế hoạch phối hợp đơn vị liên quan hỗ trợ chủ các ngôi nhà cổ, các hộ làng nghề khôi phục, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, tỉnh chuẩn bị mở trở lại tour du lịch Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười kết hợp với Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, tạo điểm nhấn du lịch sinh thái - tâm linh đặc trưng của địa phương.

Tỉnh cũng đang tiến hành giai đoạn II phục dựng lại Di tích lịch sử Đám lá tối trời, kết hợp tham quan du lịch biển Tân Thành, các các di tích lịch sử - văn hóa tại thị xã Gò Công với kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng phía Đông của tỉnh.

Còn với vùng trung tâm tỉnh, ngành chuyên môn đã khảo sát tuyến rạch Bà Ngọt (thành phố Mỹ Tho) để đầu tư phát triển tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với khu Quảng trường Hùng Vương - Điền Lan Thôn Trang - chùa Vĩnh Tràng - Làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho và cù lao Thới Sơn để hình thành thêm sản phẩm mới. Vùng phía Tây sẽ sớm khởi động lại điểm nhấn du lịch là Lễ hội Văn hóa - Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp phù hợp tình hình mới...

Trong chuyến đi thực tế, khảo sát tiềm năng phát triển du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang mới đây, đại diện cho 19 công ty du lịch, Giám đốc Công ty Eventis Nguyễn Bá Dũng đánh giá, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, điểm đến trải nghiệm thú vị, đặc biệt điểm nhấn là cánh đồng khóm và các cơ sở sản xuất kẹo khóm.

Bên cạnh đó, địa phương có sự gắn kết du lịch tâm linh với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, ăn uống, câu cá… Đây sẽ là điều kiện để khai thác, đa dạng hóa nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.

Riêng tỉnh Bến Tre, được ví như hòn đảo xanh nằm giữa bốn bề sông nước Cửu Long, thương hiệu "Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa Bến Tre" vẫn luôn là loại hình du lịch hấp dẫn. Theo Đề án phát triển du lịch tỉnh Bến Tre đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đón ít nhất 3,2 - 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 46% - 48%.

Với lợi thế, tiềm năng sẵn có, du lịch tỉnh Bến Tre "níu chân" du khách bằng nhiều hoạt động thú vị đậm chất miệt vườn, mộc mạc như: Chèo xuồng trong rạch, thư thái ngắm hàng dừa nước cùng những cánh bông bần trắng hai bên bờ sông; trải nghiệm một ngày làm nông; tát mương bắt cá…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh, tỉnh hiện có 57 làng nghề (trong đó có 39 làng nghề nông nghiệp) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận, trong đó có các làng nghề đang được quan tâm khai thác để phục vụ khách tham quan du lịch như sản xuất cây giống, hoa kiểng, chế biến cá khô, nấu rượu, làm kẹo dừa…

Ngoài ra, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với nhiều sản phẩm là thế mạnh của tỉnh như bưởi da xanh, sầu riêng, trái cây sấy, mật ong, cá khô, rượu… đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ dừa rất được sự quan tâm và đón nhận từ du khách.

Loại hình du lịch homestay ở Bến Tre cũng thu hút du khách với 41 homestay có sức chứa trên 1.000 khách. Trong thời gian sắp tới, địa phương sẽ tổ chức hội đồng cấp tỉnh để đánh giá công nhận sản phẩm OCOP của nhóm "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch".

Đây là các điểm du lịch, homestay có tiềm năng và đáp ứng các tiêu chuẩn theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

* "Bắt tay" vực dậy ngành du lịch

Tìm giải pháp thích nghi trong trạng thái bình thường mới, các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Cụm liên kết phía Đông đang thúc đẩy mạnh mẽ việc thay đổi, tăng cường liên kết cùng nhau vượt khó.

Với mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2022, các tỉnh trong Cụm đã ký kết chương trình Hợp tác, liên kết phát triển du lịch để thúc đẩy khôi phục và phát triển du lịch phù hợp với tình hình mới.

Trong năm 2022, các tỉnh tiếp tục liên kết hỗ trợ nhau thực hiện những nội dung như: Trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; phối hợp chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch mới, thị trường; đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

Các địa phương trong Cụm tăng cường liên kết xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức các đoàn Famtrip khảo sát các điểm du lịch mới, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong ứng dụng công nghệ 4.0 để quảng bá và kết nối tuyến, điểm du lịch trong bối cảnh mới…

Trên cơ sở các sự kiện, lễ hội và tiềm năng du lịch của từng địa phương với các tỉnh, thành phố trên cả nước, các tỉnh trong Cụm tiếp tục nghiên cứu, tổ chức các sự kiện du lịch chung nhằm tạo sự liên kết, hợp tác xúc tiến, quảng bá tiềm năng du lịch.

Ngay từ những ngày đầu "mở cửa" lại hoạt động du lịch tại địa phương, tỉnh Bến Tre phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh tìm giải pháp đưa du lịch hai địa phương cùng nhau phục hồi và phát triển thông qua hội nghị "Liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bến Tre trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19".

Tại hội nghị này, các đơn vị đã đề xuất một số nội dung về phương hướng hợp tác giữa hai địa phương trong thời gian tới. Trong đó chú trọng tăng cường liên kết giữa hai địa phương và liên kết vùng để tạo nên các sản phẩm chung, chính sách chung phù hợp thị hiếu du khách để trải nghiệm "Một hành trình - nhiều điểm đến", xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch kết hợp với dịch vụ ăn uống, mua sắm phù hợp với các thị trường khách du lịch nội địa và khách quốc tế...

Tỉnh Bến Tre cũng đang tăng cường các hoạt động liên kết vùng với các tỉnh trong Cụm để "kích cầu" du lịch nội địa, chú trọng xây dựng các sản phẩm, chương trình du lịch hấp dẫn, độc đáo.

Tại Tiền Giang, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phối hợp với Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức trên 8 đoàn đến khảo sát các tuyến, điểm du lịch để xây dựng tour, tuyến liên kết phát triển du lịch gắn với mời gọi đầu tư phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá các thị trường du lịch trọng điểm, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý nhà nước về du lịch...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho biết, trong giai đoạn hiện nay, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động du lịch phải năng động, nhạy bén, tận dụng cơ hội đổi mới nội dung, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu du khách trong, ngoài nước.

Doanh nghiệp du lịch cần tích cực nghiên cứu đưa thêm sản phẩm, dịch vụ du lịch mới vào phục vụ, đồng thời đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngành Du lịch đã lên kế hoạch phối hợp đơn vị liên quan xây dựng kết hoạch phát triển các tour, tuyến du lịch mới, tăng cường liên kết với các tỉnh lân cận như Vĩnh Long và Bến Tre để xây dựng những tuyến du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của từng vùng miền.

Với Vĩnh Long, bên cạnh việc thực hiện các nội dung đã ký kết, tỉnh tăng cường quảng bá, kết nối và tham gia học tập kinh nghiệm ở các địa phương trong Cụm để từng bước khôi phục và phát triển du lịch.

Dự kiến trong tháng 4/2022, tỉnh sẽ tổ chức Ngày hội du lịch lần thứ II với chủ đề: "Du lịch Vĩnh Long và các tỉnh Cụm liên kết phát triển du lịch phía đông Đồng bằng sông Cửu Long - Điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn".

Đây là sự kiện nhằm đánh dấu bước khởi động mạnh mẽ của du lịch tỉnh sau thời gian dài khó khăn do dịch bệnh, đồng thời cũng là cơ xúc tiến thương mại, tạo điều kiện quảng bá sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu điểm đến, liên doanh liên kết giữa các tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch trong Cụm với Thành phố Hồ Chí Minh và 2 địa phương Cụm phía Tây (Hậu Giang và Cần Thơ).

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu cho rằng, thời gian qua, giữa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh đã có ký kết liên kết hợp tác phát triển du lịch.

Việc triển khai các nội dung ký kết đã tạo điều kiện, cơ sở để ngành Du lịch các tỉnh phát huy thế mạnh, đưa du lịch từng địa phương phục hồi và phát triển, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm.../. Hết

Xem thêm:

>>Du lịch ĐBSCL nỗ lực vượt khó * Bài 1: Linh hoạt phục hồi, bảo đảm tiêu chí an toàn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục