Mở cửa du lịch - Bài cuối: Tăng khả năng chống chịu rủi ro cho du lịch Việt

08:27' - 01/04/2022
BNEWS Việc mở cửa hoàn toàn ngành du lịch từ ngày 15/3 đang tạo ra cơ hội tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện sau hơn 2 năm đóng băng bởi dịch bệnh.
Tuy nhiên, cần làm gì để tăng khả năng chống chịu và quản trị rủi ro cho du lịch Việt trước những biến cố có thể xảy đến trong tương lai?

Xoay quanh những vấn đề trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch.

Phóng viên: Thưa ông, việc mở cửa du lịch, mở cửa bầu trời có thể được ví như cánh cửa nơi cuối đường hầm đối với ngành du lịch. Tuy nhiên sau gần 2 năm “ngủ đông”, doanh nghiệp du lịch Việt đang gặp phải những khó khăn nào khi tái khởi động?

 
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Hai năm “ngủ đông” là một quãng thời gian rất dài đối với ngành du lịch. Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp phải đối mặt hiện nay là làm sao có được nguồn lực tài chính để nâng cấp cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu của du khách. Bởi sau thời gian dài không vận hành, cơ sở vật chất đã xuống cấp, doanh nghiệp cũng không có nguồn thu để đầu tư sửa chữa, mở rộng quy mô.

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực cũng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Trong 2 năm đóng cửa du lịch, lượng lớn doanh nghiệp du lịch lữ hành dừng hoạt động, hầu hết nhân lực trong ngành phải nghỉ việc, chuyển nghề để mưu sinh. Do đó khi tái khởi động, doanh nghiệp thiếu hụt trầm trọng nhân lực.

Ngoài ra, việc thực thi các chính sách, chủ trương giữa các địa phương còn thiếu nhất quán “khi bật – khi tắt”, gây ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp.

Vừa thiếu tài chính, nhân lực lại vừa phải đối mặt với những chính sách thiếu đồng bộ và thay đổi liên tục giữa các địa phương khiến doanh nghiệp khó chồng khó. Do vậy, đề nghị các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc một cách nhất quán, thực hiện theo chủ trương của Chính phủ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Phóng viên: Về phía khách hàng và các thị trường tiềm năng, các sản phẩm du lịch, phân khúc khách hàng... chắc hẳn cũng sẽ có nhiều thay đổi sau đại dịch phải không, thưa ông?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Sau 2 năm dịch bệnh, nhu cầu của du khách đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nắm bắt kịp thời và sáng tạo các sản phẩm mới, hấp dẫn, phù hợp nhu cầu thiết yếu. Theo đó, xu hướng du lịch hiện nay thường là đi tour theo gia đình, nhóm nhỏ, đến những khu vực không quá đông đúc…

Thêm nữa, nếu các doanh nghiệp lữ hành không có cuộc cách mạng trong tư duy để bắt kịp thị hiếu của khách du lịch thì sẽ rất là khó có thể tồn tại phát triển trong giai đoạn tới. Bởi với sự hỗ trợ công nghệ và sự nhạy bén của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, kết nối trực tiếp giữa khách du lịch với các nhà cung cấp dịch vụ thì có khi họ sẽ không cần đến các doanh nghiệp lữ hành.

Phóng viên: Vậy theo ông đâu là giải pháp để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Như đã chia sẻ ở trên, hai thách thức lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay là nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này, Chính phủ cần có những gói hỗ trợ để doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có được cái nguồn tài tài chính ban đầu để họ phục hồi.

Ở những nơi phát triển du lịch cộng đồng, mỗi gia đình, mỗi homestay cũng cần có những hỗ trợ chỉ khoảng vài ba chục triệu để đầu tư lại chăn, ga, gối, đệm, dọn dẹp, nâng cấp các trang thiết bị xuống cấp…

Bên cạnh đó, việc tổ chức đào tạo nguồn lực cũng rất cần thiết kể cả với nhân lực cũ đã chuyển nghề giờ quay trở lại và lực lượng lao động mới, nhất là ở các nơi phát triển du lịch cộng đồng.

Ngoài ra, chính sách thị thực cần được mở rộng đối với các thị trường trọng điểm, có khả năng chi tiêu cao như thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand… để tạo lực đẩy lớn cho du lịch nước ta.

Phóng viên: Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến rất phức tạp, chúng ta cần chuẩn bị kịch bản cụ thể ra sao để vừa đảm bảo quyền lợi của du khách, vừa hạn chế thấp nhất thiệt hại cho doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh hoạt động trong điều kiện an toàn, thưa ông?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta đang khuyến cáo cho du khách áp dụng các biện pháp an toàn trong quá trình đi du lịch nhưng nếu xảy ra trường hợp dương tính thì thế nào? Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với ngành du lịch, cũng như các bộ ngành liên quan để có những hướng dẫn cụ thể cho khách du lịch khi vào Việt Nam.

Cần có các biện pháp cụ thể để hướng dẫn cho doanh nghiệp xử lý ngay ở các cơ sở y tế địa phương, các khu, điểm du lịch. Hoặc phối hợp giữa các doanh nghiệp lữ hành cùng với cơ sở y tế địa phương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để chữa bệnh cho khách du lịch. Đồng thời, vẫn có các phương án tổ chức cho hành khách không bị lây nhiễm đi du lịch bình thường.

Ngoài ra, cũng nên có định hướng cho các doanh nghiệp lữ hành phối hợp cùng các các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để tạo ra các sản phẩm mới ở các vùng thưa khách du lịch nhưng lại có tiềm năng hấp dẫn. Đây vừa cách tạo cái sức hút mới vừa nhằm phân tán khách du lịch khỏi những khu vực đông đúc, giúp đảm bảo an toàn khách du lịch.

Phóng viên: Để du lịch Việt trở lại đường đua một cách bền vững, tránh cảnh "bật-tắt" khi xảy ra những biến cố như đại dịch vừa qua, ông có đề xuất nào đối với các cơ quan quản lý?

TS. Nguyễn Anh Tuấn: Nhìn sang các quốc gia phát triển du lịch như Thái Lan, Singapore, Malaysia…, khi thực thi các chính sách sách về du lịch bao giờ cũng đồng bộ nhất quán từ trung ương đến địa phương và các bộ ngành. Các doanh nghiệp kết nối với với nhau một cách đồng bộ, thống nhất. Chính nhờ thế mà họ tạo được hiệu quả chung.

Vì thế, theo tôi, quan trọng nhất là sự chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt từ Chính phủ và sự thực hiện nhất quán của các địa phương, tránh những rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và trở thành quốc gia phát triển trong giai đoạn tới.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục