Du lịch Tây Nguyên: Nhiều thế mạnh nhưng chưa được phát huy

06:30' - 05/09/2017
BNEWS Tây Nguyên là khu vực tập trung nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, có khả năng khai thác để trở thành sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm du lịch ở đây còn nhiều hạn chế.
Các chàng trai Xơ Đăng tái hiện những nghi thức trong Lễ bắc máng nước. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

* Nhiều thế mạnh để phát triển du lịch
Tây Nguyên - vùng đất gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực. Nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế.
Tây Nguyên có nền địa hình khá đa dạng, từ vùng núi cao đến các cao nguyên rộng lớn và các thung lũng với những cánh đồng trù phú..., đã tạo cho nơi đây khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm (khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới), với nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều thác ghềnh hiểm trở, nhiều cánh rừng nguyên sinh với giá trị đa dạng sinh học cao...
Tây Nguyên còn là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em, mỗi dân tộc có những giá trị di sản văn hóa khác nhau đã tạo thành một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước. Đó là “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” - kiệt tác và là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ…; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới…); các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo. Tây Nguyên còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc (Ngục Kon Tum, Chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh...).
Với những giá trị đặc sắc về tài nguyên du lịch, Tây Nguyên có thể khai thác để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu Tây Nguyên.
* Chưa phát huy được tiềm năng
Từ đầu năm 2017 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút trên 1,881 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, khách du lịch trong nước tăng 6,6%, khách quốc tế tăng 2,4%, đạt doanh thu trên 2.906 tỷ đồng, tăng gần 14% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, Lâm Đồng vẫn là địa phương có lượng du khách đến nhiều nhất so với các tỉnh trong vùng, chiếm 78,34% so với toàn vùng, kế đến là Đắk Lắk.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, tài nguyên du lịch của Tây Nguyên chưa được khai thác bài bản và còn nhiều bất cập do chưa tận dụng được một cách đầy đủ các lợi thế để thu hút đầu tư cho phát triển du lịch; chưa thực sự gắn khai thác với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa; sản phẩm du lịch chưa có sự khác biệt để hấp dẫn du khách, chưa triển khai việc liên kết phát triển. Cũng bởi thiếu sự liên kết nên việc đầu tư cho du lịch còn dàn trải, thiếu điểm nhấn và thiếu sản phẩm du lịch mang tính đột phá. Điều này khiến cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thiếu kết nối trong xây dựng các tuyến du lịch vùng. Ngoài ra, lao động trong ngành du lịch còn thiếu và kém chất lượng; công tác bảo vệ môi trường chưa được chú trọng…
* Để du lịch Tây Nguyên phát triển bền vững
Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc thu hút khách du lịch cũng như doanh thu từ du lịch vẫn còn thấp so với tiềm năng, thế mạnh của vùng. Các tỉnh Tây Nguyên cần nghiên cứu, tăng thêm các sản phẩm du lịch mới, lạ trên các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, văn hóa nghệ thuật của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ; đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, tổ chức liên kết vùng, liên kết khu vực… Để làm được điều đó, Tây Nguyên cần kêu gọi đầu tư vào du lịch một cách tập trung, không dàn trải. Ưu tiên khai thác các hình thức du lịch gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nhấn mạnh các biện pháp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời khai thác, bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, chú trọng đào tạo lao động ngành du lịch để nâng cao chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh.
Trong thời gian tới, để du lịch Tây Nguyên khởi sắc và phát triển bền vững, theo ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng, các bộ, ngành Trung ương cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch chung của vùng Tây Nguyên trên cơ sở liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp trong vùng và với các địa phương, doanh nghiệp thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ để phát triển hạ tầng du lịch thống nhất nhằm phát huy lợi thế so sánh của các địa phương về đặc thù sinh thái, văn hóa, lợi thế điều kiện tự nhiên. Qua đó để phát triển các sản phẩm du lịch, hình thành các trung tâm, điểm đến, chương trình, tuyến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, lan tỏa tới các vùng khác. Việc đẩy mạnh liên kết các sản phẩm trong các dòng sản phẩm giữa các tỉnh nhằm tạo ra những bộ sản phẩm du lịch tổng hợp trong cả vùng. Kết nối các sản phẩm du lịch ở các địa phương có hoạt động du lịch sôi nổi, sản phẩm có quá trình phát triển lâu dài gắn với những sản phẩm du lịch mới ở cấp địa phương.
Phát triển du lịch bền vững ở Tây Nguyên sẽ kéo theo sự ổn định về kinh tế-xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo sự bình đẳng xã hội, giảm đói nghèo, nâng cao ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp về tôn trọng các nền văn hóa khác nhau, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục