Dữ liệu bùng nổ cùng những thách thức về bảo mật

09:07' - 03/12/2023
BNEWS Giữa bối cảnh bùng nổ công nghệ hiện thời, các tổ chức đang gặp rất nhiều khó khăn về bảo mật để có thể thích ứng và theo kịp sự phát triển của các xu hướng công nghệ dữ liệu.
Trong Báo cáo "Tình trạng bảo mật dữ liệu: Hành trình đảm bảo một tương lai không chắc chắn" công ty chuyên về giải pháp bảo mật Rubrik không chỉ trình bày tình trạng hiện tại mà còn dự báo tương lai, cung cấp những hiểu biết quan trọng cho các tổ chức đang gặp khó khăn về bảo mật dữ liệu.

Ông Steve Stone, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Rubrik, cho hay, báo cáo muốn tiếp cận vấn đề dựa trên câu hỏi cốt lõi: “Chúng ta (các tổ chức và doanh nghiệp) thực sự có thể bảo vệ dữ liệu không?”.

 
Trong nỗ lực trả lời câu hỏi đó đồng thời kiểm tra các xu hướng về dữ liệu và bảo mật dữ liệu, Rubrik đã khảo sát các cố vấn công nghệ, giám đốc phụ trách các vấn đề bảo mật và chuyên gia công nghệ thông tin tại 1.600 tổ chức, doanh nghiệp.

Một trong những phát hiện nổi bật nhất là khoảng cách ngày càng lớn giữa tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của công nghệ dữ liệu và khả năng bảo mật dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp. 2/3 các nhà quản lý về công nghệ thông tin được Rubrik khảo sát bày tỏ lo ngại rằng tốc độ tăng trưởng dữ liệu đang vượt khả năng bảo mật của họ.

Tiết lộ này không chỉ là một số liệu thống kê: nó là đại diện cho một thách thức cơ bản trong lĩnh vực bảo mật dữ liệu. Khi khối lượng dữ liệu tăng lên, nhiệm vụ bảo vệ số dữ liệu này càng trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi nhiều tài nguyên, công nghệ tiên tiến và chiến lược đổi mới.

Một vấn đề quan trọng khác được nhấn mạnh trong báo cáo là những khó khăn trong việc nắm bắt dữ liệu. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, dữ liệu không còn bị giới hạn ở một vị trí hoặc trong một loại hình lưu trữ duy nhất. Chúng phân tán trên nhiều nền tảng và môi trường khác nhau, khiến việc giám sát và bảo mật ngày càng khó khăn. Sự phân tán này tạo ra các “điểm mù”, hay những lỗ hổng bảo mật rất lớn. Có tới 98% lãnh đạo cấp cao trong khảo sát thừa nhận các vấn đề về khả năng nắm bắt dữ liệu, đồng thời nhấn mạnh việc cần thiết phải thay đổi mô hình theo dõi và quản lý dữ liệu.

Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ mất mát dữ liệu quan trọng ở mức đáng báo động. Hơn 50% số tổ chức được khảo sát cho biết họ mất những dữ liệu rất nhạy cảm vào năm 2022. Thống kê này là một lời nhắc nhở nghiêm túc về các lỗ hổng tồn tại trong các chiến lược bảo vệ dữ liệu hiện tại. Đó không chỉ là những mối đe dọa từ bên ngoài, vì việc mất dữ liệu cũng có thể xuất phát từ nội bộ các tổ chức và doanh nghiệp dù vô tình hay cố ý. Rủi ro đa chiều này đòi hỏi một cách tiếp cận mạnh mẽ và đa tầng để các tổ chức có thể bảo mật dữ liệu hiệu quả.

Báo cáo của Rubrik dự báo khối lượng dữ liệu của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể. Một tổ chức điển hình dự kiến sẽ có hơn 10 triệu bản ghi dữ liệu nhạy cảm mới cần bảo mật trong một năm. Con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 150 triệu bản ghi mới trong vòng 5 năm tới. Dự báo này không chỉ là một kịch bản trong tương lai. Đó là một thực tế sắp xảy ra mà các tổ chức cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Dữ liệu nhạy cảm đòi hỏi các biện pháp bảo mật nâng cao, đồng nghĩa cần có các giao thức bảo mật nghiêm ngặt hơn.

Nhưng báo cáo của Rubrik cho thấy các chiến lược và cơ sở hạ tầng hiện tại chưa được trang bị đầy đủ để xử lý mức tăng vọt về dữ liệu nhạy cảm này, dẫn đến nhiều rủi ro và lỗ hổng bảo mật tiềm ẩn.

Một trong những phát hiện đáng lo ngại nhất là sự trì trệ, thậm chí suy giảm về các điểm số đánh giá mức độ bảo mật dữ liệu của các tổ chức. Bất chấp đà tăng trưởng theo cấp số nhân về khối lượng dữ liệu quan trọng, các biện pháp cải thiện khả năng bảo mật tại các tổ chức chỉ tăng rất hạn chế. Chính sự chênh lệch này cho thấy các chiến lược bảo mật hiện tại có thể không đủ linh hoạt hoặc đổi mới để theo kịp tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão.

Tuy nhiên, báo cáo của Rubik không chỉ gồm những cảnh báo đang lo ngại. Các tổ chức và doanh nghiệp vẫn có thể bảo vệ dữ liệu của mình với cách tiếp cận đúng đắn. Chúng không nhất thiết phụ thuộc vào công nghệ mới hoặc tăng ngân sách mà phần lớn dựa vào các biện pháp bảo mật, quản lý dữ liệu hiệu quả. Tăng cường khả năng nắm bắt và kiểm soát dữ liệu bất kể chúng được lưu trữ tại đâu, cũng như giảm thiểu dữ liệu dư thừa có thể giúp hạn chế đáng kể những rủi ro.

Về tổng thể, báo cáo của Rubik nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về sự thay đổi trong cách quản lý và bảo vệ dữ liệu. Bằng cách hiểu rõ những thách thức và thích ứng với bối cảnh luôn thay đổi, các tổ chức và doanh nghiệp có thể xây dựng hệ thống phòng thủ mạnh mẽ, hiệu quả hơn trước làn sóng đe dọa bảo mật dữ liệu đang ngày càng gia tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục