Dữ liệu kinh tế Trung Quốc không nhiều điểm sáng kéo chứng khoán châu Á đi xuống

16:50' - 17/06/2024
BNEWS Những dữ liệu kinh tế trái chiều của Trung Quốc đã kéo thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên giao dịch chiều ngày 17/6.

Chứng khoán châu Á tiếp tục đi xuống

Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục kéo dài đà giảm từ phiên giao dịch sáng ngày 17/6 sang phiên chiều nay. Đóng cửa giao dịch, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản đã mất 712,12 điểm, tương đương 1,83%, chạm ngưỡng 38.102,44 điểm.

Trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải giảm 16,74 điểm, tương đương 0,55%, còn 3.015,89 điểm. Trong khi, chỉ số Hang Seng trên sàn Hong Kong mất 5,66 điểm, tương đương 0,03%, còn 17.936,12 điểm. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc (đo lường giá trị cổ phiếu của 300 công ty đại chúng lớn nhất) đóng cửa giảm 0,15%, dừng ở mức 3.536,2 điểm.

Các dữ liệu kinh tế trái chiều của Trung Quốc được xem là tác nhân chính ngăn chặn đà mua vào trên các thị trường chứng khoán. Hơn nữa, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức ngân hàng trung ương) giữ nguyên lãi suất kỳ hạn cho vay một năm đã dập tắt một số suy đoán về việc cơ quan này sẽ cắt giảm lãi suất, sau khi dữ liệu cho vay của các ngân hang thương mại thấp đáng ngạc nhiên.

Trên các thị trường chứng khoán khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các chỉ số chứng khoán chính như Kospi của Hàn Quốc, ASX 200 của Australia… đều ngập trong sắc đỏ.

 

Tại châu Âu và Mỹ, chỉ số chứng khoán toàn châu Âu Eurostoxx 50 phục hồi 0,3% sau đợt giảm mạnh vào tuần trước, trong khi chỉ số S&P 500 giữ ổn định và chỉ số Nasdaq tăng 0,1% sau khi thiết lập kỷ lục vào tuần trước.

Hiện các thị trường đang chờ dữ liệu về doanh số bán lẻ mới nhất của Mỹ, sẽ được công bố ngày 18/6, và một loạt các phát biểu từ ít nhất 10 nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), sẽ diễn ra trong tuần này, để làm cơ sở cho các quyết định đầu tư tiếp theo.

Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên chiều nay (17/6), chỉ số VN-Index giảm 5,14 điểm (0,4%) còn 1.274,77 điểm, còn chỉ số HNX-Index mất 0,8 điểm (0,33%) xuống 243,16 điểm.

Giá dầu phục hồi nhẹ

Khác với những diễn biến trên thị trường chứng khoán, giá dầu châu Á phục hồi nhẹ trong phiên chiều ngày 17/6, sau khi dữ liệu kinh tế mới nhất của Trung Quốc được phát hành cho thấy có một vài tín hiệu phục hồi mới từ nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, bù đắp cho triển vọng nhu cầu đi lại tăng thấp trong mùa Hè sắp tới tại các nước Bắc Bán Cầu.

Tính đến 15 giờ 14 phút chiều nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển bắc giao kỳ hạn tháng 8/2024 được giao dịch ở mức 82,68 USD/thùng, tăng 6 xu Mỹ so với phiên trước. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao cùng kỳ hạn đạt 78,47 USD/thùng, tăng 2 xu Mỹ.

Tuần trước, cả hai loại dầu chuẩn này đều ghi nhận tuần tăng đầu tiên trong 4 tuần nhờ niềm tin ngày càng cao rằng lượng tồn kho dầu sẽ giảm khi mùa Hè đang diễn ra ở Bắc Bán Cầu. Nhưng trong phiên cuối tuần 14/6, giá dầu đã đảo chiều đi xuống sau khi cuộc khảo sát cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 6/2024 đã giảm xuống mức thấp nhất của 7 tháng, khiến nhiều hộ gia đình lo ngại về tài chính cá nhân và lạm phát.

Chuyên gia Tony Sycamore, nhà phân tích thị trường tại ngân hàng IG ở Singapore, nhận định chỉ số niềm tin người tiêu dùng Mỹ suy yếu cho thấy khả năng phục hồi tiêu dùng và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bị thử thách, trong bối cảnh các hộ gia đình giảm tiết kiệm do áp lực chi phí sinh hoạt tăng và lãi suất cao.

Tại Trung Quốc, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố sáng ngày 17/6 cho thấy sản lượng dầu thô sản xuất trong nước vào tháng 5/2024 đã tăng 0,6% so với cùng kỳ tháng trước, lên 18,15 triệu tấn. Cũng theo NBS, sản lượng công nghiệp của tháng 5/2024 thấp hơn kỳ vọng và sự suy giảm trong lĩnh vực bất động sản không có dấu hiệu giảm bớt, tạo thêm áp lực buộc chính phủ phải thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, về cơ bản các dữ liệu kinh tế do NBS công bố phần lớn là lạc quan, nhấn mạnh sự phục hồi khó khăn của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước nhập khẩu dầu lớn nhất toàn cầu.

Giá vàng “hạ nhiệt”

Giá hai loại vàng chuẩn trên thị trường châu Á đồng loạt đi xuống trong chiều ngày 17/6, với giá vàng giao ngay giảm 15,84 USD/ounce, tương đương 0,68%, còn 2.316,68 USD/ounce và giá vàng giao kỳ hạn giảm 4,5 USD/ounce, tương đương 0,19%, xuống 2.326,90 USD/ounce.

Hiện các nhà đầu tư đang chờ đợi thêm dữ liệu kinh tế của Mỹ sẽ được công bố trong tuần này, sau khi các báo cáo phát hành tuần trước cho thấy lạm phát đang ổn định và nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.

Nhà phân tích thị trường tài chính Kyle Rodda của sàn giao dịch Capital.com nhận định triển vọng đồng USD bị mất giá, trong khi Fed nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới sẽ tác động tới hướng đi của giá vàng.

Theo công cụ đo lường FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đánh giá khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024 của Fed hiện là 68%, cao hơn so với con số 63% đưa ra ngày 13/6.

Ngày 16/6, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, Neel Kashkari, đã lên tiếng xác nhận những suy đoán của thị trường. Ông cho biết, việc ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất một lần trong năm nay là một “dự đoán hợp lý”, nhưng phải đợi đến tháng 12 mới thực hiện.

Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,5% còn 29,10 USD/ounce, giá bạch kim giảm 0,76%, xuống 950,45 USD/ounce và giá palladium cũng giảm nhẹ 0,08%, còn 889,50 USD/ounce.

Tại thị trường Việt Nam, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chiều ngày 17/6 niêm yết giá vàng SJC ở mức 74,98 - 76,98 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục