Dự thảo Nghị định của Luật Chứng khoán tác động như nào tới các doanh nghiệp?

16:35' - 16/07/2020
BNEWS Các quy định tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán lần này sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp.

Ngày 16/7 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức hội thảo: Lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động về những quy định đang được xây dựng dự thảo và luật hóa.

Cụ thể như việc chào bán, phát hành chứng khoán và chào mua công khai; tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán; công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán; áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán…

Các quy định tại dự thảo lần này sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp có hoạt động liên quan đến chứng khoán nên việc đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật chính là nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của văn bản; cũng như bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp,

Hiện nay, các hoạt động trên thị trường chứng khoán, ngoài việc được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán còn được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật khác có liên quan, đặc biệt là pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư.

Do vậy, một số quy định tại các Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán hiện hành cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ và tương thích với những thay đổi của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

"Từ các căn cứ trên, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán là cần thiết và có cơ sở pháp lý.", ông Tuấn lưu ý.

Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ góp ý về việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo ông Nguyễn Kim Long, cần cân nhắc quy định giao cho tổ chức phát hành xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đồng thời, tổ chức phát hành chỉ có thể xác định đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi chào báo sơ cấp, còn giao dịch thứ cấp giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với nhau cần bên thứ ba xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, tổ chức phát hành không thể tiếp tục xác định các nhà đầu tư khác có phải nhà đầu tư chuyên nghiệp hay không để hỗ trợ giao dịch thứ cấp.

Ông Long đề nghị giao cho tổ chức tài chính trung gian hoặc cơ quan quản lý xác định đối tượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định xử lý các trường hợp nhà đầu tư chứng khoán được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tham gia mua chứng khoán phát hành riêng lẻ, nhưng sau đó không còn đủ điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Ông Long đề xuất cách xử lý trong trường hợp này là nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ chứng khoán đã mua và có thể bán ra chứ không được mua thêm chứng khoán phát hành cho đối tượng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Đại diện Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nêu ý kiến, cần xem xét lại khái niệm tái cơ cấu doanh nghiệp theo dự thảo là đã hợp lý hay chưa vì tái cơ cấu được dùng để chỉ các trường hợp duy trì điều kiện niêm yết, các loại hồ sơ phát hành cổ phiếu ra công chúng….Tuy nhiên, trên thực tế, có công ty tài sản rất lớn, nhưng vốn chủ sở hữu nhỏ và ngược lại.

Hiện nay, các trường hợp chào bán chứng khoán ra công chúng sau tái cơ cấu, điều kiện duy trì niêm yết với các công ty sau hợp nhất, sáp nhập; trong đó, có 1 công ty niêm yết, 1 công ty đã niêm yết nhưng thuộc diện huỷ niêm yết bắt buộc hoặc chưa niêm yết, đều căn cứ trên mức thay đổi 35% tài sản sau quá trình tái cơ cấu… thì có chưa phù hợp.

Bởi, vẫn có nhiều trường hợp, doanh nghiệp thay đổi hoàn toàn về cấu trúc sở hữu, nhưng tổng tài sản không tăng nhiều.

Vì thế, VNDIRECT kiến nghị quy định về thay đổi đổi quy mô vốn chủ sở hữu và các chỉ tiêu kinh doanh sau tái cấu trúc để xét duy trì điều kiện niêm yết hay các trường hợp phát hành.

Liên quan tới điều kiện đăng ký niêm yết cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tại Sở giao dịch chứng khoán, theo đại diện VNDIRECT, cần cân nhắc lại quy định điều kiện của doanh nghiệp niêm yết phải là doanh nghiệp đã chào bán cổ phiếu ra công chúng, cổ phần hóa hoặc đã giao dịch trên Upcom nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đăng ký niêm yết, huy động vốn đầu tư nước ngoài qua thị trường chứng khoán.

Thực tế, một số doanh nghiệp lớn khi có nhu cầu niêm yết hoặc huy động vốn qua giao dịch chứng khoán gắn với niêm yết cổ phiếu ngay trên Sở giao dịch chứng khoán chứ ít khi đăng ký giao dịch trên Upcom vì thị trường Upcom không thực sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, nên tiếp tục nghiên cứu và cân nhắc thêm việc mở rộng điều kiện doanh nghiệp niêm yết không nhất thiết phải là doanh nghiệp đã giao dịch Upcom....

Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia, luật sư và giới nghiên cứu đều có chung nhận định, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán cần tiếp tục được nghiên cứu và hoàn thiện thêm cho phù hợp với thực tiễn khách quan và điều kiện của số đông doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục