Trông chờ điều gì ở Luật Chứng khoán 2019?

13:33' - 16/06/2020
BNEWS Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 tạo cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, tăng niềm tin của thị trường.
Sáng 16/6, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức “Hội nghị phổ biến Luật Chứng khoán năm 2019 và đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Phạm Hồng Sơn, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019 gồm 10 chương, 135 điều với những thay đổi quan trọng và toàn diện. Luật sẽ tạo cơ sở, nền tảng pháp lý cho giai đoạn phát triển mới của thị trường chứng khoán, góp phần cải thiện nguồn cung, thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào thị trường chứng khoán giúp nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường công khai, minh bạch, đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả.

Ông Sơn cũng cho rằng, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 tạo cơ sở để nâng cao năng lực quản lý, tăng niềm tin của thị trường. Qua đó, khuyến khích mạnh mẽ, tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động hiệu quả trên thị trường chứng khoán, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho nền kinh tế.

Tham dự hội nghị có đại diện của các công ty: đại chúng, niêm yết, chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; ngân hàng giám sát, ngân hàng thanh toán, công ty kiểm toán... Đây là những đối tượng chịu sự tác động của Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Do vậy, ông Phạm Hồng Sơn mong muốn, thông qua hội nghị này sẽ giúp các doanh nghiệp nhận thức đầy đủ, sâu sắc những nội dung chủ yếu của Luật, tạo điều kiện để Luật được thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn.

Ông Nguyễn Quang Việt, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Thực tế, trong thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phối hợp với các cơ quan, ban ngành tăng cường quản lý giám sát, xử lý vi phạm trên thị trường.

Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trên thị trường ngày càng tinh vi và phức tạp, trong khi thẩm quyền của cơ quan quản lý cũng có những hạn chế nhất định. Chính vì vậy, hiệu lực, hiệu quả, biện pháp xử lý cũng chưa đủ sức răn đe trên thị trường. Tất cả những vấn đề bất cập này sẽ được cơ quan quản lý khắc phục, sửa đổi bổ sung theo yêu cầu thực tiễn trong Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.

Theo đó, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 đã bổ sung một số quyền hạn cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Cụ thể là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung thanh tra; yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị nghiêm cấm.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy gọi được, thời gian gọi để xác minh, xử lý hành vi bị nghiêm cấm.

Với việc bổ sung các trách nhiệm và quyền hạn như trên, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có điều kiện tốt hơn để quản lý, giám sát thị trường chứng khoán theo thông lệ quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế Các Ủy ban chứng khoán (IOSCO).

Ngoài ra, để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán, Luật sửa đổi quy định về mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán.

Cụ thể, đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn, minh bạch như thao túng thị trường, giao dịch nội bộ... thì mức phạt tối đa là 10 lần khoản thu trái phép đối với tổ chức và 5 lần đối với cá nhân. Đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.

Đáng chú ý, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 cũng quy định, sửa đổi đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ để phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh việc các doanh nghiệp lạm dụng chào bán riêng lẻ ra công chúng; quy định rõ đối tượng tham gia đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu kèm chứng quyền riêng lẻ của công ty đại chúng chỉ bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và bị hạn chế chuyển nhượng (tối thiểu 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục