Đưa công nghệ vào sản xuất - Bài 3: Chuyển giao công nghệ

16:12' - 21/05/2021
BNEWS Thời gian qua, nhiều địa phương đã từng bước phát triển những điểm kết nối cung cầu, trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã phát huy được vai trò quản lý, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ, qua đó từng bước phát triển những điểm kết nối cung cầu, trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo...

Các địa phương đã nâng cao hiệu quả kết nối, hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu vào sản xuất, khởi nghiệp sáng tạo...

Đồng thời, hình thành được những đầu mối quản lý chuyên trách về phát triển thị trường, doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nguồn nhân lực có trình độ được tăng cường theo từng năm.

*Xây dựng sàn giao dịch

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện tại cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ.

Trong đó, có thể kể đến sàn giao dịch công nghệ; tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp; tổ chức thẩm định, giám định công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ...

Đặc biệt, số lượng sàn giao dịch công nghệ đã có sự phát triển tại nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước. Nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ, thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành được 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, 1 sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, 1 sàn giao dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.

Ngoài ra, có sàn được thành lập trên cơ sở liên kết với doanh nghiệp dịch vụ chuyển giao công nghệ tư nhân để trở thành đơn vị độc lập trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ. Phương thức vận hành của sàn giao dịch công nghệ có xu hướng triển khai theo cả mô hình sàn thực và sàn ảo.

Trong đó, sàn thực chủ yếu tập trung và trưng bày, giới thiệu công nghệ, thiết bị, sản phẩm... của nhà khoa học, doanh nghiệp. Còn sàn ảo chủ yếu giới thiệu, chào bán thiết bị công nghệ qua mạng trực tuyến. Tuy nhiên, hiệu quả của từng phương thức này thực hiện tại sàn có sự khác biệt như hoạt động mua bán, trao đổi công nghệ trên sàn ảo gặp nhiều khó khăn, số lượng truy cập vào sàn ảo không nhiều.

Trước thực trạng trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho hay, ngành đang thúc đẩy đầu tư nâng cấp và phát triển sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ tại Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; một số sàn giao dịch công nghệ cấp vùng và chuyên ngành có vai trò đầu mối. Hoạt động này sẽ phục vụ cung cấp dịch vụ công có tính hệ thống, hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức trung gian khác thực hiện dịch vụ tư vấn, môi giới về thị trường khoa học và công nghệ...

Song song, ngành cũng liên kết mạng lưới sàn giao dịch công nghệ quốc gia, sàn giao dịch công nghệ vùng và địa phương... thực hiện hoạt động liên thông giữa thị trường khoa học và công nghệ trong nước với thị trường quốc tế. Lồng ghép với hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành, địa phương liên quan để thực thi hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ.

Liên quan đến nhu cầu công nghệ chuyên ngành sản xuất, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, Việt Nam đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản với trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, có năng lực chế biến trên 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản mỗi năm. Mặc dù vậy, sự phát triển của ngành chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp, còn bộc lộ nhiều tồn tại.

Ghi nhận thực tế có thể thấy vai trò to lớn của công nghệ và việc ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ chế biến nông sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu tiếp nhận công nghệ chế biến nhằm nâng cao năng lực sản xuất, tăng giá trị gia tăng của các doanh nghiệp chế biến nông sản là không nhỏ.

Để giúp cho ngành công nghiệp chế biến nông sản phát triển ổn định và bền vững trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài cần cải thiện trình độ và năng lực công nghệ. Do đó, việc ban hành cơ chế chính sách cần định hướng và khuyến khích phát triển nhất là những chính sách hỗ trợ về phát triển và ứng dụng công nghệ để phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, bảo quản nông sản...  cần tạo ra tính đột phá cho ngành.

*Phát triển tổ chức trung gian

Theo báo cáo của một số địa phương như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng... hoạt động phát triển tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ trong giai đoạn vừa qua đã có những bước phát triển nhất định. Song song, hệ thống đầu mối về trung tâm xúc tiến chuyển giao công nghệ, trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được phát triển tại 63 tỉnh, thành phố.

Các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ đã được phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Năng lực của tổ chức trung gian thị trường được tăng cường thông qua hoạt động đào tạo cán bộ về kiến thức và kỹ năng môi giới công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu cung, cầu công nghệ, nền tảng sở hữu trí tuệ trên mạng internet...

Riêng về loại hình tổ chức trung gian tương đối đa dạng ở cả khu vực công và tư, tập trung ở viện, trường, đơn vị sự nghiệp thuộc cơ quan Nhà nước... Cùng với việc phát triển tổ chức trung gian truyền thống, những tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, có gần 70 cơ sở ươm tạo, đồng thời những tổ chức thúc đẩy kinh doanh trong khu vực tư nhân mang đến làn sóng mới cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam. Còn mạng lưới trường đại học, viện nghiên cứu đã nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, nên định hướng thành thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (spin – off) để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Những mô hình này, không chỉ cung cấp không gian làm việc cho cộng đồng doanh nhân trẻ, nhóm khởi nghiệp mà còn là một môi trường tích cực thúc đẩy sự hợp tác, tương tác, kết nối mạng lưới các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Thông qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hệ sinh thái khởi nghiệp từng bước bắt kịp với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học và công nghệ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu phần mềm Quang Trung, Trung tâm Công nghệ sinh sinh học, Viện Khoa học công nghệ tính toán… Ngoài ra, Đại học Quốc gia và 45 trường đại học và 30 cao đẳng, trên 134 phòng thí nghiệm và hơn 382 tổ chức khoa học và công nghệ.

So với cả nước, Tp. Hồ Chí Minh có nguồn nhân lực khoa học công nghệ chiếm trên 25%, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm 50%. Riêng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp khoa học và công nghệ lần lượt chiếm 42% và 15%.

Những năm gần đây, thị trường khoa học và công nghệ Tp. Hồ Chí Minh đã có những chuyển biến theo xu hướng tích cực. Doanh nghiệp sản xuất được tiếp cận dễ dàng với thông tin công nghệ và thiết bị thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, phương tiện truyền thông và hoạt động xúc tiến kết nối cung cầu, tạo động lực thúc đẩy hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Điển hình, được ra mắt và vận hành tại địa chỉ Techport.vn từ tháng 11/2016, Cổng thông tin Techport.vn kết nối trực tuyến bên cung, bên cầu và các tổ chức trung gian với na chức năng, gồm: giao dịch công nghệ, dịch vụ tư vấn và tìm kiếm đối tác. Techport.vn hiện đang giới thiệu thông tin 10.367 công nghệ và thiết bị của 1.602 nhà cung ứng.

Với thế mạnh từ nguồn dữ liệu công nghệ đa lĩnh vực, cơ chế mở giúp thành viên tự do giao dịch, đội ngũ chuyên gia sẵn sàng tư vấn… Techport.vn ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ năm 2016 đến nay, Techport.vn đã có hơn 900.000 lượt truy cập, tương đương tốc độ tăng trưởng trung bình hơn 30% mỗi năm và hơn 340.000 lượt người dùng./.

>>>Đưa công nghệ vào sản xuất - Bài 1: Điểm sáng đổi mới sáng tạo

>>>Đưa công nghệ vào sản xuất - Bài 2: Thương mại hóa sản phẩm

>>>Đưa công nghệ vào sản xuất - Bài cuối: Tăng nội địa hóa

  •  

  •  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục