Đưa công nghệ xưởng cực tiểu phục vụ phát triển công nghiệp

10:12' - 16/09/2015
BNEWS Xưởng cực tiểu là hệ thống sản xuất vi mạch bán dẫn mới và nhỏ, chỉ bằng 1/1.000 số tiền đầu tư cho một nhà máy thông thường.
Quang cảnh buổi ký kết biên bản ghi nhớ. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh và Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (Nhật Bản) mới đây đã ký ghi nhớ về Chương trình hợp tác nghiên cứu và cải thiện công nghệ tiên tiến liên quan đến xưởng cực tiểu (Minimal Fab).

Theo thỏa thuận, phía đối tác Nhật Bản sẽ tiếp nhận đào tạo hai nghiên cứu viên của Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai SHTP trong vòng 1 – 2 năm tại Nhật Bản. Đồng thời, chuyển giao các công nghệ về Minimal Fab cho Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành.

Đây là một cơ hội rất lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch của Tp. Hồ Chí Minh thông qua việc tiếp xúc với công nghệ chế tạo vi mạch bán dẫn mới, dựa trên nền tảng công nghệ Minimal Fab, đặc biệt trong giai đoạn Tp. Hồ Chí Minh đang triển khai đề án phát triển vi cơ điện tử (MEMS).
Xưởng cực tiểu là hệ thống sản xuất vi mạch bán dẫn mới và nhỏ, chỉ bằng 1/1.000 số tiền đầu tư cho một nhà máy thông thường. Đó là dây chuyền sản xuất sử dụng phiến bán dẫn (wafer) có đường kính chỉ bằng một nửa inch (tức khoảng 12,5 mm).

Với việc ứng dụng công nghệ làm sạch cục bộ, xưởng cực tiểu không cần phòng sạch. Do đó, hoạt động chế tạo vi mạch bán dẫn thậm chí có thể thực hiện ngay trong văn phòng.
Theo ông Yasuyuki Harada, Chủ tịch Ban quản lý Hiệp hội Phát triển xưởng cực tiểu Nhật Bản, điểm nổi trội nhất của xưởng cực tiểu là công nghệ tân kỳ lần đầu tiên trên thế giới, giúp cho những doanh nghiệp nhỏ có thể trực tiếp tham gia vào sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, ông Yasuyuki Harada cho rằng, nếu chưa có đủ kinh nghiệm về công nghệ bán dẫn vi mạch, thì dù hệ thống có ưu việt đến mấy cũng không thể phát huy được. Vì vậy, vấn đề tiên quyết là phải đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghệ này.
Hiện nay, phía đối tác Nhật Bản đã hoàn thành khoảng 100 mẫu thiết bị công cụ nhỏ gọn liên quan đến xưởng cực tiểu và đã chế tạo thử nghiệm thành công những thành tố cơ bản của vi mạch bằng những thiết bị này. Dự kiến, trong thời gian khoảng 3 năm tới, công nghệ xưởng cực tiểu sẽ hoàn thành và Việt Nam là nước đầu tiên được chuyển giao công nghệ này.
Ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, vi mạch bán dẫn là một ngành nằm trong 4 lĩnh vực mũi nhọn trong định hướng phát triển công nghiệp của Tp. Hồ Chí Minh. Việc thành phố tham gia vào quá trình nghiên cứu, xây dựng Minimal Fab là một sự kiện đáng chú ý.

Đây là mô hình rất phù hợp với quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam, vốn chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thành công của hợp tác này sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam và đưa Việt Nam trở thành nước đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mới này./.
Vũ Tiến Lực

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục