Đưa kim ngạch thương mại Việt Nam-Campuchia chạm ngưỡng 5 tỷ USD

11:19' - 11/04/2017
BNEWS Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ ba và đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia.

Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ ba và đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia.

Mặt hàng công nghiệp gồm sản phẩm từ sắt thép là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Đặc biệt, vào cuối tháng 10/2016, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia PAN Sorasak đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia. Bản thỏa thuận ngoài việc thúc đẩy quan hệ thương mại còn góp phần triển khai Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Campuchia nhân chuyến thăm Campuchia trước đó của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mục tiêu 5 tỷ USD trong thời gian tới.

Hợp tác toàn diện

Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới 1.137 km trải dài suốt 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Với phương châm“Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm gần đây, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam - Campuchia ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Hàng năm, hai nước đã thông qua các cơ chế phối hợp thường xuyên, luân phiên của Uỷ ban Hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật và các hội nghị: xúc tiến đầu tư, thương mại; hợp tác và phát triển các tỉnh biên giới... từ đó đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Theo Vụ Châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), việc thông thương qua các cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đã có nhiều thuận tiện; số phương tiện, người và hàng hoá qua lại tăng theo từng năm đã góp phần đưa Campuchia vào vị trí thị trường xuất khẩu lớn thứ 16 của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, nếu năm 2001, kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia mới chỉ đạt 184 triệu USD, thì đến năm 2015 con số này đã chạm ngưỡng 3,05 tỷ USD. Tính đến hết tháng 10/2016, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 2,4 tỷ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt gần 1,8 tỷ USD.

Nhóm các mặt hàng công nghiệp gồm sản phẩm từ sắt thép, phân bón, dệt may, máy móc thiết bị phụ tùng, chất dẻo…là nhóm mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia.

Thương vụ Việt Nam tại Campuchia cho biết, đến nay đã có xấp xỉ 190 dự án đầu tư sang Campuchia được cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, đứng thứ 2 trong tổng số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của Việt Nam.

Các dự án đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chiếm 54% tổng vốn đầu tư; năng lượng 27,05%; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chiếm 8,7%; bưu chính, viễn thông 5,1%; các lĩnh vực còn lại, như: chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi, thương mại xuất nhập khẩu, y tế, xây dựng… chiếm khoảng 2%.

Ngoài ra, ngay sau khi ký kết bản thỏa thuận hợp tác, hai bên đã dành những ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu cho các loại hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam và Camphuchia.

Cụ thể, phía Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm: sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm sắt thép.

Đây là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam, cao hơn cả ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác.

Vì thế, đây là điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với hàng hóa của các nước khác trên thị trường Campuchia.

Ngược lại, Việt Nam cũng dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản, gồm thịt, phụ phẩm tươi sống, chanh, thóc gạo, bánh gato, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch), sản phẩm nhựa, sách vở, vải dệt, xe đạp. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.

Giải pháp lâu dài

Mặc dù Campuchia là thị trường được nhiều nhà đầu tư Việt Nam quan tâm và là thị trường thương mại tiềm năng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, nhưng hệ thống pháp luật tại Campuchia chưa hoàn thiện, giữa Trung ương với các địa phương còn chồng chéo, thiếu nhất quán. Đó là những khó khăn không nhỏ, ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia.

Nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại trong thời gian tới, Việt Nam và Capuchia đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Bên cạnh đó, hai nước sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các dự án đã được cấp phép và sớm ký kết các thoả thuận hợp tác mới để phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, tới đây hai nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nguồn vốn đầu tư thích đáng đối với doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư, thương mại vào Campuchia. Đặc biệt, là một số dự án đầu tư thực hiện mục tiêu quan trọng, có tác động trực tiếp tới phát triển kinh tế của Việt Nam như: điện nhập khẩu về Việt Nam; khai thác một số khoáng sản thay thế nhập khẩu phục vụ sản xuất, chế biến trong nước.

Việt Nam cũng xây dựng cơ chế, chính sách mở cửa thông thoáng cho các hoạt động xuất nhập - khẩu hàng hoá, du lịch liên quốc gia, hợp tác lao động, thủ tục hải quan, thủ tục xuất - nhập cảnh và các quy chế về thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư, thương mại vào Campuchia.

Đặc biệt, người dân các tỉnh giáp danh với Campuchia sang canh tác, làm ăn trên lãnh thổ nước này.

Theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, thời gian tới Việt Nam và Campuchia sẽ thực hiện hiệu quả Hiệp định Khuyến khích, bảo hộ đầu tư, sớm ký Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Thương mại biên giới thay thế Hiệp định Mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, Hiệp định Hợp tác lao động, Bản Ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2017 - 2025, tầm nhìn 2030. Điều này sẽ góp phần đưa quan hệ thương mại hai nước lên tầm cao mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục