Đưa nông nghiệp công nghệ cao về xứ Thanh

09:00' - 05/03/2016
BNEWS Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tiên phong đưa công nghệ cao trong sản xuất mía, rau, củ, quả, hoa... về với xứ Thanh.
Tiên phong đưa nông nghiệp công nghệ cao về xứ Thanh. Ảnh minh họa: Mạnh Linh–TTXVN

Với sở trường là sản phẩm nông nghiệp, liên kết tốt với nông dân để khai thác tối đa lợi thế tiềm năng đất đai, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã tiên phong đưa công nghệ cao trong sản xuất mía, rau, củ, quả, hoa... về với xứ Thanh; đưa các sản phẩm nông nghiệp nơi đây trở thành hàng hóa chủ lực, đạt giá trị cả tỷ đồng/ha.

Được khánh thành vào cuối tháng 12/2015, nhưng trong 2 năm chuẩn bị, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn đã đưa ra thị trường nhiều loại sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và được thị trường đón nhận tích cực.

Hiện Trung tâm mới chỉ cung cấp được cho các nhà hàng, siêu thị của các thành phố như Thanh Hóa, Hà Nội, Ninh Bình, Vinh, đặc biệt là sản phẩm của Trung tâm đang tiến vào các đơn vị công sở nhà nước.

Dẫn chúng tôi đi tham quan Trung tâm rộng 186 ha, gồm 3 khu: khu trung tâm (124 ha) và 2 trại thử nghiệm, ông Nguyễn Duy Khái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn cho biết, trước khi triển khai, ông đã khi khắp các viện trường, các Trung tâm sản xuất rau, hoa quả cả nước để tìm hiểu. Khi xây dựng Trung tâm, Công ty đặt tiêu chuẩn đầu tiên là kỹ thuật, thứ hai là an toàn.

Bởi vậy, trước khi đi vào hoạt động, Công ty đã có sự liên kết trong đào tạo và tiếp nhận công nghệ từ nhiều các viện nghiên cứu trong và ngoài nước như Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Viện Nghiên cứu mía đường Quảng Tây, Viện Nghiên cứu hoa ở Quảng Đông (Trung Quốc); các đơn vị nghiên cứu chế phẩm sinh học ở Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc)…

Thăm quan hệ thống tưới tiết kiệm được nhập khẩu của NETAFIM (Israel), ông Nguyễn Duy Khái cho biết, nhà hệ thống này chỉ rộng mấy trăm mét vuông nhưng đang phục vụ tưới cho 10 ha nhà kính và 20 ha cánh đồng mở (cánh đồng ngoài trời).

Công nghệ tưới bón kết hợp được điều khiển bằng hệ thống tự động. Mỗi loại cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng sẽ được tưới bón một chế độ riêng và đều được điều khiển thông qua máy tính. Toàn bộ hệ thống chăm sóc, tưới bón cho hàng chục hécta của Trung tâm giờ đây chỉ cần 1 kỹ sư điều hành.

Với sự đầu tư như trên, ngoài vấn đề khó khăn về vốn, theo ông Nguyễn Duy Khái, vấn đề tiếp nhận công nghệ, đào tạo con người có thể tiếp nhận được công nghệ đó, kỹ thuật lao động theo mô hình đó cũng là thách thức với Trung tâm.

Cộng với tiền đề là Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn đã trải qua 30 năm liên kết rất chặt chẽ với nông dân trong sản xuất nông nghiệp, do đó Trung tâm đang tập trung liên kết, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất an toàn VietGAP cho người dân, từng bước hình thành chuỗi sản phẩm có giá trị cao, cung cấp cho thị trường.

Chăm sóc hoa trong nhà lưới tại Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn. Ảnh: Khiếu Tư-TTXVN

“Để làm được việc đó, Trung tâm có chuyển giao một số tiến bộ khoa học kỹ thuật cho những hộ nông dân tiên tiến. Đó là những người có năng lực, nhận thức và có vốn, có khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật và là những hộ dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận rủi ro ban đầu.” - ông Nguyễn Duy Khái cho biết.

Theo ông Nguyễn Duy Khái, toàn bộ Trung tâm công nghệ cao sẽ tập trung sản xuất giống mía theo công nghệ nuôi cấy mô, các loại cây ăn quả có múi, hoa, cây cảnh, rau quả an toàn VietGAP…

Hiện Trung tâm đã triển khai sản xuất trên 10 ha nhà kính, nhà lưới để sản xuất rau, hoa và hơn 10 ha cánh đồng mở. Năm nay, Công ty sẽ mở rộng thêm khoảng 10 ha ở Trung tâm và 20 ha tại Công ty TNHH Lam Sơn - Sao Vàng với mục tiêu hình thành chuỗi liên kết sản phẩm an toàn, chất lượng cao.

Từ năm 2017, Trung tâm sẽ kết nối với các thành viên ở các địa phương để hình thành sản xuất chuỗi, hướng tới mục tiêu xa hơn là xuất khẩu các sản phẩm rau, hoa, quả an toàn theo đơn đặt hàng của đối tác như Nhật Bản.

Hiện Công ty đang tập trung sản xuất hoa theo chu trình khép kín, từ nhân giống sạch bệnh bằng kỹ thuật nuôi cấy mô đến xây dựng vườn ươm cây giống và tổ chức sản xuất hoa thương mại theo công nghệ mới của Israel.

Năm nay, Trung tâm dự kiến sản xuất 100.000 cây hoa lan giống, 60.000 cây thương mại và 100.000 cây hoa thời vụ, đồng thời chuyển giao thêm 6 mô hình trồng hoa thời vụ (1.000 m2/hộ).

Các sản phẩm rau quả như: ớt chuông, dưa vàng, cà chua… đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, doanh thu trung bình đạt từ 2,5-3  tỷ đồng/năm (sản xuất trong nhà kính, nhà lưới).

Tâm sự về quyết định đầu tư cho Trung tâm này, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn cho hay, nhận thấy sản phẩm nông nghiệp an toàn hiện vẫn đang hiếm trên thị trường, trong khi cuộc sống của người dân càng đòi hỏi chất lượng cuộc sống tốt hơn, sử dụng các sản phẩm tốt hơn, an toàn hơn.

Cùng với xu hướng phát triển nông nghiệp trên thế giới, cho nên khi sở hữu vùng đất đai lớn, màu mỡ, Công ty đã quyết định đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, gắn liền du lịch sinh thái, di tích văn hóa - lịch sử Lam Kinh... sẽ tạo đà phát triển nông nghiệp xứ Thanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục