Đưa nông nghiệp đô thị thành phố Hà Tĩnh phát triển xứng tầm

13:13' - 07/06/2022
BNEWS Cùng với những ưu đãi về thiên nhiên với hệ sinh thái đa dạng đã trở thành tiềm năng để thành phố Hà Tĩnh phát triển nền nông nghiệp đặc trưng, lợi thế.

Là địa bàn có diện tích đất ven đô lớn, cùng với tâm huyết của lãnh đạo, sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm của những "nông dân thành phố" đã và đang đưa thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh hình thành ngày càng nhiều mô hình tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng sinh thái bền vững.

* Quyết tâm thay đổi tư duy nông nghiệp đô thị

Thành phố Hà Tĩnh có mạng lưới nền sản xuất nông nghiệp ven đô truyền thống và khá phát triển. Cùng với những ưu đãi về thiên nhiên với hệ sinh thái đa dạng đã trở thành tiềm năng để thành phố Hà Tĩnh phát triển nền nông nghiệp đặc trưng, lợi thế.

 

Theo thống kê của ngành chuyên môn, toàn thành phố Hà Tĩnh có 500 ha đất nuôi trồng thủy sản (mặn lợ và ngọt) và hệ thống ao hồ phong phú; gần 500 ha đất trồng cây màu và 1.400 ha sản xuất lúa. Hiện tại, thành phố vẫn còn 11/15 xã, phường có diện tích sản xuất nông nghiệp.

Nhằm phát huy những lợi thế sẵn có để thực hiện nông nghiệp đô thị, lãnh đạo thành phố Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xây dựng các dự án nông nghiệp trên tinh thần lấy sự phát triển hợp tác xã làm nòng cốt để làm trọng tâm liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, người sản xuất với người tiêu dùng.

Trên cơ sở đó, thành phố Hà Tĩnh tập trung hỗ trợ người nông dân từ khâu hình thành các hợp tác xã đến xây dựng, nhận diện thương hiệu, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số và tạo ra chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm.

Trưởng phòng kinh tế UBND thành phố Hà Tĩnh Trần Quang Hưng cho biết, thành phố Hà Tĩnh đã đề ra chỉ tiêu trong năm 2022 tích tụ khoảng 250 ha đất nông nghiệp cùng với xây dựng 15 mô hình nông nghiệp đô thị trọng tâm tại các phường xã.

Từ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đều đặn mỗi ngày, mỗi tuần, người dân thành phố Hà Tĩnh đều thấy các lãnh đạo chủ chốt của thành phố, lãnh đạo các phòng, ban, phường xã… xuống tận cơ sở nắm tình hình xây dựng nông nghiệp đô thị. Họ xắn quần, lội ruộng, cùng lắng nghe những tâm tư, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm cho người nông dân thành phố.

Trực tiếp đến các mô hình, lắng nghe nông dân chia sẻ khó khăn, nhiều điểm nghẽn đã được tháo gỡ ngay sau đó, các chính sách được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh chia sẻ: "Nhờ những chính sách của thành phố đã kịp thời động viên các mô hình, hợp tác xã tập trung tích tụ ruộng đất, tổ chức sản xuất tốt, mang lại hiệu quả cao.

Tại xã Thạch Hạ đã quy hoạch 3 vùng sản xuất, tích tụ ruộng đất trên diện tích 170 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng và thân thiện với môi trường sinh thái".

* Những "quả ngọt" bước đầu

Hợp tác xã rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh là một trong những mô hình phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng công nghệ cao được cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Tĩnh hỗ trợ về đất, cơ sở hạ tầng, giống, khoa học kỹ thuật theo các chỉ thị, nghị quyết và kế hoạch về cơ chế phát triển nông nghiệp đô thị.

Từ quy mô 3.000 m2 nhà màng ban đầu, đến nay, hợp tác xã đã mở rộng quy mô lên 10.000 m2 nhà màng để sản xuất dưa lưới và dưa lê vàng Hàn Quốc theo hướng công nghệ cao. Doanh thu mỗi năm của hợp tác xã ước tính trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định và thời vụ cho hàng chục lao động trên địa bàn.

Hiện nay, hợp tác xã rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ đang hoàn thiện quy trình sản xuất VietGAP theo hướng hữu cơ và tổ chức mở rộng diện tích nhà màng lên 20.000 m2.

Anh Nguyễn Đăng Mạnh, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau củ quả và dịch vụ tổng hợp Thạch Hạ chia sẻ, từ những chính sách, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền thành phố Hà Tĩnh cũng như địa phương xã Thạch Hạ đã giúp hợp tác xã mạnh dạn hơn trong đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng diện tích.

Với quy trình sản xuất hữu cơ khép kín, ứng dụng công nghệ cao theo hướng VietGAP sẽ là hướng đi bền vững, hiệu quả mà hợp tác xã theo đuổi.

Nhờ thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đô thị bằng việc du nhập các phương thức sản xuất mới gắn nông nghiệp với thương mại và dịch vụ sinh thái đã cho ra đời những mô hình khẳng định thương hiệu của "nông dân thành phố". Điển hình như mô hình nuôi trai lấy ngọc, nuôi ong lấy mật tại xã Đồng Môn.

Đặc biệt, sau gần 2 năm triển khai, cơ sở nuôi trai lấy ngọc của ông Trần Nhật Duật (thôn Liên Công, xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh) đã khai thác lứa đầu tiên với trên 1.100 con trai cho chất lượng sản phẩm ngọc trai tròn đều, đẹp, giá trị kinh tế cao.

Những làng lúa, làng hoa đang dần hình thành giữa lòng thành phố Hà Tĩnh, tạo điểm nhấn về cảnh quan sinh thái cho đô thị, điển hình như mô hình tích tụ ruộng đất để sản xuất 3 trong 1 của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Liên Nhật.

Tại diện tích đất sâu trũng, bỏ hoang như ở xã Đồng Môn, phường Tân Giang, Văn Yên, thành phố Hà Tĩnh hướng người dân chuyển đổi sang trồng sen nhằm tạo cảnh quan đô thị và tăng thu nhập cho người dân từ bán hoa sen, hạt sen.

Nói về chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị tại thành phố Hà Tĩnh, Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho rằng, phát triển nông nghiệp đô thị ở thành phố Hà Tĩnh không phải chỉ là kế hoạch của 1 năm mà là mở đầu cho cả chiến lược lớn, tạo ra kết nối những trục phát triển đô thị mới, gắn với quy hoạch tổng thể của thành phố Hà Tĩnh về phía đông và phía tây.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Tĩnh sẽ lựa chọn đúng trọng điểm cho từng giai đoạn để dồn nguồn lực, phát triển một cách quy mô, bền vững. Điều này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn phát triển vành đai xanh, tạo thế cân bằng sinh thái cho đô thị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục