Đức chi 400 triệu euro mua thuốc kháng thể chống COVID-19

07:57' - 25/01/2021
BNEWS Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn ngày 24/1 cho biết Đức đã mua một loại thuốc mới để chống đại dịch COVID-19 ở nước này trong bối cảnh nguồn vaccine hạn chế.

Đức sẽ là quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên sử dụng kháng thể, vốn cũng được dùng điều trị cho cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, để kiềm chế sự lây lan của đại dịch.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu trên báo Hình ảnh Chủ Nhật (BamS), Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh bắt đầu từ tuần này, Đức sẽ là quốc gia đầu tiên trong EU sử dụng loại kháng thể đơn dòng để chống COVID-19 và trước mắt thuốc sẽ được sử dụng ở các bệnh viện đại học.

Ông Spahn cho biết Chính phủ liên bang Đức đã mua 200.000 liều trị giá 400 triệu euro (487 triệu USD) cho cuộc chiến chống COVID-19.

Loại dược phẩm này tác động như một loại vaccine thụ động trong cơ thể và việc được chẩn đoán sử dụng kháng thể sớm có thể giúp các bệnh nhân có nguy cơ cao tránh được tình trạng bệnh xấu hơn.

Khi được tiếp nhận thuốc này, cơ thể sẽ tạo ra các kháng thể nhân tạo vây quanh virus và ngăn chặn virus xâm nhập vào các tế bào cơ thể, qua đó virus bị kiềm chế và không thể nhân lên.

Với dược phẩm này, các kháng thể nhân tạo có tác dụng bảo vệ bệnh nhân chuyển bệnh nặng hơn, đồng thời cũng có thể giúp bảo vệ người khỏe mạnh không bị nhiễm bệnh, qua đó tạm thời hỗ trợ "bảo toàn" lực lượng y bác sĩ cho đến khi được tiêm chủng.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng được điều trị bằng kháng thể REGN-COV2 của công ty Mỹ Regeneron sau khi ông mắc COVID-19 hồi tháng Mười năm ngoái.

Việc mua kháng thể được Chính phủ Đức tiến hành trong bối cảnh Bộ Y tế phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì chiến dịch tiêm vaccine diễn ra chậm do thiếu nguồn cung vaccine.

Theo ông Spahn, Đức lẽ ra phải có biện pháp ngăn chặn quyết đoán và sớm hơn khi tỷ lệ lây nhiễm còn thấp, song với tình hình hiện nay, các chính trị gia và người dân cũng cần chia sẻ trách nhiệm.

Người đứng đầu ngành y tế Đức cũng bác bỏ khả năng sớm dỡ bỏ các hạn chế hiện nay cho tới khi có thể đảm bảo vaccine cho tất cả mọi người.

Trong khi đó nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại việc dỡ bỏ quá sớm các biện pháp phong tỏa hiện hành có nguy cơ dẫn tới làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở Đức khi tình trạng lây nhiễm sẽ nguy hiểm và nghiêm trọng hơn với sự xuất hiện của nhiều biến thể mới.

Thậm chí nhiều chuyên gia và chính trị gia kêu gọi siết chặt hơn nữa các biện pháp đang được áp dụng hiện nay để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể mới.

Trong khi đó, ngày 24/1, giới chức y tế Đức thông báo phát hiện một ổ dịch tại nhà máy sản xuất máy bay Airbus ở Hamburg khi có 21 nhân viên có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện 500 người trong tổng số 12.000 nhân viên nhà máy ở Hamburg này đã được cách ly và làm xét nghiệm, trong khi nhà chức trách cũng đang điều tra nguyên nhân bùng phát ổ dịch cũng như xác định virus có phải biến thể mới hay không.

Tại Berlin sau khi ổ dịch biến thể mới được phát hiện ở bệnh viện Humboldt thuộc quận Reinickendorf, khoảng 1.500 y-bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên quản lý và kỹ thuật viên đã được cách ly.

Những người trong bệnh viện phải đi làm từ đầu tuần này sẽ được những xe bus riêng đưa đón để tránh lây nhiễm rộng hơn.

Bệnh viện này cuối tuần qua đã phát hiện 20 trường hợp bệnh nhân và nhân viên nhiễm biến thể mới phát hiện ở Anh. Trong khi một bệnh viện khác ở Spandau cũng có một bệnh nhân nhiễm biến thể mới của virus.

Tại thành phố Stutgart (bang Baden-Württemberg) cũng đã lần đầu tiên phát hiện biến thể ở Nam Phi. Bệnh nhân là cặp vợ chồng đầu tháng Một từ Nam Phi trở về.

Các xét nghiệm được thực hiện trước khi khi từ Nam Phi trở về Đức cũng như sau khi nhập cảnh Đức ban đầu đều cho kết quả âm tính.

Tuy nhiên, triệu chứng nhiễm bệnh đã xuất hiện trong quá trình thực hiện cách ly và sau đó được xác nhận nhiễm biến thể mới của virus ở Nam Phi.

Trong khi khoảng 30 trường hợp virus phát hiện ở thành phố Flensburg (bang Schleswig-Holstein) trước đây vài ngày cũng đã được xác nhận là biến thể ở Anh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục