Đức: Đình công khiến giao thông công cộng hỗn loạn

17:23' - 10/01/2024
BNEWS Hệ thống giao thông công cộng của Đức tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng do cuộc tổng đình công kéo dài 3 ngày của các nhân viên lái tàu.

Hệ thống giao thông công cộng của Đức tiếp tục rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng do cuộc tổng đình công kéo dài 3 ngày của các nhân viên lái tàu, trùng với các cuộc tuần hành đang diễn ra của Hiệp hội Nông dân Đức trên toàn quốc để phản đối kế hoạch cắt giảm trợ cấp của chính phủ.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, cuộc đình công của các nhân viên ngành đường sắt bắt đầu từ ngày 10/1 sau khi Tòa án Lao động ở Frankfurt bác bỏ lệnh cấm tạm thời của nhà điều hành đường sắt Đức Deutsche Bahn (DB).

Trong thời gian diễn ra đình công, các dịch vụ đường sắt sẽ giảm đáng kể lịch trình hoạt động, buộc nhiều người trong số hàng triệu hành khách của DB phải hủy chuyến đi hoặc tìm phương tiện khác. DB cho biết khoảng 80% dịch vụ đường dài sẽ bị hủy, trong khi các tuyến khu vực sẽ bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Những người đi làm ở Đức đang rơi vào tình trạng chậm trễ hoặc không đến được công sở do giao thông gián đoạn.

Không chỉ tàu khách, các tài xế tàu chở hàng cũng sẽ đình công cho đến tối 12/1. Cuộc đình công do Liên đoàn Lái tàu Đức (GDL) kêu gọi nhằm yêu cầu mức lương cao hơn, cùng với việc giảm giờ làm từ 38 giờ xuống còn 35 giờ/tuần. Đây là cuộc đình công thứ ba và lớn nhất của nhân viên lái tàu kể từ khi công đoàn của họ tiến hành đàm phán với DB và các hãng vận tải khác hồi tháng 11 năm ngoái.

Phát biểu với đài truyền hình ZDP của Đức, Giám đốc GDL Claus Weselsky cho biết các cuộc đình công sẽ tiếp tục cho đến khi các yêu cầu của công đoàn được đáp ứng và DB phải đưa ra thỏa hiệp đáng kể.

Cuộc đình công của ngành đường sắt diễn ra trong bối cảnh nông dân Đức tuyên bố sẽ gia tăng biểu tình trên toàn quốc nhằm phản đối việc cắt giảm trợ cấp, trong đó có trợ cấp dầu diesel.

Các cuộc đình công và biểu tình diễn ra trong bối cảnh chính phủ liên minh Đức dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Olaf Scholz đang phải đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến ngân sách năm 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục