Đức “khó xử” trước sức ép ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga

20:15' - 10/03/2022
BNEWS Đức đã từ chối thực hiện lệnh cấm hoàn toàn đối với khí đốt và dầu nhập khẩu của Nga sau khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine.

Tuy nhiên, Đức đang đối mặt với những lời kêu gọi ngày càng gia tăng về việc cần phải thực hiện lệnh cấm trên.

 

Sau khi Mỹ và Anh áp đặt lệnh cấm đối với việc nhập khẩu dầu của Nga, áp lực đặt nặng lên chính phủ của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và các quốc gia thành viên khác của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về việc thực hiện một động thái tương tự.

Ngày 9/3, một nhóm nhà hoạt động khí hậu, học giả và nhà khoa học đã công bố một bức thư ngỏ gửi Chính phủ Đức yêu cầu một lệnh cấm hoàn toàn đối với việc nhập khẩu năng lượng của Nga, với lý do rằng việc tiếp tục nhập khẩu năng lượng của Nga nghĩa là "đang tài trợ cho chiến dịch đặc biệt trên".

Trong một bài báo đưa tin vào tuần này, chuyên gia chính sách đối ngoại Norbert Roettgen cũng cho biết, hành động đúng đắn duy nhất là "ngừng giao dịch dầu khí với Nga ngay lập tức”.

Ông Roettgen viết: “Gần 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) đang được đổ vào Nga mỗi ngày, cản trở các lệnh trừng phạt của Đức đối với ngân hàng trung ương Nga và đối với nhiều người Ukraine, sẽ là quá muộn nếu Đức cứ tiếp tục chần chừ”.

Cho đến nay, Chính phủ của Thủ tướng Scholz vẫn không có bất kỳ động thái phản ứng nào, với lập luận rằng các lệnh trừng phạt không nên có nguy cơ gây bất ổn cho các quốc gia áp đặt chúng.

Giữa bối cảnh Nga đang cung cấp hơn 50% lượng khí đốt và than đá và khoảng 1/3 lượng dầu nhập khẩu của Đức, các chuyên gia cho rằng nước này cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp để nguồn cung nhiên liệu tránh bị cắt đột ngột.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 8/3 cảnh báo nếu Đức dừng ngay việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga thì hoạt động giao thông, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng bất lợi ngay lập tức và "nước Đức có thể không có điện trong vài ngày". Điều này có nghĩa là Nga đã "ghi điểm" vì khiến hoạt động kinh tế của các nước khác gặp khó khăn.

Nhấn mạnh tình hình đáng lưu tâm của kinh tế Đức, bà Baerbock cũng thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn riêng rằng Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đang "khẩn cấp tìm nguồn mua than đá trên thế giới".

Trong một nghiên cứu được công bố trong tuần này, 9 nhà kinh tế cho rằng dầu và than đá từ Nga có thể dễ dàng bị thay thế bằng việc nhập khẩu từ các nước khác, mặc dù điều này có thể phức tạp hơn một chút đối với khí đốt.

Nếu khí đốt của Nga không được các nhà cung cấp khác bù đắp đầy đủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp Đức sẽ phải chấp nhận “nguồn cung giảm 30%", và tổng mức tiêu thụ năng lượng của Đức sẽ giảm khoảng 8%.

Theo các nhà kinh tế, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có thể giảm 0,2-3% và các lệnh trừng phạt có thể khiến mỗi người Đức thiệt hại từ 80-1.000 euro/năm, tùy thuộc vào lượng khí đốt có thể thay thế của Nga.

Học viện Khoa học Quốc gia Leopoldina (Đức) cũng cho biết, việc tạm thời cắt nguồn cung khí đốt của Nga sẽ là một khó khăn nhưng vẫn là điều có thể kiểm soát được đối với nền kinh tế Đức, ngay cả khi sự tắc nghẽn cung ứng năng lượng có thể xảy ra trong mùa Đông tới".

Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng trước việc tăng giá và khuyến khích chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, có thể sẽ cần sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ.

Các nhà quan sát cũng lưu ý rằng, Đức có lựa chọn trì hoãn việc chấm dứt hoàn toàn sử dụng năng lượng hạt nhân, vốn được lên kế hoạch cho cuối năm nay.

Theo một cuộc thăm dò của YouGov được công bố trong tuần này, phần lớn người Đức ủng hộ ngừng sử dụng nguồn cung dầu khí của Nga, với 54% số người được hỏi nói rằng họ ủng hộ mạnh mẽ hoặc phần nào ủng hộ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục