Các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh khó “hãm phanh” giá dầu

13:30' - 10/03/2022
BNEWS Về lý thuyết, giá dầu sẽ giảm nếu các nước vùng Vịnh tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn dự trữ sẽ hạn chế khả năng điều động của các nước sản xuất dầu.

Giá dầu đã tăng vọt kể từ khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang, song các chuyên gia cho rằng các nhà sản xuất dầu vùng Vịnh không có khả năng cũng như không sẵn sàng tăng sản lượng để giúp ngăn chặn đà tăng đột biến của giá “vàng đen”.

Lời kêu gọi khẩn cấp

 

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 8/3 đã đưa ra "lời kêu gọi khẩn cấp" đối với Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu, thúc giục họ tăng sản lượng để hỗ trợ thị trường giữa những lo ngại về tình trạng thắt chặt nguồn cung.

Cùng ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố cấm Mỹ nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô từ Nga vào cuối năm nay. Hiện Nga là nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới và sản xuất dầu lớn thứ hai sau Saudi Arabia.

Ngày 9/3, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cảnh báo tình trạng tăng giá năng lượng do những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng Nga- Ukraine sẽ gây ra những tác động ngang cú sốc dầu mỏ năm 1973. Cú sốc dầu mỏ năm 1973 xảy ra do ảnh hưởng của cuộc xung đột Arab-Israel.

Khi đó, 6 nước Arập thuộc OPEC đã cấm xuất khẩu dầu mỏ sang các nước hỗ trợ Israel, đặc biệt là Mỹ. Lệnh cấm này khiến giá dầu tăng gấp 4 lần, đẩy các nền kinh tế phương Tây vào suy thoái và lạm phát cao.

Các phương tiện truyền thông Mỹ đã đưa ra khả năng một quan chức cấp cao sẽ có chuyến thăm chính thức Riyadh để thuyết phục nước này bơm thêm dầu thô.

Sản lượng không đủ

Nhà phân tích Amena Baker từ công ty thông tin năng lượng Energy Intelligence (Mỹ) ước tính xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm tinh chế của Nga đã giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày và có thể giảm thêm 2 triệu thùng/ngày trong tuần tới.

Các thành viên OPEC có thể cung cấp tăng sản lượng dầu cao hơn là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất  (UAE) và ở mức độ thấp hơn là Kuwait (Cô-oét) và Iraq (I-rắc). Song, với tổng công suất dự trữ ước tính chỉ từ 2,5- 3 triệu thùng/ngày, sản lượng này sẽ không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu của Nga.

Về lý thuyết, giá dầu sẽ giảm nếu các nước vùng Vịnh tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn dự trữ sẽ hạn chế khả năng điều động của các nước sản xuất dầu trong trường hợp nguồn cung gián đoạn và việc định giá sẽ phải tính đến điều này.

Yousef Alshammari, người đứng đầu công ty nghiên cứu thị trường Cmarkits, có trụ sở tại Anh, cho rằng kể cả khi các nước vùng Vịnh sử dụng đến nguồn dự trữ, giá dầu có thể không giảm nhiều và thị trường sẽ dễ bị tổn thương trước bất kỳ cú sốc gián đoạn nguồn cung nào mà không nhà cung cấp nào có thể giải quyết được.

Chuyên gia này dự báo giá “vàng đen” sẽ vẫn ở mức ba con số, trước những rủi ro địa chính trị.

Ngoài ra, nhà phân tích Baker cũng bày tỏ lo ngại về "sự hoảng loạn của thị trường" nếu tất cả công suất dự trữ được sử dụng hết.

Quan điểm của OPEC

Các nước vùng Vịnh có lợi ích trong việc phối hợp hành động - cả trong OPEC và các đồng minh (OPEC+) - để tránh chiến tranh về giá và giữ quyền kiểm soát thị trường.

Robin Mills, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Qamar Energy có trụ sở tại Dubai, nhận định rất khó để thống nhất trong OPEC+ về mức sản lượng cao hơn, nơi hầu hết các thành viên đã sản xuất ở mức tối đa và chính Nga là một thành viên. Trong khi đó, Saudi Arabia và UAE cho đến nay vẫn tránh lập trường chống lại Nga.

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo mới đây cảnh báo rằng thế giới không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu của Nga, đồng thời kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng.

Tại hội nghị năng lượng thường niên CERAWeek lần thứ 40 diễn ra tại Houston (Mỹ) ngày 7/3, ông Barkindo nhận định vấn đề cấp thiết giờ đây là khả năng bù đắp sự thiếu hụt hiện tại của thế giới.

Lưu ý rằng Nga đang xuất khẩu 7-8 triệu thùng dầu mỗi ngày, ông Barkindo cho biết Nga không thể duy trì lượng xuất khẩu dầu như vậy với các lệnh trừng phạt tài chính liên quan đến hành động quân sự của nước này tại Ukraine.

Ông gọi đây là những biện pháp trừng phạt “khắc nghiệt nhất mà chúng tôi từng thấy đối với một quốc gia”. Theo ông, mọi người đều có quyền tiếp cận năng lượng sạch, với giá hợp lý và nguồn cung bền vững./.

>>>Châu Âu chỉ có thể cấm nhập khẩu dầu của Nga trong thời gian ngắn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục