Đức quy định người chưa tiêm vaccine tự trả tiền xét nghiệm

08:44' - 12/10/2021
BNEWS Tiêm vaccine ở Đức không phải là yêu cầu bắt buộc, nhưng để tham gia hầu hết các hoạt động công cộng ở nước này bắt buộc phải có chứng nhận tiêm vaccine hoặc chứng nhận phục hồi sau khi mắc COVID-19.

Hiện ở Đức có khoảng 3 triệu người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây được coi là áp lực lớn đối với giới chức y tế nước này trong việc kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.

Cho đến nay tại Đức tiêm chủng vẫn không phải là yêu cầu bắt buộc, nhưng để tham gia hầu hết các hoạt động công cộng ở nước này bắt buộc phải có chứng nhận tiêm vaccine hoặc chứng nhận phục hồi sau khi mắc COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, kể từ ngày 11/10, chi phí xét nghiệm nhanh kháng thể để sàng lọc COVID-19 tại Đức không còn được nhà nước chi trả. Theo đó, những người chưa tiêm phòng có thể mất từ 10-25 euro (tương đương 11- 29 USD) nếu muốn vào một nhà hàng hoặc cửa hiệu cắt tóc.

Ngoài ra, bắt đầu từ ngày 1/11, những người chưa tiêm chủng sẽ không nhận được khoản bồi hoàn nào nếu phải trích lương để chi trả cho việc phải cách ly phòng dịch. Trước đây, mọi chi phí cho việc cách ly hoặc không thể đi làm do nghi nhiễm hoặc mắc COVID-19 đều được nhà nước đài thọ.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Đức, trẻ em dưới 12 tuổi vẫn được miễn phí xét nghiệm. Hiện có khoảng 9 triệu trẻ em trong độ tuổi này chưa được tiêm chủng. Mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh trong nhóm đối tượng này vẫn cao, nhưng có rất ít trường hợp nghiêm trọng. Các quy định khác nhau được áp dụng tùy theo từng bang.

Nêu rõ việc tiêm chủng không phải là yêu cầu bắt buộc và người dân vẫn có quyền lựa chọn, song Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định ủng hộ quy định mới trên. Ông nói: "Không có lý do gì những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 lại phải chi trả cho những người nhất định không tiêm chủng".

Nhà dịch tễ học tại Trung tâm Nghiên cứu dịch bệnh Helmholtz, bà Berit Lange, cho biết: "Rất khó để nói chính xác chúng ta đang ở giai đoạn nào của đại dịch COVID-19. Trên toàn cầu, chúng ta có thể dự báo đại dịch có thể kéo dài thêm 2-4 năm nữa".

Bà nói: "Những gì chúng tôi biết là không có đủ khả năng miễn dịch ở Đức để tránh được những đợt bùng phát nghiêm trọng có thể gây quá tải các bệnh viện".

Theo Bộ Y tế, ít nhất 68% người dân ở Đức đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng bệnh và ít nhất 85% trong số những người trên 60 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ. Các số liệu có thể còn cao hơn, dựa trên một phân tích gần đây của Viện Robert Koch (RKI) về sức khỏe cộng đồng.

Theo khảo sát, nhiều người Đức có cảm nhận chung là đất nước đã trải qua thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch. Số người lo lắng về tình trạng lây nhiễm gia tăng giảm xuống còn 42% so với tỷ lệ 62% trong cuộc thăm dò vào mùa Hè vừa qua.

Dựa trên các số liệu thống kê gần đây, dường như Đức đã tránh được đợt dịch thứ 4 khi tỷ lệ mắc COVID-19 liên tục ổn định trong vài tuần qua ở mức khoảng 60 ca mắc/100.000 người.

Tuy nhiên, giới chức y tế khuyến cáo hiện nước Đức đang bước vào mùa Đông, với nhiều hoạt động đời sống xã hội diễn ra trong không gian trong nhà nhiều hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, như đã từng xảy ra năm ngoái. Bộ trưởng Y tế Spahn một lần nữa cảnh báo tỷ lệ tiêm chủng hiện chưa đủ cao để đảm bảo dịch COVID-19 sẽ không tiếp tục bùng phát.

Một trong những điểm gây tranh cãi lớn nhất hiện nay ở Đức là quy định đeo khẩu trang. RKI muốn trẻ em tiếp tục đeo khẩu trang trong lớp học, trong khi nhiều bác sĩ nhi khoa không đồng tình với khuyến nghị này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục