Dung hòa điều hành thu chi, kiểm soát lạm phát

15:16' - 29/06/2022
BNEWS Nửa đầu năm 2022 đã trôi qua trong bối cảnh nhiều khó khăn. Ngành tài chính đã nỗ lực điều hành ngân sách nhà nước, linh hoạt ổn định mặt bằng giá để giữ mục tiêu lạm phát của cả năm.
* Thích ứng điều kiện mới
Trải qua 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, ngay từ đầu năm 2022 ngành tài chính đã xác định tiến độ thu ngân sách nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, từ quý I/2022, khi thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, cuộc chiến Nga – Ukraine gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá cả hàng hóa toàn cầu, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ngành tài chính đã triển khai kịp thời các chính sách thu, chi ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Đồng thời, thiết kế các gói kích cầu kinh tế và tài khóa có hiệu quả, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

Qua đó, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện quý I ước đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán, tăng 7,7 % so cùng kỳ năm 2021.


Bước sang những tháng tiếp theo, ngân sách nhà nước tiếp tục có sự tăng trưởng ấn tượng khi tổng thu ngân sách 4 tháng đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2021; 5 tháng đạt 806,4 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2021; 6 tháng đạt 932,9 nghìn tỷ đồng, bằng 66,1% dự toán và con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng tiếp theo.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, kết quả này cho thấy đà phục hồi khá rõ nét của nền kinh tế, trên cơ sở thực hiện chủ trương thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và việc triển khai nhanh chóng, kịp thời các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho rằng việc triển khai các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội, các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đang phát huy hiệu quả. Một số ngành có đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước duy trì được mức tăng trưởng khá.
Người đứng đầu ngành tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, kết quả thu ngân sách nhà nước đạt khá, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và khá đồng đều còn nhờ thực hiện các giải pháp quản lý thu, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách.
Đặc biệt, Bộ Tài chính cũng cho biết, đã tập trung khai thác nguồn thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, bảo đảm không vượt tỷ lệ cho phép để từ đó góp phần quan trọng ổn định và tăng trưởng nguồn thu.
Cùng với thu ngân sách, việc siết giảm chi tiêu công, đặc biệt là chi thường xuyên đã giúp ngân sách nhà nước có thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo.
Việc quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, đặc biệt là triệt để tiết kiệm chi thường xuyên đã được Bộ Tài chính duy trì thực hiện trong nhiều năm qua. Nguồn tiết kiệm trong chi thường xuyên dành chi tăng lương, an sinh xã hội và nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách khác.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, thu và chi tương tự như hai mặt của đồng xu. Nếu chi ngân sách nhà nước lãng phí, hiệu quả thấp thì không chỉ làm mất ý nghĩa của những nỗ lực thu ngân sách mà còn tác động tới động lực thu và cơ sở tăng thu ngân sách nhà nước một cách bền vững và hợp lý.
Mặc dù thu ngân sách nhà nước tích cực, nhưng Bộ Tài chính cho rằng vẫn còn một số mối lo có thể ảnh hưởng tới thu ngân sách những tháng tới đây như áp lực lạm phát gia tăng, buộc nhiều nước phải điều chỉnh thắt chặt chính sách tiền tệ, việc thực thi chính sách phòng, chống COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc, giá cả tăng cao làm tăng chi phí sản xuất - kinh doanh.
* Kiểm soát lạm phát còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tại nhiều nước, lạm phát đang tăng rất cao, cá biệt như Mỹ tháng 5/2022 tăng 8,5%. Nhiều nước đã lựa chọn điều chỉnh chính sách tài khóa - tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn nhằm kiểm soát lạm phát. Do đó, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động tính toán, dự báo các yếu tố tác động đến lạm phát, xây dựng các kịch bản, giải pháp điều hành giá cả năm trình Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Đến nay, mặt bằng giá vẫn cơ bản được kiểm soát, chỉ số hàng tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021.
Bộ Tài chính cho biết đã thực hiện một số giải pháp tài khóa như giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% một số hàng hóa, dịch vụ, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, xăng dầu; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022 đã trực tiếp phần nào làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, giúp kiểm soát lạm phát trong những tháng đầu năm.

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu đã qua 16 đợt điều chỉnh; trong đó 12 lần tăng giá, hiện mỗi lít xăng RON 95-III đã đắt thêm 9.000 đồng, còn E5 RON 92 là 8.150 đồng so với hồi đầu năm nay. Bộ Tài chính cho biết, việc giá xăng dầu tăng cao đã làm thay đổi các kịch bản dự báo trước đó nhưng cơ quan quản lý không bị động trong điều hành mà đã lên các phương án phù hợp, cùng với các giải pháp thuế phí, quỹ bình ổn giá và đảm bảo nguồn cung, để bình ổn thị trường những tháng đầu năm.


Ở chiều ngược lại, đáng mừng là giá các mặt hàng thực phẩm giảm; trong đó có thịt lợn do tác động của việc giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường. Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần căn cứ vào các thông báo, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ để triển khai các giải pháp quyết liệt, sát tình hình thực tế, tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt bằng giá thị trường theo mục tiêu đề ra. Khi có dấu hiệu bất thường, phải kiểm tra yếu tố hình thành giá và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) với diễn biến CPI bình quân những tháng đầu năm, hiện vẫn còn dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội đề ra ở mức 4%.
Tuy nhiên, trước những diễn biến giá năng lượng và vật tư chiến lược trên thị trường thế giới tiếp tục gia tăng gây sức ép đến mặt bằng giá trong nước cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ sự nghiệp công theo lộ trình thị sẽ tác động rất lớn đến mục tiêu kiểm soát cả năm 2022.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, thời gian tới, Chính phủ cần có nhiều giải pháp căn cơ hơn để kìm hãm tăng giá xăng dầu - là đầu vào của nền kinh tế. Không nên để giá xăng dầu theo đúng nhịp giá thế giới, không để nền kinh tế bị tổn thương quá lớn do lạm phát.
Bộ Tài chính cho biết tiếp tục chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu phục vụ đời sống người dân, nhất là những mặt hàng có xu hướng tăng giá như xăng dầu, gas, vật liệu xây dựng... không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, tết để tăng giá bất hợp lý.
Với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương để điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.
Đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ, đánh giá kỹ bối cảnh, tác động, mức độ và liều lượng điều chỉnh để có phương án điều hành phù hợp khi điều kiện cho phép./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục